02/09/2023 15:23

Khi nghỉ chờ hưu có thể đóng thêm BHXH tự nguyện không?

Khi nghỉ chờ hưu có thể đóng thêm BHXH tự nguyện không?

Tôi muốn biết khi đến tuổi nghỉ hưu có thể đóng thêm bảo hiểm xã hội tự nguyện không? Thủ tục thế nào? “Ngọc Anh-Quảng Nam”

Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Khi nghỉ chờ hưu có thể đóng thêm BHXH tự nguyện không?

Căn cứ khoản 4 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định như sau:

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này.

Như vậy, khi công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì được tham gia BHXH tự nguyện.

Đồng thời, tại Điều 9 Nghị định 134/2015/NĐ-CP có quy định về phương thức đóng BHXH tự nguyện.

Theo đó, phương thức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo Khoản 2 Điều 87 của Luật Bảo hiểm xã hội được quy định như sau:

-  Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng sau đây để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất:

+ Đóng hằng tháng;

+ Đóng 03 tháng một lần;

+ Đóng 06 tháng một lần;

+ Đóng 12 tháng một lần;

+ Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần;

+ Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

- Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định mà thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu trên 10 năm nếu có nguyện vọng thì tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo một trong các phương thức quy định tại các Điểm a, b, c, d và đ Khoản 1 Điều 9 Nghị định 134/2015/NĐ-CP cho đến khi thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 9 Nghị định 134/2015/NĐ-CP.

Theo đó, người đủ tuổi hưởng chế độ hưu trí nhưng còn thiếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được nghỉ hưu thì có thể lựa chọn phương thức đóng một lần cho những năm còn thiếu.

Chế độ hưu trí đối với người trước đó có thời gian đóng BHXH bắt buộc được thực hiện theo quy định tại Điều 5 Nghị định 134/2015/NĐ-CP, điều kiện về tuổi đời được hưởng lương theo quy định tại Điều 4 Nghị định 135/2020/NĐ-CP.

Do đó, người dân không bắt buộc phải tham gia BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, người dân vẫn có thể tham gia BHXH tự nguyện để được hưởng chế độ hưu trí mức cao hơn.

2. Thủ tục tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện

Theo Điều 24 Quy trình thu BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH 2017 quy định như sau:

- Hồ sơ đăng ký BHXH tự nguyện bao gồm:

+ Tờ khai theo mẫu TK1-TS;

+ Chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân;

+ Sổ hộ khẩu/giấy tờ tạm trú;

+ Sổ BHXH mà bạn đã đóng BHXH bắt buộc trước đó

- Số lượng hồ sơ: 01 bộ

- Nơi nộp: cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi bạn đang có sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú.

- Mức đóng BHXH tự nguyện:

+ Mức đóng hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn.

+ Mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.

(Theo khoản 1 Điều 10 Nghị định 134/2015/NĐ-CP)

Trân trọng!

Bùi Thị Như Ý
1325

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]