Căn cứ khoản 18 Điều 4 Luật Giá 2023 quy định về khái niệm chứng thư thẩm định giá như sau:
"Chứng thư thẩm định giá là văn bản do doanh nghiệp thẩm định giá, chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá phát hành sau khi kết thúc hoạt động thẩm định giá để thông báo cho khách hàng, các tổ chức, cá nhân có liên quan (nếu có) được ghi trong hợp đồng thẩm định giá về giá trị tài sản thẩm định giá và những nội dung chính của báo cáo thẩm định giá".
Theo đó, chứng thư thẩm định giá được làm sau khi kết thúc hoạt động thẩm định giá với mục đích là để thông báo cho các bên được ghi trong hợp đồng thẩm định giá về giá trị tài sản được đem đi thẩm định và những nội dung chính của báo cáo thẩm định giá.
Chứng thư thẩm định giá phải có chữ ký của thẩm định viên về giá thực hiện thẩm định giá và do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thẩm định hoặc người đứng đầu chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá ký và đóng dấu, kèm theo đó là báo cáo thẩm định giá.
Chứng thư thẩm định giá và báo cáo thẩm định giá được sử dụng làm một trong những cơ sở để khách hàng, tổ chức, cá nhân có liên quan được ghi tại hợp đồng thẩm định giá xem xét, quyết định hoặc phê duyệt giá của tài sản. Chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá chỉ có giá trị sử dụng trong thời hạn hiệu lực theo đúng mục đích thẩm định giá gắn với đúng thông tin tài sản, số lượng tài sản tại hợp đồng thẩm định giá.
Chứng thư thẩm định giá phải được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá, trừ trường hợp thuộc danh mục bí mật nhà nước.
Chứng thư thẩm định giá phải bao gồm 14 nội dung cơ bản theo quy định tại Điều 6 Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về hồ sơ thẩm định giá ban hành kèm theo Thông tư 30/2024/TT-BTC, cụ thể là những nội dung sau:
(1) Số hợp đồng thẩm định giá và/hoặc văn bản yêu cầu/đề nghị thẩm định giá.
(2) Tên và địa chỉ của doanh nghiệp thẩm định giá, hoặc chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá.
(3) Thông tin về khách hàng thẩm định giá.
(4) Thông tin chính về tài sản thẩm định giá (tên và chủng loại tài sản, đặc điểm cơ bản về mặt pháp lý và kinh tế - kỹ thuật).
(5) Mục đích thẩm định giá.
(6) Thời điểm thẩm định giá.
(7) Cơ sở giá trị thẩm định giá.
(8) Giả thiết và giả thiết đặc biệt (nếu có).
(9) Tên cách tiếp cận và tên phương pháp thẩm định giá.
(10) Những điều khoản loại trừ và hạn chế của kết quả thẩm định giá.
(11) Giá trị tài sản thẩm định giá.
(12) Họ tên, số thẻ thẩm định viên về giá và chữ ký của thẩm định viên được giao chịu trách nhiệm thực hiện thẩm định giá đã ký báo cáo thẩm định giá.
(13) Họ tên, số thẻ thẩm định viên về giá, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người quản lý doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp được người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ủy quyền và dấu của doanh nghiệp thẩm định giá trường hợp phát hành chứng thư tại doanh nghiệp thẩm định giá.
Họ tên, số thẻ thẩm định viên về giá, chữ ký của người đứng đầu chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá và dấu của chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá trong trường hợp phát hành chứng thư tại chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá.
(14) Thời hạn có hiệu lực của chứng thư thẩm định giá.
Căn cứ Điều 7 Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về hồ sơ thẩm định giá ban hành kèm theo Thông tư 30/2024/TT-BTC quy định về giá trị hiệu lực của chứng thư thẩm định giá như sau:
Hiệu lực của chứng thư thẩm định giá
1. Thời điểm bắt đầu có hiệu lực của chứng thư thẩm định giá là ngày, tháng, năm phát hành chứng thư thẩm định giá.
2. Thời gian có hiệu lực của chứng thư thẩm định giá được xác định trên cơ sở đặc điểm pháp lý, kinh tế - kỹ thuật của tài sản thẩm định giá; biến động về pháp lý, thị trường liên quan đến tài sản thẩm định giá và mục đích thẩm định giá nhưng tối đa không quá 6 (sáu) tháng kể từ thời điểm phát hành chứng thư thẩm định giá.
Như vậy, chứng thư thẩm định giá có hiệu lực trong vòng tối đa không quá 06 tháng kể từ thời điểm phát hành. Thời gian có hiệu lực của chứng thư thẩm định giá sẽ được xác định trên cơ sở đặc điểm pháp lý, kinh tế - kỹ thuật của tài sản thẩm định.