Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau:
Căn cứ vào khoản 2 Điều 470 Bộ luật Dân sự 2015 quy định thực hiện hợp đồng vay có kỳ hạn như sau:
Điều 470. Thực hiện hợp đồng vay có kỳ hạn
...
Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản trước kỳ hạn, nhưng phải trả toàn bộ lãi theo kỳ hạn, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Căn cứ tại quy định theo Điều 14 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về việc thu các khoản phí liên quan đến hoạt động cho vay, được nêu như sau:
Điều 14. Phí liên quan đến hoạt động cho vay
Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về việc thu các khoản phí liên quan đến hoạt động cho vay, gồm:
Phí trả nợ trước hạn trong trường hợp khách hàng trả nợ trước hạn.
...
Do đó, theo hai quy định được nêu trên, với việc khách hàng vay vốn muốn tất toán nợ có thế chấp trước thời hạn thì sẽ không bị phạt theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên, trong trường hợp này vẫn được tính là vi phạm hợp đồng về thời hạn tất toán nợ có thế chấp nên khách hàng phải đóng toàn bộ lãi theo kỳ hạn vay có thế chấp và phí trả nợ trước hạn, trừ trường hợp tổ chức tín dụng và khách hàng có thỏa thuận hoặc cam kết khác trước đó.
Căn cứ điểm e khoản 1 Điều 23 Thông tư 39/2016/TT-NHNN về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng bắt buộc thỏa thuận cho vay phải được lập thành văn bản và phải bắt buộc các nội dung về:
- Tên, địa chỉ, mã số doanh nghiệp của tổ chức tín dụng cho vay; tên, địa chỉ, số chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước hoặc hộ chiếu hoặc mã số doanh nghiệp của khách hàng;
- Số tiền cho vay; hạn mức cho vay đối với trường hợp cho vay theo hạn mức; hạn mức cho vay dự phòng đối với trường hợp cho vay theo hạn mức cho vay dự phòng; hạn mức thấu chi đối với trường hợp cho vay theo hạn mức thấu chi trên tài khoản thanh toán;
- Mục đích sử dụng vốn vay;
- Đồng tiền cho vay, đồng tiền trả nợ;
- Phương thức cho vay;
- Thời hạn cho vay;
- Thời hạn duy trì hạn mức cho vay dự phòng đối với trường hợp cho vay theo hạn mức cho vay dự phòng, hoặc thời hạn duy trì hạn mức thấu chi đối với
trường hợp cho vay theo hạn mức thấu chi trên tài khoản thanh toán.
Như vậy, nội dung về việc trả nợ trước hạn bắt buộc phải được thể hiện rõ bằng văn bản cam kết, thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng cho vay. Khi hợp đồng cho vay được ký kết thì ý chí của các bên được xác lập và các bên phải có nghĩa vụ tuân thủ những cam kết, thỏa thuận có trong hợp đồng cho vay.
Bên cạnh đó, khi có phát sinh tranh chấp về những trường hợp trong hợp đồng cho vay không thể hiện rõ phí trả nợ trước hạn hoặc thời hạn tất toán thì khách hàng có quyền khiếu nại trực tiếp với ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng đó.
Nếu phía ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng đó sai như cam kết trong hợp đồng nhưng không có thiện chí giải quyết tranh chấp một cách ổn thỏa thì khách hàng có thể gửi đơn kiện đến tòa án (Căn cứ theo tại Khoản 3 Điều 26 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015).
Như vậy, căn cứ theo quy định được nêu trên, hợp đồng cho vay là hợp đồng dân sự nên khách có thể đề nghị Tòa án cấp huyện để giải quyết theo Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.