13/06/2024 11:21

Khám bệnh nghề nghiệp cho nhân viên, doanh nghiệp có trách nhiệm gì?

Khám bệnh nghề nghiệp cho nhân viên, doanh nghiệp có trách nhiệm gì?

Bệnh nghề nghiệp là gì? Khám bệnh nghề nghiệp cho nhân viên có bắt buộc không? Doanh nghiệp có trách nhiệm gì trong việc khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động?

Hiện nay, tai nạn lao động xảy ra ngày càng nhiều tại các doanh nghiệp ở Việt Nam. Để hiểu rõ và tuân thủ đúng các quy định pháp luật về bệnh nghề nghiệp, người lao động và người sử dụng lao động cần hiểu rõ bệnh nghề nghiệp là gì? Khám bệnh nghề nghiệp cho nhân viên có bắt buộc không và trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động?

1. Bệnh nghề nghiệp là gì?

Theo khoản 9, Điều 3 Luật an toàn vệ sinh lao động 2015 định nghĩa rõ khái niệm bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với người lao động.

Tuy nhiên, không phải tất cả các bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với người lao động đều được xem là bệnh nghề nghiệp. Pháp luật quy định rõ có 35 bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm và hướng dẫn chẩn đoán, giám định được quy định tại Điều 3 Thông tư 15/2016/TT-BYT ban hành ngày 15/05/2016 về bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội.

Như vậy, bệnh nghề nghiệp là bệnh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với người lao động. Chỉ những bệnh nằm trong danh mục bệnh nghề nghiệp được quy định tại Điều 3 Thông tư 15/2016/TT-BYT mới được coi là bệnh nghề nghiệp.

2. Khám bệnh nghề nghiệp cho nhân viên, có bắt buộc không?

Căn cứ vào khoản 2, Điều 21 Luật an toàn vệ sinh lao động 2015 quy định người làm việc trong môi trường lao động tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp phải được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.

Cụ thể, những đối tượng phải khám phát hiện bệnh nghề nghiệp được quy tại Điều 6 Thông tư 28/2016/TT-BYT bao gồm:

- Người lao động tiếp xúc với các yếu tố có hại có khả năng mắc bệnh nghề nghiệp hoặc làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm kể cả người học nghề, tập nghề, người lao động đã nghỉ hưu;

- Người lao động đã chuyển công tác không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp;

- Người lao động đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm hoặc đã có quyết định nghỉ việc chờ hưu, trợ cấp hằng tháng;

- Người lao động không thuộc những trường hợp trên chuyển sang làm nghề, công việc có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp.

Như vậy, doanh nghiệp bắt buộc phải khám bệnh nghề nghiệp cho nhân viên thuộc những trường hợp quy định tại Điều 6 Thông tư 28/2016/TT-BYT.

3. Doanh nghiệp có trách nhiệm gì trong việc khám bệnh nghề nghiệp cho nhân viên?

Theo điểm b, khoản 2, Điều 7 Luật an toàn vệ sinh lao động 2015, người sử dụng lao động có trách nhiệm khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; thực hiện đầy đủ chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

Thêm vào đó, Điều 21 Luật an toàn vệ sinh lao động 2015 cũng quy định:

Hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho người lao động; đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần.

Ngoài ra, người sử dụng lao động tổ chức khám sức khỏe cho người lao động, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp phải tuân thủ về chất lượng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 21 Luật an toàn vệ sinh lao động 2015:

4. Người sử dụng lao động tổ chức khám sức khỏe cho người lao động, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm yêu cầu, điều kiện chuyên môn kỹ thuật.

5. Người sử dụng lao động đưa người lao động được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện chuyên môn kỹ thuật để điều trị theo phác đồ điều trị bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.

Trong trường hợp doanh nghiệp không tổ chức khám sức khỏe định kỳ hoặc khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động, người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 2, Điều 22 Nghị định 12/2022/NĐ-CP tối thiểu là 1.000.000 đồng và tối đa là 3.000.000 nhưng không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không tổ chức khám sức khỏe định kỳ hoặc khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

Như vậy, việc khám bệnh nghề nghiệp định kỳ cho nhân viên là một nghĩa vụ bắt buộc đối với người sử dụng lao động. Doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định của pháp luật để đảm bảo an toàn cho người lao động trong quá trình làm việc.

Nguyễn Hải Phương Thảo
413

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]