17/01/2025 19:46

Khám chữa bệnh định kỳ thay cho việc khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động có được không?

Khám chữa bệnh định kỳ thay cho việc khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động có được không?

Hiện nay, một số doanh nghiệp có người lao động làm ngành nghề nặng nhọc độc hại, để giảm bớt chi phí thì doanh nghiệp chỉ ký hợp đồng khám chữa bệnh với đơn vị chỉ có chức năng khám sức khỏe định kỳ để khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Vấn đề này có được thực hiện và có bị xử phạt hay không?

Xử phạt về hành vi không khám phát hiện bệnh nghề nghiệp 

Theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cụ thể:

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không tổ chức khám sức khỏe định kỳ hoặc khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

- Ngoài ra mức phạt này theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP thì mức phạt đối với hành vi này là mức phạt đối với cá nhân, còn tổ chức sẽ bị xử phạt gấp hai lần.

Như vậy, doanh nghiệp khi không tổ chức khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động thì bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động.

Doanh nghiệp chỉ thuê cơ sở khám chữa bệnh định kỳ để khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động có được không?

Theo quy định tại Điều 2 Thông tư 28/2016/TT-BYT hướng dẫn quản lý bệnh nghề nghiệp thì văn bản này áp dụng cho những đối tượng:

- Người lao động tiếp xúc với các yếu tố có hại có khả năng mắc bệnh nghề nghiệp hoặc làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm kể cả người học nghề, tập nghề, người lao động đã nghỉ hưu hoặc người lao động đã chuyển công tác không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp hoặc người lao động tham gia bảo hiểm xã hội.

- Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ kinh doanh, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động nêu trên.

- Các cơ sở y tế có đủ điều kiện khám bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật khám bệnh, chữa bệnh thực hiện việc khám sức khỏe trước khi bố trí làm việc, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động, khám định kỳ cho người lao động mắc bệnh nghề nghiệp. 

Quy định tại Điều 5 Thông tư 28/2016/TT-BYT hướng dẫn nội dung khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động, gồm:

- Khám sức khỏe trước khi bố trí làm việc thực hiện theo nội dung của mẫu Phiếu khám sức khỏe quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư;

- Khám chuyên khoa phù hợp với vị trí làm việc của người lao động;

- Ngoài ra, căn cứ vị trí làm việc của người lao động và chỉ định khám chuyên khoa của Trưởng đoàn khám, người thực hiện khám chuyên khoa có thể chỉ định thực hiện xét nghiệm cận lâm sàng (xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng) phù hợp với vị trí làm việc của người lao động đó.

Lưu ý: đối với trường hợp người lao động đã được khám sức khỏe theo hướng dẫn tại Thông tư số 14/2013/TT-BYT ngày 05/6/2013 hướng dẫn khám sức khỏe (sau đây gọi tắt là Thông tư 14/2013/TT-BYT) thì sử dụng kết quả khám sức khỏe còn giá trị và thực hiện khám chuyên khoa phù hợp với vị trí làm việc của người lao động.

Đồng thời theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Thông tư 28/2016/TT-BYT thì trách nhiệm của doanh nghiệp là phải phối hợp với các cơ sở khám bệnh nghề nghiệp lập kế hoạch, tổ chức khám sức khỏe trước khi bố trí làm việc, khám sức khỏe phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động, khám định kỳ cho người lao động mắc bệnh nghề nghiệp.

Như vậy, với những nội dung trích dẫn trên thì việc khám sức khỏe định kỳ (trong trường hợp lao động trong điều kiện bình thường) khác với việc khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.

Trường hợp đã tổ chức khám sức khỏe định kỳ (hiện tại là Thông tư 32/2023/TT-BYT trước đó là Thông tư 14/2013/TT-BYT) thì còn phải khám thêm chuyên khoa phù hợp với vị trí làm việc của người lao động việc khám phát hiện bệnh nghề nghiệp chỉ thực hiện khám tại các cơ sở y tế có đủ điều kiện khám bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật khám bệnh, chữa bệnh (theo khoản 7 Điều 40 Nghị định 96/2023/NĐ-CP). Trường hợp đơn vị khám chữa bệnh tại cơ sở không đủ điều kiện thì xem như chưa thực hiện khám phát hiện bệnh nghề nghiệp và bị xử phạt như nội dung trích dẫn tại mục đầu tiên.

Lê Anh Tú
3

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]