31/03/2022 14:16

Khiếu nại Quyết định hành chính- Bất cập và kiến nghị

Khiếu nại Quyết định hành chính- Bất cập và kiến nghị

Bài viết phân tích các đặc điểm của Quyết định hành chính, đồng thời, làm rõ các hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc trong việc ban hành các Quyết định hành chính. Từ đó, đề ra các kiến nghị, đề xuất hoàn thiện pháp luật về Quyết định hành chính- Đối tượng khiếu nại của pháp luật khiếu nại Việt Nam.

Trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước, các chủ thể quản lý thực hiện việc quản lý hành chính nhà nước dựa trên nhiệm vụ, quyền hạn mà pháp luật quy định. Trên cơ sở quyền hạn được pháp luật trao, các chủ thể này có quyền ban hành các Quyết định hành chính (QĐHC) buộc các tổ chức, cá nhân khác phải phục tùng các mệnh lệnh, yêu cầu của nhà quản lý đưa ra. Và với nhiều lý do khác nhau, một số tổ chức, cá nhân có thể cho rằng một số QĐHC nào đó của các cơ quan hành chính nhà nước (CQHCNN), người có thẩm quyền trong CQHCNN là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, các tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại đến các CQHCNN, người có thẩm quyền trong CQHCNN để yêu cầu các cơ quan này xem xét lại các QĐHC mà mình ban hành đã xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong đời sống xã hội.

Thực tiễn hiện nay, khi các cá nhân, tổ chức thực hiện quyền khiếu nại đối với các QĐHC thường bị cơ quan có thẩm quyền từ chối, không thụ lý giải quyết. Điều này đã đặt ra một vấn đề là không phải QĐHC nào cũng là đối tượng khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại. Bởi lẽ, theo quy định của pháp luật khiếu nại hiện nay, thì QĐHC chỉ được xem là đối tượng khiếu nại khi mà phải thỏa mãn được những cái dấu hiệu và những đặc điểm nhất định.

1. Đối tượng khiếu nại

Theo quy định của Luật Khiếu nại: Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Từ quy định này, chúng ta nhận thấy pháp luật khiếu nại không nêu rõ khái niệm đối tượng khiếu nại, pháp luật khiếu nại chỉ liệt kê ba đối tượng khiếu nại hành chính là QĐHC, HVHC và quyết định kỷ luật cán bộ, công chức, khi người khiếu nại có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó trái với quy định pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại.

Các đối tượng khiếu nại của pháp luật khiếu nại có sự tương đồng về mặt hình thức với đối tượng khởi kiện vụ án hành chính. Tuy nhiên, các đối tượng khiếu nại theo quy định của pháp luật khiếu nại ít hơn so với các đối tượng khởi kiện vụ án hành chính. Bởi lẽ, theo quy định của pháp luật tố tụng hành chính, ngoài ba đối tượng theo quy định của pháp luật khiếu nại, pháp luật tố tụng hành chính còn mở rộng thêm hai đối tượng đó là: Khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; Khiếu kiện danh sách cử tri.

Trong phạm vi bài viết này, tác giả đi sâu phân tích QĐHC - đối tượng khiếu nại của pháp luật khiếu nại Việt Nam. Một loại quyết định thường xuyên “xuất hiện” trong quá trình khiếu nại và giải quyết khiếu nại của các cơ quan hành chính nhà nước.

Quyết định hành chính “là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước ban hành để quyết định về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể".

Như vậy, một QĐHC phải bao gồm đầy đủ 4 yếu tố:

Một là, phải thể hiện dưới dạng văn bản;

Hai là, chủ thể ban hành là cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước ban hành;

Ba là, quyết định được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể.

Bốn là, phải được ban hành trong hoạt động quản lý hành chính không liên quan đến bí mật nhà nước trong ba lĩnh vực: quốc phòng, an ninh, ngoại giao.

QĐHC phải được thể hiện dưới hình thức bằng văn bản: Với đặc điểm này, pháp luật khiếu nại đã loại bỏ các QĐHC tồn tại dưới dạng phi văn bản, như QĐHC bằng tín hiệu, bằng còi, bằng biển báo... đây là các QĐHC thể hiện dưới dạng phi văn bản và nó không phải là các đối tượng khiếu nại theo quy định của pháp luật khiếu nại. Đặc điểm này hoàn toàn hợp lý, vì trên thực tiễn đa số các quyết định phi văn bản thường “xuất hiện” trong công việc nội bộ của các cơ quan, tổ chức. Đồng thời, QĐHC phi văn bản thường không rõ ràng trên thực tế nên nó sẽ không thể làm căn cứ  để người khiếu nại thực hiện quyền khiếu nại.

Pháp luật khiếu nại yêu cầu QĐHC phải được thể hiện dưới hình thức bằng văn bản. Tuy nhiên,  pháp luật khiếu nại lại không quy định rõ các dạng tồn tại cụ thể của một văn bản. Như vậy, vấn đề đặt ra là văn bản được hiểu như thế nào? Hiện nay, chưa có một quy định pháp luật nào giải thích khái niệm “văn bản”. Thực tiễn, khi nhắc đến “văn bản” người ta nghĩ đến các loại “giấy tờ”- hình thức thể hiện chủ yếu của văn bản, hay “Văn bản là một loại hình phương tiện để ghi nhận, lưu giữ và truyền đạt các thông tin từ chủ thể này sang chủ thể khác bằng ký hiệu gọi là chữ viết”. Hoặc là các QĐHC dưới dạng tệp tin điện tử, đây cũng là một dạng văn bản theo quy định của pháp luật khiếu nại nếu tệp tin điện tử chứa đựng nội dung của một QĐHC.

Trong quá trình quản lý điều hành, các cơ quan hành chính Nhà nước ngoài việc ban hành các văn bản với tên gọi là quyết định, còn ban hành các văn bản khác mang tên gọi như: thông báo, hướng dẫn, công văn… Một vấn đề đặt ra là các văn bản này có được quyền khiếu nại hay không? Pháp luật khiếu nại còn “bỏ ngỏ” vấn đề này. Thực tiễn các cơ quan, tổ chức Nhà nước vẫn thụ lý nếu như các công văn, thông báo, hướng dẫn… nếu các văn bản này có chứa đựng nội dung của một QĐHC. Chẳng hạn:

Từ năm 2006 đến năm 2009, ông H, bà V có đơn đề nghị UBND huyện M giao trả lại phần diện tích đất đã mượn nhưng UBND huyện M không giải quyết. Đầu năm 2020, vợ chồng ông H, bà V tiếp tục gửi đơn đề nghị xem xét. Ngày 07/4/2020, UBND huyện M đã ban hành Công văn số 250/UBND-TNMT để trả lời đơn của ông H bà V. Nội dung Công văn 250 đã khẳng định không có cơ sở để khẳng định việc UBND huyện M đã mượn đất của ông H, bà V để giao cho bà H ở tạm. Trong trường hợp này, UBND huyện M không ra quyết định bằng văn bản mà ban hành Công văn số 250/UBND-TNMT để trả lời đơn của ông H bà V. Tuy nhiên, nội dung Công văn số 250/UBND-TNMT  lại giải quyết một vấn đề cụ thể, một đối tượng cụ thể. Từ đó, TAND tỉnh Quảng Bình có nhận định rằng Công văn 250 là đối tượng khiếu nại: “Như vậy, mặc dù là công văn trả lời đơn đề nghị nhưng nội dung của Công văn 250 mang nội dung như một quyết định, đã quyết định về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước đối với một đối tượng cụ thể. Do đó việc ông H, bà V khiếu nại đối với Công văn 250 là đúng quy định”. Tôi cho rằng nhận định của Tòa án tỉnh Quảng Bình là thuyết phục.

QĐHC chỉ được xem là đối tượng khiếu nại phải do chủ thể ban hành bởi cơ quan hành chính nhà nước hoặc là người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước: Thông thường khi nói đến là chủ thể ban hành QĐHC là nó gắn liền với một cá nhân, một con người cụ thể. Nhưng QĐHC trong pháp luật khiếu nại chủ thể ban hành có thể là cơ quan hành chính nhà nước. Ví dụ như là những các QĐHC về việc quản lý đất đai: Quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; cấp hoặc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; gia hạn thời hạn sử dụng đất; cưỡng chế thu hồi đất; trưng dụng đất; thu hồi đất... thì thẩm quyền ban hành các quyết định này thuộc về Ủy ban nhân dân. Trong trường hợp này, chủ thể ban hành là Ủy ban nhân dân mà không phải là cá nhân, con người có thẩm quyền trong cơ quan đó.

Pháp luật khiếu nại quy định về chủ thể ban hành QĐHC chưa thật sự rõ ràng, chưa đầy đủ gây không ít khó khăn trong công tác giải quyết khiếu nại. Cụ thể là theo quy định của pháp luật, một số cá nhân có quyền ban hành các QĐHC, nhưng các QĐHC này không phải là các QĐHC do CQHCNN hoặc người của các CQHCNN ban hành. Vì vậy, các QĐHC này có phải là đối tượng khiếu nại theo pháp luật khiếu nại không? Pháp luật khiếu nại chưa quy định rõ. Chẳng hạn như: Theo quy định pháp luật xử lý vi phạm hành chính thì Người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu khi tàu bay, tàu biển, tàu hỏa đã rời sân bay, bến cảng, nhà ga có thẩm quyền ban hành Quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính hoặc Ban Quản lý khu kinh tế có quyền ban hành các Quyết định hành chính về việc thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, Thu hồi đất đã giao lại, cho thuê đối với trường hợp người sử dụng đất...; hay các cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 3 Luật Khiếu nại có thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong cơ quan mình... Đây không phải là người có thẩm quyền trong CQHCNN, hoặc người của các CQHCNN mà là những cá nhân, Cơ quan trực thuộc UBND cấp tỉnh, cơ quan, tổ chức khác được nhà nước trao quyền ban hành QĐHC. Vậy người khiếu nại có quyền khiếu nại các QĐHC do các cá nhân, tổ chức vừa nêu ban hành không? Pháp luật khiếu nại chưa có câu trả lời vấn đề này.

- QĐHC phải được ban hành trong hoạt động quản lý hành chính không liên quan đến bí mật nhà nước trong ba lĩnh vực: quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục của chính phủ ban hành và không phải là QĐHC mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức: Các QĐHC chỉ được xem là đối tượng khiếu nại nó phải được ban hành trong hoạt động quản lý hành chính. Điều này có nghĩa là đối với những QĐHC mà được ban hành trong hoạt động lập pháp và tư pháp thì nó không phải là đối tượng khiếu nại theo quy định của pháp luật khiếu nại. Đối với những QĐHC được ban hành trong hoạt động lập pháp và tư pháp thì việc giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Ví dụ như  đối với trường hợp khiếu nại đối với quyết định khởi tố bị can trong tố tụng hình sự thì thực hiện việc khiếu nại theo quy định về khiếu nại được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS). Bên cạnh đó, pháp luật chuyên ngành có những điều khoản dẫn chiếu sang quy định pháp luật khiếu nại. Ví dụ như trong Luật Tố tụng hành chính (LTTHC) có một chương khiếu nại, tố cáo trong hoạt động TTHC, trong qua trình giải quyết khiếu nại trong hoạt động xét xử vụ án hành chính, người có thẩm quyền, giải quyết áp dụng pháp luật TTHC. Đồng thời, trong pháp luật TTHC, có những điều khoản dẫn chiếu sang áp dụng pháp luật khiếu nại.

Ngày 04/6/2012, Chính phủ ban hành Nghị định số 49/2012/NĐ-CP quy định về danh mục các quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao. Một QĐHC chỉ được xem là đối tượng khiếu nại không liên quan đến bí mật nhà nước 03 lĩnh vực QP, AN, NG theo danh mục quy định tại Nghị định số 49/2012/NĐ-CP vừa nêu. Vấn đề đặt ra là Nghị định 49/2012/NĐ-CP lại là một văn bản mật, chỉ những cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền mới biết được nội dung của nghị định này, người dân không thể tiếp cận nó. Điều này dẫn đến hệ quả là người dân không thể biết QĐHC nào nằm trong danh mục các QĐHC  thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao do Chính phủ quy định gây không ít khó khăn cho người khiếu nại.

Tại khoản 1 Điều 11 Luật Khiếu nạiQĐHC trong nội bộ cơ quan nhà nước để chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ; QĐHC trong chỉ đạo điều hành của cơ quan hành chính cấp trên với cơ quan hành chính cấp dưới thì đây là những quyết định mà không được quyền khiếu nại. Theo quy định này thì các QĐHC mà mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức không được khiếu nại. Tuy nhiên, quy định này chỉ liệt kê một cách chung chung, không có sự giải thích QĐHC mang tính nội bộ cơ quan là như thế nào? Không quy định cụ thể những QĐHC nào là QĐHC mang tính nội bộ cơ quan. Điều này dẫn đến tình trạng là rất khó xác định một QĐHC có phải QĐHC mang tính nội bộ cơ quan hay không?

QĐHC là đối tượng khiếu nại phải là quyết định về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể: Với cái đặc điểm này, QĐHC là đối tượng khiếu nại chỉ giới hạn đối với QĐHC mang tính cá biệt. Pháp luật khiếu nại đã loại bỏ các QĐHC chỉ đạo, QĐHC vi phạm không phải là đối tượng khiếu nại theo quy định của pháp luật khiếu nại. Tuy nhiên, trong hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật khiếu nại nói riêng chưa có quy định cụ thể giải thích thế nào là một QĐHC mang tính cá biệt, điều này dẫn đến rất khó xác định QĐHC do chủ thể có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước ban hành có phải là QĐHC mang tính cá biệt hay không?

Đồng thời, pháp luật khiếu nại không cho phép các cơ quan, tổ chức, công dân được quyền khiếu nại đối với QĐHC chỉ đạo và vi phạm mà chỉ cho phép được quyền khiếu nại đối với quyết định mang tính cá biệt là chưa hợp lý. Bởi vì trong quá trình chỉ đạo, điều hành các CQHCNN không chỉ ban hành các QĐHC cá biệt, mà còn ban hành QĐHC chỉ đạo và vi phạm để điều chỉnh các QHXH nói chung. Tuy nhiên, khi các  QĐHC chỉ đạo và vi phạm đã ban hành không theo kịp thực tiễn, làm phát sinh, thay đổi, hạn chế, chấm dứt quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức hoặc có nội dung làm phát sinh nghĩa vụ, ảnh hương đến quyền, lợi ích của cá nhân, cơ quan, tổ chức thì giải quyết như thế nào. Pháp luật khiếu nại chưa quy định rõ?

2. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về QĐHC - đối tượng khiếu nại của pháp luật khiếu nại Việt Nam

Pháp luật khiếu nại hiện hành đã có bước tiến mới trong việc xác định các QĐHC, là đối tượng khiếu nại. Nhằm tạo điều kiện cho các nhân, tổ chức đề nghị chủ thể có thẩm quyền giải quyết khiếu nại xem xét lại các QĐHC của mình khi có căn cứ cho rằng QĐHC đó là trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các nhân, tổ chức. Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tiễn, pháp luật khiếu nại hiện hành cũng còn có một số bất cập, khó khăn đòi hỏi cần phải sửa đổi, bổ sung QĐHC là đối tượng khiếu nại cho phù hợp với thực tiễn hiện nay. Vì vậy, tác giả có một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật khiếu nại về QĐHC-đối tượng khiếu nại theo  pháp luật khiếu nại Việt Nam như sau:

Thứ nhất, mở rộng chủ thể, thẩm quyền ban hành các QĐHC - đối tượng khiếu nại.  

LTTHC năm 2015 có quy định: “Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước ban hành hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó ban hành quyết định về vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể”Pháp luật khiếu nại lại quy định chủ thể ban hành QĐHC - đối tượng khiếu nại chỉ có CQHCNN và người có thẩm quyền trong CQHCNN. Bên cạnh đó, Điều 3 Luật Khiếu nại lại liệt kê các chủ thể khiếu nại và giải quyết khiếu nại. Đồng thời, pháp luật tố tụng, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính khi giải quyết các vấn đề khiếu nại đều có những quy định dẫn chiếu áp dụng pháp luật Luật Khiếu nại, các QĐHC do các chủ thể vừa nêu không phải là đối tượng khiếu nại, Vì vậy, đã dẫn đến rất nhiều bất cập, vướng mắc trong hoạt động KN và GQKN. Từ đó, tác giả đề xuất cần sửa đổi, bổ sung để mở rộng chủ thể ban hành QĐHC - đối tượng khiếu nại theo hướng đồng bộ và thống nhất với khoản 1 Điều 3 LTTHC năm 2015.

Thực tiễn pháp luật khiếu nại cho thấy, hầu hết các QĐHC - đối tượng khiếu nại đều do Ủy ban nhân dân các cấp ban hành nhưng pháp luật khiếu nại lại “bỏ ngỏ” chủ thể giải quyết khiếu nại đối với các quyết định này. Do đó, tác giả cho rằng, cần bổ sung vào Luật Khiếu nại năm 2011 quy định cụ thể về thẩm quyền giải quyết đối với các vụ việc khiếu nại mà QĐHC mà do tập thể Ủy ban nhân dân ban hành.

Thứ hai, mở rộng quyền khiếu nại đối với văn bản quy phạm pháp luật

Pháp luật khiếu nại giới hạn chỉ cho phép công dân, tổ chức khiếu nại đối với các QĐHC cá biệt đã “đụng chạm” trực tiếp đến quyền lợi, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, chưa cho phép khiếu nại đối với các văn bản quy phạm pháp luật. Tác giả đề xuất pháp luật khiếu nại cần sửa đổi, bổ sung cho phép công dân có quyền khiếu nại đối với các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ở địa phương ban hành khi cho rằng văn bản đó trái pháp luật. Đây vấn đề này là cần thiết và hợp lý, phù hợp với xu thế chung bởi nó đã được nhiều quốc gia trên thế giới công nhận và thực hiện như: Tây Ban Nha, Pháp, Bồ Đào Nha... Chẳng hạn như: “Mọi công dân đều có quyền khiếu nại đòi bồi thường thiệt hại, cách chức các công chức, kiến nghị ban hành, huỷ bỏ, sửa chữa đạo luật, sắc lệnh, điều lệ hay khiếu nại trong các lĩnh vực khác; không người nào bị phân biệt đối xử vì ủng hộ các kiến nghị này”.

Thứ ba, cần phải quy định rõ ràng, cụ thể QĐHC mang tính nội bộ của CQHCNN và công bố danh mục kèm theo Nghị định số 49/2012/NĐ-CP. 

Pháp luật khiếu nại có sự quy định khác về QĐHC mang tính nội bộ cơ quan với pháp luật tố tụng hành chính. Điều này đã dẫn đến việc xác định QĐHC mang tính nội bộ cơ quan cho việc giải quyết khiếu nại và giải quyết vụ án hành chính trở nên khó khăn hơn. Vì vậy, Chính phủ hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần phải có văn bản giải thích, hướng dẫn cụ thể về QĐHC mang tính nội bộ cơ quan và những quy định này phải đồng bộ với những quy định của pháp luật tố tụng hành chính để đảm bảo pháp luật khiếu nại và pháp luật tố tụng hành chính được áp dụng thống nhất, minh bạch và hiệu quả, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân không bị xâm phạm. Tác giả kiến nghị nên bổ sung vào pháp luật khiếu nại quy định: “QĐHC trong nội bộ cơ quan là các quyết định phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của cơ quan hành chính cấp trên đối với cấp dưới và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các đơn vị thuộc quyền quản lý mà không tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích của các chủ thể khác”

Như đã phân tích, Nghị định số 49/2012/NĐ-CP là một văn bản mật. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho các cá nhân, tổ chức khi không biết những loại QĐHC nào thuộc danh mục bí mật nhà nước trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, ngoại giao. Tuy nhiên, Nghị định số 49/2012/NĐ-CP của Chính phủ là một văn bản quy phạm pháp luật, vì vậy, tác giả kiến nghị nên công khai văn bản Nghị định số 49/2012/NĐ-CP để các cá nhân, tổ chức có thể tiếp cận được danh mục QĐHC mang tính chất bí mật nhà nước tại Nghị định số 49/2012/NĐ-CP nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức không bị xâm phạm, và đồng thời sẽ củng cố niềm tin của cá nhân, tổ chức đối với Đảng và Nhà nước.

Thứ tư, quy định rõ ràng tên gọi của các QĐHC. 

Với việc pháp luật khiếu nại không quy định, hướng dẫn về hình thức của QĐHC cũng như không đưa ra khái niệm thế nào là “văn bản”, không giải thích các dạng tồn tại cụ thể của văn bản cũng như không có quy định chi tiết về tên gọi của QĐHC đã dẫn đến rất nhiều bất cập, vướng mắc trong hoạt động KN và GQKN. Vì vậy, tác giả kiến nghị pháp luật khiếu nại cần quy định về tên gọi của các QĐHC phải đúng về hình thức và nội dung như Nghị quyết số 02/2011/NQ-HĐTP ngày 29/7/2011 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC như sau: “Quyết định hành chính thuộc đối tượng khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án hành chính là văn bản được thể hiện dưới hình thức quyết định hoặc dưới hình thức khác như thông báo, kết luận, công văn do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc người có thẩm quyền trong các cơ quan, tổ chức đó ban hành có chứa đựng nội dung của quyết định hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính mà người khởi kiện cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm”... nhằm phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại./.

Th.S NGUYỄN ĐỨC ANH (Phòng Tư pháp huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận)

Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử

2107

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]