15/08/2023 10:35

Khi nào áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trong vụ án hình sự?

Khi nào áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trong vụ án hình sự?

Tôi muốn hỏi khi nào áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trong vụ án hình sự?Thời hạn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trong bao lâu?_Sơn Ca(Sơn La)

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Khi nào áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trong vụ án hình sự?

Theo quy định tại Điều 224 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 có thể áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt đối với các trường hợp sau:

- Tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, tội khủng bố, tội rửa tiền;

- Tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

* Các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt

Theo Điều 223 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định sau khi khởi tố vụ án, trong quá trình điều tra, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt sau:

- Ghi âm, ghi hình bí mật;

- Nghe điện thoại bí mật;

- Thu thập bí mật dữ liệu điện tử.

* Quy định về việc sử dụng thông tin, tài liệu thu thập được bằng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt

Theo Điều 227 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định sử dụng thông tin, tài liệu thu thập được bằng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt như sau:

- Thông tin, tài liệu thu thập được bằng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt chỉ được sử dụng vào việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự; thông tin, tài liệu không liên quan đến vụ án phải tiêu hủy kịp thời.

Lưu ý: Nghiêm cấm sử dụng thông tin, tài liệu, chứng cứ thu thập được vào mục đích khác.

- Thông tin, tài liệu thu thập được bằng việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt có thể dùng làm chứng cứ để giải quyết vụ án.

- CQĐT có trách nhiệm thông báo ngay kết quả việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt cho Viện trưởng VKS đã phê chuẩn.

Như vậy, biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt có thể áp dụng đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia, ma túy, tham nhũng, khủng bố, rửa tiền và các tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Các biện pháp này bao gồm ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật; thu thập bí mật dữ liệu điện tử. Thông tin thu thập được chỉ được sử dụng cho mục đích điều tra, truy tố, xét xử vụ án và không được sử dụng vào mục đích khác.

2. Thực hiện biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt

Theo Điều 26 Thông tư 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP quy định về việc thực hiện biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt như sau:

- Quá trình thực hiện biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, Thủ trưởng CQĐT cấp tỉnh, Thủ trưởng CQĐT quân sự cấp quân khu trở lên phải thường xuyên kiểm tra việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, thông báo thông tin, tài liệu thu thập được bằng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt cho Viện trưởng VKS cùng cấp và thống nhất việc sử dụng, xử lý đối với thông tin, tài liệu thu thập được theo quy định tại Điều 227 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

- Trường hợp xét thấy cần gia hạn thời hạn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, thì trước khi hết thời hạn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt 10 ngày, Thủ trưởng CQĐT cấp tỉnh, Thủ trưởng CQĐT quân sự cấp quân khu trở lên phải có văn bản nêu rõ lý do kèm theo chứng cứ, tài liệu là căn cứ đề nghị Viện trưởng VKS cùng cấp xem xét, quyết định việc gia hạn.

- Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị kèm theo chứng cứ, tài liệu của Thủ trưởng CQĐT cấp tỉnh, Thủ trưởng CQĐT quân sự cấp quân khu trở lên, Viện trưởng VKS cùng cấp phải ra quyết định gia hạn hoặc không gia hạn hoặc có văn bản yêu cầu Thủ trưởng CQĐT cấp tỉnh, Thủ trưởng CQĐT quân sự cấp quân khu trở lên bổ sung chứng cứ, tài liệu để xét gia hạn thời hạn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.

Như vậy, Thủ trưởng CQĐT phải kiểm tra, thông báo và thống nhất với VKS về việc thu thập, sử dụng thông tin, tài liệu. Trường hợp xét thấy cần gia hạn, thì trước khi hết thời hạn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt 10 ngày, Thủ trưởng CQĐT phải có văn bản đề nghị VKS xem xét quyết định. Trong vòng 3 ngày kể từ khi nhận được đề nghị, VKS phải quyết định gia hạn, không gia hạn hoặc yêu cầu bổ sung tài liệu.

3. Thẩm quyền, trách nhiệm quyết định và thi hành quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt

Theo Điều 225 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định thẩm quyền, trách nhiệm quyết định và thi hành quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt như sau:

- Thủ trưởng CQĐT cấp tỉnh, Thủ trưởng CQĐT quân sự cấp quân khu trở lên tự mình hoặc theo yêu cầu của Viện trưởng VKS nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng VKS quân sự cấp quân khu có quyền ra quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Trường hợp vụ án do Cơ quan điều tra cấp huyện, Cơ quan điều tra quân sự khu vực thụ lý, điều tra thì Thủ trưởng CQĐT cấp huyện, Thủ trưởng CQĐT quân sự khu vực đề nghị Thủ trưởng CQĐT cấp tỉnh, Thủ trưởng CQĐT quân sự cấp quân khu xem xét, quyết định áp dụng.

- Quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt ghi rõ thông tin cần thiết về đối tượng bị áp dụng, tên biện pháp được áp dụng, thời hạn, địa điểm áp dụng, cơ quan tiến hành biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.

- Quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt phải được Viện trưởng VKS cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành. Thủ trưởng CQĐT đã ra quyết định áp dụng có trách nhiệm kiểm tra chặt chẽ việc áp dụng biện pháp này, kịp thời đề nghị VKS hủy bỏ nếu xét thấy không còn cần thiết.

Cơ quan chuyên trách trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân theo quy định của pháp luật có trách nhiệm thi hành quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.

- Thủ trưởng CQĐT, Viện trưởng VKS có thẩm quyền và người thi hành quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt phải giữ bí mật.

Ngoài ra, theo Điều 25 Thông tư 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP về hướng dẫn thi hành quyết định, phê chuẩn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt cụ thể:

- Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt theo quy định tại Điều 223 và Điều 224 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Thủ trưởng CQĐT cấp tỉnh, Thủ trưởng CQĐT quân sự cấp quân khu trở lên phải có hồ sơ đề nghị Viện trưởng VKS cùng cấp phê chuẩn quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.

- Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị của Thủ trưởng CQĐT cấp tỉnh, Thủ trưởng CQĐT quân sự cấp quân khu trở lên, Viện trưởng VKS cùng cấp phải ra quyết định phê chuẩn hoặc không phê chuẩn hoặc có văn bản yêu cầu Thủ trưởng CQĐT cấp tỉnh, Thủ trưởng CQĐT quân sự cấp quân khu trở lên bổ sung chứng cứ, tài liệu để xét phê chuẩn quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.

Như vậy, Thủ trưởng CQĐT cấp tỉnh, cấp quân khu trở lên có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Đồng thời, Thủ tưởng CQĐT cấp huyện, cấp khu vực phải đề nghị cấp trên xem xét, quyết định áp dụng. Quyết định phải ghi rõ các thông tin về đối tượng, biện pháp, thời hạn, địa điểm, cơ quan thực hiện; phải được VKS cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành. Cơ quan có thẩm quyền thi hành quyết định và phải giữ bí mật. Thủ trưởng CQĐT, VKS có trách nhiệm kiểm tra, đề nghị hủy bỏ nếu không còn cần thiết.

Hồ sơ đề nghị xét phê chuẩn quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt gồm:

+ Văn bản đề nghị xét phê chuẩn nêu rõ lý do, căn cứ áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt và các thông tin, tài liệu cần thiết thu thập khi áp dụng biện pháp này;

 + Quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt của Thủ trưởng CQĐT cấp tỉnh, Thủ trưởng CQĐT quân sự cấp quân khu trở lên theo quy định tại khoản 2 Điều 225 Bộ luật Tố tụng hình sự;

+ Các tài liệu khác là căn cứ để Thủ trưởng CQĐT cấp tỉnh, Thủ trưởng CQĐT quân sự cấp quân khu trở lên đề nghị xét phê chuẩn.

- Trường hợp vụ án do CQĐT cấp huyện, CQĐT quân sự khu vực thụ lý, điều tra mà thấy cần thiết và có căn cứ áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, thì Thủ trưởng CQĐT cấp huyện, Thủ trưởng CQĐT quân sự khu vực trao đổi với Viện trưởng VKS nhân dân cấp huyện, Viện trưởng VKS quân sự khu vực về căn cứ và biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt có thể áp dụng.

+ Đồng thời, Thủ trưởng CQĐT cấp huyện, Thủ trưởng CQĐT quân sự khu vực có văn bản kèm theo hồ sơ đề nghị Thủ trưởng CQĐT cấp tỉnh, Thủ trưởng CQĐT quân sự cấp quân khu ra quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt của Thủ trưởng CQĐT cấp tỉnh, Thủ trưởng CQĐT quân sự cấp quân khu; thời hạn, trình tự, thủ tục đề nghị Viện trưởng VKS phê chuẩn thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 225 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.

4. Thời hạn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt

Theo Điều 226 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định thời hạn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt như sau:

- Thời hạn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt không quá 02 tháng kể từ ngày Viện trưởng VKS phê chuẩn. Trường hợp phức tạp có thể gia hạn nhưng không quá thời hạn điều tra theo quy định Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.

- Chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, nếu xét thấy cần gia hạn thì Thủ trưởng CQĐT đã ra quyết định áp dụng phải có văn bản đề nghị Viện trưởng VKS đã phê chuẩn xem xét, quyết định việc gia hạn.

Như vậy, thời hạn tối đa áp dụng là 2 tháng kể từ khi VKS phê chuẩn. Trường hợp phức tạp có thể gia hạn nhưng không quá thời hạn điều tra theo quy định. 10 ngày trước khi hết hạn, nếu cần gia hạn thì Thủ trưởng CQĐT phải có văn bản đề nghị VKS xem xét quyết định việc gia hạn.

5. Hủy bỏ việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trong trường hợp nào?

Theo Điều 228 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định về hủy bỏ việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt như sau:

Viện trưởng VKS đã phê chuẩn quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt phải kịp thời hủy bỏ quyết định đó khi thuộc một trong các trường hợp:

- Có đề nghị bằng văn bản của Thủ trưởng CQĐT có thẩm quyền;

- Có vi phạm trong quá trình áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt;

- Không cần thiết tiếp tục áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.

Ngoài ra, theo Điều 27 Thông tư 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP hướng dẫn hủy bỏ, kết thúc việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt cụ thể:

- Khi xét thấy không cần thiết tiếp tục áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, Thủ trưởng CQĐT cấp tỉnh, Thủ trưởng CQĐT quân sự cấp quân khu trở lên phải có văn bản đề nghị Viện trưởng VKS đã phê chuẩn ra quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.

- Khi thấy có căn cứ để hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 228 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Viện trưởng VKS đã phê chuẩn ra quyết định hủy bỏ quyết định đó và gửi cho Thủ trưởng CQĐT đã ra quyết định trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định hủy bỏ để chuyển ngay quyết định đó đến cơ quan tiến hành biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt để kết thúc ngay việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.

Như vậy, VKS phải hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp tố tụng điều tra đặc biệt khi có đề nghị của CQĐT, có vi phạm trong quá trình áp dụng hoặc không còn cần thiết tiếp tục áp dụng nữa. VKS có thể tự ra quyết định hủy bỏ khi phát hiện vi phạm hoặc không cần thiết áp dụng biện pháp tố tụng điều tra đặc biệt và thông báo cho CQĐT trong 24h để kết thúc việc áp dụng.

Hứa Lê Huy
3911

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]