Xin chào chị, Ban biên tập giải đáp như sau:
Trước ngày 01/01/2011, các tranh về thường mại được giải quyết theo cách thức truyền thống tại Tòa án. Sau này với sự phát triển của xã hội, số vụ án thương mại được tăng lên về quy mô cũng như độ phức tạp, vì thế Luật Trọng tài thương mại 2010 xuất hiện, nhằm mục đích giảm áp lực cho cơ quan công quyền và tạo sự thuận lợi cho các bên tranh chấp.
Khoản 2 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại 2010 định nghĩa thỏa thuận trọng tài như sau: "Thoả thuận trọng tài là thoả thuận giữa các bên về việc giải quyết bằng Trọng tài tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh"
Thỏa thuận trọng tài thường được quy định trong hợp đồng tranh chấp giữa các bên, mặc dù có thỏa thuận trọng tài nhưng thỏa thuận trọng tài vẫn có thể bị vô hiệu. Vì thế, việc xác định thỏa thuận trọng tài có hiệu lực hay không là một vấn đề hết sức quan trọng, mang tính cốt yếu quyết định trong một vụ án tranh chấp thương mại.
Điều 18 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định một số trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu như sau:
- Tranh chấp không thuộc trường hợp
+ Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại.
+ Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại.
+ Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài.
- Người xác lập thoả thuận trọng tài không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
- Người xác lập thoả thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự.
- Hình thức của thoả thuận trọng tài không phù hợp với quy định tại Điều 16 của Luật Trọng tài thương mại 2010.
- Một trong các bên bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép trong quá trình xác lập thoả thuận trọng tài và có yêu cầu tuyên bố thoả thuận trọng tài đó là vô hiệu.
- Thỏa thuận trọng tài vi phạm điều cấm của pháp luật.
Như vậy, thỏa thuận trọng tài vô hiệu nếu thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều 18 Luật Trọng tài thương mại 2010.
Theo đó tại Điều 3 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP quy định về việc khi xem xét thỏa thuận trọng tài vô hiệu cần lưu ý các vấn đề sau:
1. “Tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của Trọng tài” quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật TTTM là trường hợp thỏa thuận trọng tài được xác lập để giải quyết tranh chấp không thuộc lĩnh vực quy định tại Điều 2 Luật TTTM.
2. “Người xác lập thỏa thuận trọng tài không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật” quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật TTTM là người xác lập thỏa thuận trọng tài khi không phải là người đại diện theo pháp luật hoặc không phải là người được ủy quyền hợp pháp hoặc là người được ủy quyền hợp pháp nhưng vượt quá phạm vi được ủy quyền.
Về nguyên tắc thỏa thuận trọng tài do người không có thẩm quyền xác lập thì thỏa thuận trọng tài đó vô hiệu. Trường hợp thỏa thuận trọng tài do người không có thẩm quyền xác lập nhưng trong quá trình xác lập, thực hiện thỏa thuận trọng tài hoặc trong tố tụng trọng tài mà người có thẩm quyền xác lập thỏa thuận trọng tài đã chấp nhận hoặc đã biết mà không phản đối thì thỏa thuận trọng tài không vô hiệu.
3. “Người xác lập thỏa thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự” quy định tại khoản 3 Điều 18 Luật TTTM là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Trong trường hợp này thì Tòa án cần thu thập chứng cứ để chứng minh người xác lập thoả thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự thì phải có giấy tờ tài liệu chứng minh ngày tháng năm sinh hoặc kết luận của cơ quan có thẩm quyền hoặc quyết định của Tòa án xác định, tuyên bố người đó mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
4. “Hình thức của thoả thuận trọng tài không phù hợp với quy định tại Điều 16 Luật TTTM” quy định tại khoản 4 Điều 18 Luật TTTM là trường hợp thỏa thuận trọng tài không được xác lập bằng một trong các hình thức quy định tại Điều 16 Luật TTTM và hướng dẫn tại Điều 7 Nghị quyết này.
5. “Một trong các bên bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép trong quá trình xác lập thoả thuận trọng tài” quy định tại khoản 5 Điều 18 Luật TTTM là trường hợp một trong các bên bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép theo quy định tại Điều 4, Điều 132 của Bộ luật dân sự.
6. “Thỏa thuận trọng tài vi phạm điều cấm của pháp luật” quy định tại khoản 6 Điều 18 Luật TTTM là thỏa thuận thuộc trường hợp quy định tại Điều 128 của Bộ luật dân sự"
Các trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu đã được trình bày tại Mục 2. Tuy nhiên, để xác định chính xác các thỏa thuận trọng tài này có thật sự vô hiệu hay không cần phải được xem xét kỷ lưỡng hơn. Vì thế, Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP nhằm mục đích hướng dẫn người áp dụng pháp luật có thể hiểu tinh thần của pháp luật một cách đúng đắn.
Như vậy, khi xem xét thỏa thuận trọng tài vô hiệu, người xem xét cần phải lưu ý các trường hợp được quy định tại Điều 3 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP.