23/09/2023 16:28

Kéo dài thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, người đã nghỉ việc

Kéo dài thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, người đã nghỉ việc

Cho tôi hỏi từ ngày 20/9/2023 thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ, công chức có sự thay đổi gì không? Tùng Dương – Phú Thọ


Chào anh, ban biên tập xin giải đáp như sau: 

1. Kéo dài thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, người đã nghỉ việc

Thời hiệu xử lý kỷ luật là thời hạn mà khi hết thời hạn đó thì cán bộ, công chức, viên chức, người đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm không bị xử lý kỷ luật. Thời hiệu xử lý kỷ luật được tính từ thời điểm có hành vi vi phạm. Trường hợp có hành vi vi phạm mới trong thời hạn để tính thời hiệu xử lý kỷ luật theo quy định thì thời hiệu xử lý kỷ luật đối với hành vi vi phạm cũ được tính lại kể từ thời điểm xảy ra hành vi vi phạm mới.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định 71/2023/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, người đã nghỉ việc như sau:

- Xác định thời điểm có hành vi vi phạm:

+ Đối với hành vi vi phạm xác định được thời điểm chấm dứt thì thời điểm có hành vi vi phạm được tính từ thời điểm chấm dứt.

+ Đối với hành vi vi phạm chưa chấm dứt thì thời điểm có hành vi vi phạm được tính từ thời điểm phát hiện.

+ Đối với hành vi vi phạm không xác định được thời điểm chấm dứt thì thời điểm có hành vi vi phạm được tính từ thời điểm có kết luận của cấp có thẩm quyền.

- Trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định 112/2020/NĐ-CP, thời hiệu xử lý kỷ luật được quy định như sau:

+ 05 năm đối với hành vi vi phạm ít nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách;

+ 10 năm đối với hành vi vi phạm không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều 1 Nghị định 112/2020/NĐ-CP.

(So với quy định trước đó tại Nghị định 112/2020/NĐ-CP về thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ, công chức như sau:

+ 02 năm đối với hành vi vi phạm ít nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách;

+ 05 năm đối với hành vi vi phạm không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này)

- Đối với các hành vi vi phạm sau đây thì không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật:

+ Cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên có hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ;

+ Có hành vi vi phạm quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ;

+ Có hành vi xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại;

+ Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp.

- Thời hạn xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức là khoảng thời gian từ khi phát hiện hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức hoặc từ khi cấp có thẩm quyền kết luận cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm đến khi có quyết định xử lý kỷ luật của cấp có thẩm quyền.

Thời hạn xử lý kỷ luật không quá 90 ngày; trường hợp vụ việc có tình tiết phức tạp cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng không quá 150 ngày.

Cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật phải bảo đảm xử lý kỷ luật trong thời hạn theo quy định. Nếu hết thời hạn xử lý kỷ luật mà chưa ban hành quyết định xử lý kỷ luật thì chịu trách nhiệm về việc chậm ban hành và phải ban hành quyết định xử lý kỷ luật nếu hành vi vi phạm còn trong thời hiệu.

- Không tính vào thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật đối với:

+ Thời gian chưa xem xét xử lý kỷ luật đối với các trường hợp quy định tại Điều 3 Nghị định 112/2020/NĐ-CP;

+ Thời gian điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự (nếu có);

+ Thời gian thực hiện khiếu nại hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án về quyết định xử lý kỷ luật cho đến khi ra quyết định xử lý kỷ luật thay thế.”.

Như vậy, từ ngày 20/9/2023 thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, người đã nghỉ việc tăng từ 02 năm lên 05 năm đối với hành vi vi phạm ít nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách; tăng từ 05 năm lên 10 năm đối với hành vi vi phạm không thuộc trường hợp trên.

2. Thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với công chức

Theo quy định tại khoản 10 Điều 1 Nghị định 71/2023/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 112/2020/NĐ-CP về thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với công chức:

- Đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm hoặc được phân cấp thẩm quyền bổ nhiệm tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật.

- Đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan quản lý hoặc người đứng đầu cơ quan được phân cấp thẩm quyền quản lý công chức tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 28 Nghị định 112/2020/NĐ-CP.

Đối với công chức cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trước khi chủ trì tổ chức họp kiểm điểm theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 26 Nghị định 112/2020/NĐ-CP.

- Đối với công chức biệt phái, người đứng đầu cơ quan nơi công chức được cử đến biệt phái tiến hành xử lý kỷ luật, thống nhất hình thức kỷ luật với cơ quan cử biệt phái trước khi quyết định hình thức kỷ luật. Trường hợp kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc thì căn cứ vào đề xuất của Hội đồng xử lý kỷ luật, cơ quan cử biệt phái ra quyết định buộc thôi việc.

Hồ sơ, quyết định kỷ luật công chức biệt phái phải được gửi về cơ quan quản lý công chức biệt phái.

- Đối với công chức làm việc trong Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân thì thẩm quyền xử lý kỷ luật được thực hiện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức.”.

Như vậy, đối với từng chức danh, vị trí công chức làm việc sẽ có thẩm quyền xử lý kỷ luật khác nhau ví dụ như: Đối với công chức làm việc trong Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân thì thẩm quyền xử lý kỷ luật được thực hiện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức…

Trân trọng!

Nguyễn Ngọc Trầm
1060

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]