23/04/2024 15:53

Khi người lao động bị tai nạn lao động, doanh nghiệp có trách nhiệm gì?

Khi người lao động bị tai nạn lao động, doanh nghiệp có trách nhiệm gì?

Tôi vừa đọc được thông tin buồn về vụ tại nạn lao động Nhà máy Xi măng tại Yên Bái. Vậy, trong trường hợp khi xảy ra tai nạn lao động, doanh nghiệp có trách nhiệm gì với người lao động? Thiên Ý – Hà Tĩnh.

>> Xem thêm: Tội vi phạm quy định về an toàn lao động bị xử lý như thế nào?

Chào chị, ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Khi người lao động bị tai nạn lao động, doanh nghiệp có trách nhiệm gì?

Theo quy định tại Điều 38 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 thì người sử dụng lao động có trách nhiệm đối với người lao động bị tai nạn lao động như sau:

(1) Kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp;

(2) Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp như sau:

- Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế;

- Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa;

- Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế;

(3) Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động;

(4) Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau:

- Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;

- Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

(5) Trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 4 Điều 38 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng;

(6) Giới thiệu để người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động theo quy định pháp luật;

(7) Thực hiện bồi thường, trợ cấp đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về mức suy giảm khả năng lao động hoặc kể từ ngày Đoàn điều tra tai nạn lao động công bố biên bản điều tra tai nạn lao động đối với các vụ tai nạn lao động chết người;

(8) Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc;

(9) Lập hồ sơ hưởng chế độ về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Mục 3 Chương III Luật An toàn vệ sinh lao động 2015;

Như vậy, khi NLĐ bị tai nạn lao động, doanh nghiệp có nhiều trách nhiệm quan trọng về y tế, lương, bồi thường và phục hồi chức năng cho người lao động bị tai nạn lao động.

2. Thủ tướng yêu cầu làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn lao động tại Nhà máy Xi măng Yên Bái

Ngay khi nhận được thông tin vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng trong quá trình sửa chữa dây chuyền nghiền đá ở Nhà máy xi măng thuộc Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái, khiến 07 người tử vong và 03 người bị thương, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện 39/CĐ-TTg ngày 22/4/2024 về vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái.

Xem chi tiết Công điện 39/CĐ-TTg 2024https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2024/cd-39-ttg.signed.pdf 

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo gửi lời thăm hỏi ân cần, chia buồn sâu sắc nhất đến gia đình, thân nhân người bị nạn; đồng thời chỉ đạo lãnh đạo tỉnh Yên Bái trực tiếp đến hiện trường vụ tai nạn để chỉ đạo khắc phục hậu quả và thăm hỏi, hỗ trợ gia đình các nạn nhân trong vụ tai nạn.

Để kịp thời khắc phục hậu quả và có biện pháp ngăn chặn các vụ tai nạn tương tự, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái khẩn trương tổ chức thăm hỏi chu đáo, kịp thời hỗ trợ động viên gia đình các nạn nhân tử vong và làm các thủ tục liên quan đến nạn nhân tử vong; thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các nạn nhân bị thương; đồng thời chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương làm rõ nguyên nhân, khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất, khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật (nếu có).

Chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm các quy định về an toàn lao động trong các hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn, tuyệt đối không để xảy ra các trường hợp tương tự.

- Bộ Công an chỉ đạo Công an tỉnh Yên Bái phối hợp với các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật (nếu có).

- Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái và các cơ quan liên quan chỉ đạo doanh nghiệp rà soát kỹ các quy định, tiêu chuẩn, quy trình khai thác, chế biến khoáng sản làm xi măng, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người lao động.

Trân trọng!

Nguyễn Ngọc Trầm
713

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]