26/02/2024 08:12

Khi ba mẹ ly hôn thì con ở với ai? Con được chọn ở với người khác hay không?

Khi ba mẹ ly hôn thì con ở với ai? Con được chọn ở với người khác hay không?

Con trai 10 tuổi muốn sống chung với ông bà ngoại sau khi vợ chồng chúng tôi ly hôn, vậy thì tôi có được yêu cầu Tòa án cho con tôi được ở với người khác ngoài ba mẹ không? (Huyền Trân- Bến Tre)

Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Quy định về quyền nuôi con sau khi ly hôn

Căn cứ tại Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn, theo đó: 

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Như vậy, vợ chồng sẽ phải thỏa thuận với nhau trước về người sẽ trực tiếp nuôi sau khi ly hôn. Nếu như cả hai không thể thỏa thuận với nhau được, Tòa án quyết định quyền nuôi con thuộc về ai sau khi xem xét về quyền lợi về mọi mặt để con được phát triển toàn diện. 

2. Con được sống cùng với người khác ngoài ba mẹ hay không?

Cũng theo quy định tại Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, có thể chia ra 03 trường hợp:

- Con dưới 36 tháng tuổi: Con sẽ được giao cho mẹ trực tiếp nuôi dưỡng, trừ trường hợp người mẹ không để điều kiện hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác.

- Con từ đủ 03 tuổi đến dưới 07 tuổi: Tòa án sẽ căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con để quyết định người nuôi dưỡng

- Con từ đủ 07 tuổi trở lên: Được xem xét nguyện vọng của con. Con có thể tự lựa chọn sống chung với ai.

Tuy nhiên, trong các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và quy định trong các văn bản pháp luật khác không đề cập đến việc con được lựa chọn sống cùng với ông bà sau khi cha mẹ ly hôn. Việc ông bà có thể nuôi cháu thay cho cha mẹ chỉ xảy ra khi có yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Căn cứ theo Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:

1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.

2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.

4. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.

5. Trong trường hợp có căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 84 Luật Hôn nhân và gian đình 2014 thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:

a) Người thân thích;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

d) Hội liên hiệp phụ nữ.

Theo như khoản 4 Điều 84 Luật Hôn nhân và gian đình 2014, nếu như Tòa án xét thấy cả cha lẫn mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì sẽ quyết định giao con cho người giám hộ.

Căn cứ Điều 52 Bộ luật dân sự 2015 quy định về người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên, khi cha mẹ bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con và con không có anh chị ruột hoặc anh chị ruột không đủ điều kiện để trở thành người giám hộ thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ hoặc những người này thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ làm người giám hộ.

Như vậy, trong trường hợp của chị, con trai chỉ có thể sống chung với ông bà ngoại khi mà ông bà ngoại trở thành người giám hộ của con và cả cha mẹ đều không đủ điều kiện để trực tiếp nuôi dưỡng con sau khi ly hôn.

Nguyễn Phạm Hoàng Thuy
16953

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]