22/12/2023 20:58

Khi nào phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu?

Khi nào phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu?

Tôi muốn hỏi khi nào phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu?_Hữu Tài(Hà Nội)

 Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Khi nào phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu?

Theo quy định tại Điều 10 Thông tư 33/2023/TT-BCT thì người khai hải quan phải nộp cho cơ quan hải quan chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong các trường hợp sau đây:

(1) Người khai hải quan muốn được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt đối với hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi thuế quan trong quan hệ thương mại với Việt Nam và hàng hóa từ khu phi thuế quan nhập khẩu vào thị trường trong nước đáp ứng điều kiện xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi thuế quan trong quan hệ thương mại với Việt Nam;

(2) Hàng hóa theo thông báo của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam phải có chứng từ chứng nhận xuất xứ để chứng minh hàng hóa được nhập khẩu từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ không thuộc danh sách bị cấm vận theo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc;

(3) Hàng hóa quy định theo Danh mục tại Phụ lục V ban hành kèm Thông tư 33/2023/TT-BCT hoặc theo thông báo của các Bộ, ngành phải có chứng từ chứng nhận xuất xứ để xác định hàng hóa không có xuất xứ từ các nước có nguy cơ gây hại đến an toàn xã hội, sức khỏe của cộng đồng hoặc vệ sinh môi trường cần được kiểm soát;

Danh mục hàng hóa phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa:https://cdn.thuvienphapluat.vn//uploads/DanLuat-BanAn/2023/Hang-hoa-nhap-khau-phai-nop-giay-chung-tu-chung-nhan-xuat-xu.doc

(4) Hàng hóa thuộc Danh mục theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công Thương thông báo đang ở thời điểm áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, các biện pháp tự vệ, biện pháp hạn ngạch thuế quan, biện pháp lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, biện pháp hạn chế số lượng.

Lưu ý:

- Trường hợp hàng hóa được miễn nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì cơ quan hải quan không yêu cầu người khai hải quan phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

- Đối với hàng hóa không thuộc trường hợp phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định tại Khoản 1 Điều 10 Thông tư 33/2023/TT-BCT nhưng người khai hải quan đề nghị nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa tại thời điểm làm thủ tục hải quan thì thực hiện khai theo quy định tại Điều 11 Thông tư 33/2023/TT-BCT.

2. Hình thức của chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa

Theo Khoản 4 Điều 10 Thông tư 33/2023/TT-BTC quy định hình thức của chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa như sau:

- Đối với hàng hóa thuộc các trường hợp (1) nêu trên, người khai hải quan nộp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho cơ quan hải quan theo quy định của Hiệp định thương mại tự do tương ứng;

- Đối với hàng hóa thuộc các trường hợp (2), (3)(4) thì người khai hải quan nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định nêu trên hoặc chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa không ưu đãi do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước xuất khẩu phát hành đáp ứng các thông tin tối thiểu quy định tại khoản 3 Điều 15 Thông tư 33/2023/TT-BTC cụ thể:

+ Người xuất khẩu;

+ Người nhập khẩu;

+ Phương tiện vận tải;

+ Mô tả hàng hóa, mã số hàng hóa;

+ Số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng hàng hóa;

+ Nước, nhóm nước, vùng lãnh thổ xuất xứ hàng hóa;

+ Ngày/tháng/năm cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa;

+ Chữ ký của người có thẩm quyền và cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Trường hợp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được cấp điện tử thì cơ quan hải quan kiểm tra tính hợp lệ của giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa trên trang thông tin điện tử hoặc phương thức khác thể hiện trên giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Như vậy, theo quy định trên thì các trường hợp người khai hải quan phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu bao gồm:

(1) Để hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo các hiệp định thương mại tự do.

(2) Theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để chứng minh không có xuất xứ từ các nước bị cấm vận.

(3) Đối với một số hàng hóa nhất định theo Danh mục quy định tại Thông tư 33/2023/TT-BTC hoặc theo thông báo của các Bộ ngành.

(4) Đối với hàng hóa đang áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

- Về hình thức chứng từ chứng nhận xuất xứ:

+ Đối với trường hợp (1): Giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi hoặc tự chứng nhận.

+ Đối với trường hợp (2), (3)(4): Giấy chứng nhận xuất xứ không ưu đãi hoặc tự chứng nhận đáp ứng thông tin tối thiểu theo quy định.

- Trường hợp được miễn nộp chứng từ xuất xứ theo Điều ước quốc tế thì không bắt buộc nộp.

3. Cách khai chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu thế nào?

Theo Điều 11 Thông tư 33/2023/TT-BTC quy định cách khai chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu như sau:

- Trường hợp nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa tại thời điểm làm thủ tục hải quan, người khai hải quan khai số tham chiếu và ngày cấp của giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc mã nhà xuất khẩu đủ điều kiện cấp chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa (mã REX theo Hiệp định EVFTA, mã EORI theo Hiệp định UKVFTA, mã CE theo Hiệp định ATIGA hoặc RCEP) tại ô “Phần ghi chú” trên tờ khai hải quan điện tử theo mẫu số 02 Phụ lục II hoặc ô “Chứng từ đi kèm” trên tờ khai hải quan giấy theo mẫu HQ/2015/XK Phụ lục IV ban hành kèm Thông tư số 38/2015/TT-BTC.

Mẫu HQ/2015/XK:https://cdn.thuvienphapluat.vn//uploads/DanLuat-BanAn/2023/M%E1%BA%ABu%20HQ-2015-XK-PL-4-38-2015-TT-BTC.xlsx

+ Trường hợp Hiệp định thương mại tự do không quy định số tham chiếu và/hoặc không có mã nhà xuất khẩu đủ điều kiện cấp chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa, người khai hải quan khai tên chứng từ, số chứng từ, ngày cấp và tên tổ chức hoặc tên nhà xuất khẩu cấp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa kèm tên Hiệp định thương mại tự do áp dụng.

- Trường hợp hàng hóa nhập khẩu đã được Tổng cục Hải quan cấp văn bản thông báo kết quả xác định trước xuất xứ và còn trong thời hạn hiệu lực theo quy định tại Điều 24 Nghị định 08/2015/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 11 Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP, người khai hải quan khai số hiệu, ngày cấp của văn bản thông báo kết quả xác định trước xuất xứ trên ô “Phần ghi chú” trên tờ khai hải quan điện tử hoặc ô “Chứng từ đi kèm” trên tờ khai hải quan giấy.

- Trường hợp áp dụng trừ lùi giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, người khai hải quan khai ngày cấp, đơn vị cấp Phiếu theo dõi trừ lùi tại ô “Phần ghi chú” trên tờ khai hải quan điện tử hoặc ô “Chứng từ đi kèm” trên tờ khai hải quan giấy.

- Người khai hải quan được khai bổ sung thông tin về chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong trường hợp chưa khai thông tin hoặc khai chưa đúng chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa tại thời điểm làm thủ tục hải quan theo quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 11 Thông tư 33/2023/TT-BTC. Việc khai bổ sung thực hiện theo quy định tại khoản 9 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC.

Như vậy, theo quy định trên thì người khai hải quan cần khai đầy đủ các thông tin về chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu tương ứng với từng trường hợp trên tờ khai hải quan như sau:

- Nếu nộp chứng từ tại thời điểm làm thủ tục hải quan: khai số tham chiếu, ngày cấp giấy chứng nhận hoặc mã nhà xuất khẩu đủ điều kiện cấp chứng từ tự chứng nhận trên tờ khai hải quan.

- Nếu hàng hóa đã được cấp văn bản xác định trước về xuất xứ: khai số hiệu, ngày cấp văn bản đó trên tờ khai hải quan.

- Nếu áp dụng trừ lùi giấy chứng nhận: khai ngày cấp, đơn vị cấp Phiếu theo dõi trừ lùi trên tờ khai hải quan.

- Được khai bổ sung thông tin chứng từ chứng nhận xuất xứ nếu trước đó khai chưa đúng hoặc chưa khai.

Hứa Lê Huy
2290

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn