Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau:
Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm là một loại giấy tờ do cơ quan BHXH cấp cho người đã có thời gian tham gia BHYT 05 năm liên tục và có số tiền cùng chi trả trong năm lớn hơn 06 tháng lương cơ sở dựa trên đề nghị của người bệnh.
Người tham gia BHYT làm thủ tục xin cấp giấy tờ này để làm cơ sở được hưởng quyền lợi không cùng chi trả kể từ lần khám, chữa bệnh đúng tuyến kế tiếp cho đến hết năm dương lịch.
Hay nói cách khác, khi có giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm, người tham gia BHYT sẽ được miễn 100% chi phí khám, chữa bệnh trong phạm vi thanh toán của quỹ BHYT cho đến hết ngày 31/12 của năm đó.
Tải về giấy chứng nhận không cùng chi trả BHYT: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2024/mau-giay-chung-nhan-khong-cung-chi-tra-trong-nam.docx
Để được cấp Giấy chứng nhận không cùng chi trả, người bệnh cần thỏa mãn các điều kiện sau:
- Người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên;
- Số tiền cùng chi trả BHYT vượt quá 06 tháng lương cơ sở (mức lương cơ sở hiện nay là 1,8 triệu/ tháng x6 = 10,8 triệu đồng)
- Khám, chữa bệnh đúng tuyến
(Căn cứ tại điểm c khoản 1 Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 15 Điều 1 Luật BHYT sửa đổi năm 2014) và điểm đ Khoản 1 Điều 14 Nghị định 146/2018/NĐ-CP)
Như vậy, nhân viên của chị đã thỏa mãn được điều kiện thứ 2 là số tiền cùng chi trả vượt quá 06 tháng lương cơ sở, cần phải xét đến thời gian tham gia BHYT và nơi đang khám, chữa bệnh có đúng tuyến với BHYT không. Nếu đã thỏa mãn được các điều kiện trên thì làm hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm.
Theo Phụ lục II Quyết định 919/QĐ-BHXH năm 2015, để được cấp giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm, người bệnh thực hiện theo thủ tục như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ.
- Bản chính các hóa đơn, biên lai thu tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh BHYT (5% hoặc 20%) từ đầu năm.
+ Trên hóa đơn, biên lai phải thể hiện rõ số tiền người bệnh cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT.
+ Nếu làm thất lạc hóa đơn, biên lai bản chính thì nộp bản chụp hóa đơn, biên lai có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh nơi đã điều trị hoặc bảng kê chi phí khám, chữa bệnh (theo Mẫu số 01/BV, 02/BV).
- Xuất trình thẻ BHYT còn giá trị sử dụng.
Cán bộ tiếp nhận hồ sơ chỉ chụp thẻ BHYT, ký xác nhận trên bản chụp và trả lại thẻ BHYT cho người nộp.
Bước 2: Nộp hồ sơ tại cơ quan BHXH nơi cấp thẻ BHYT.
Bước 3: Đến nhận Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm.
Thời hạn giải quyết:
- 01 ngày làm việc: Có quá trình tham gia BHYT chỉ trên địa bàn một tỉnh hoặc trên thẻ BHYT có ghi thời điểm đủ 05 năm liên tục.
- 05 ngày làm việc: Chỉ khám, chữa bệnh nội tỉnh, trên biên lai, hóa đơn không thể hiện rõ số tiền cùng chi trả hoặc người tham gia BHYT nộp bản chụp hóa đơn, biên lai, bảng kê chi phí khám, chữa bệnh.
- 10 ngày làm việc: Có khám chữa bệnh ở ngoại tỉnh, trên biên lai, hóa đơn không thể hiện rõ số tiền cùng chi trả hoặc người tham gia bảo hiểm y tế nộp bản chụp hóa đơn, biên lai, bảng kê chi phí khám, chữa bệnh.
Trên đây là điều kiện và thủ tục để được cấp Giấy chứng nhận không cùng chi trả BHYT trong năm. Hy vọng với những thông tin trên sẽ giúp người bệnh thực hiện thành công thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận không cùng chi trả BHYT.