11/12/2024 11:46

Kế hoạch tinh gọn bộ máy: Cán bộ, công chức, viên chức được bố trí, sắp xếp ra sao?

Kế hoạch tinh gọn bộ máy: Cán bộ, công chức, viên chức được bố trí, sắp xếp ra sao?

Theo Kế hoạch tinh gọn bộ máy của Chính phủ thì cán bộ, công chức, viên chức sẽ được sắp xếp, bố trí theo phương án nào?

Bộ Nội vụ vừa ban hành Công văn 7968/BNV-CCVC ngày 08/12/2024 về việc định hướng xây dựng phương án bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính.

Phương án sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức ra sao theo Kế hoạch tinh gọn bộ máy?

Theo đó, để sắp xếp, bố trí cán bộ công chức viên chức (CBCCVC) trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy theo chủ trương, định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW bảo đảm xây dựng đội ngũ CBCCVC có số lượng, cơ cấu hợp lý, có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thời kỳ mới, Bộ Nội vụ đã định hướng xây dựng phương án bố trí, sắp xếp CBCCVC như sau:

* Thứ nhất, đối với chức danh thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý: Sẽ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định theo thẩm quyền.

* Thứ hai, đối với chức danh do cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo, cơ quan, đơn vị, địa phương quản lý theo phân cấp, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, đơn vị sáp nhập, hợp nhất chủ động xây dựng phương án sắp xếp, bố trí cán bộ bảo đảm các nguyên tắc trong công tác cán bộ và mục đích, yêu cầu, nguyên tắc trong sắp xếp, bố trí CBCCVC nêu trên theo định hướng như sau:

- Đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị:

+ Căn cứ vào điều kiện thực tiễn và tiêu chuẩn, năng lực cán bộ, tập thể lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương quyết định lựa chọn người đứng đầu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị mới sau sắp xếp; nhân sự được lựa chọn có thể ở trong hoặc ngoài các cơ quan, tổ chức, đơn vị sáp nhập, hợp nhất thành đơn vị mới đó.

+ Trường hợp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện sắp xếp không bố trí tiếp tục làm người đứng đầu thì được sắp xếp, bố trí ở vị trí cấp dưới liền kề và được hưởng chính sách theo quy định của Chính phủ về sắp xếp tổ chức bộ máy.

- Đối với cấp phó của người đứng đầu:

+ Căn cứ thực trạng số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện sáp nhập, hợp nhất, tập thể lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương quyết định bố trí làm cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị mới sau sắp xếp hoặc bố trí sang cơ quan, tổ chức, đơn vị khác theo yêu cầu nhiệm vụ và năng lực của cán bộ.

+ Trước mắt, số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hình thành sau sắp xếp có thể cao hơn quy định, nhưng bộ, ngành, địa phương phải xây dựng phương án sắp xếp giảm số lượng cấp phó theo quy định chung trong thời hạn 05 năm (kể từ ngày cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án).

* Thứ ba, đối với CBCCVC không giữ chức danh lãnh đạo, quản lý, Bộ Nội vụ định hướng xây dựng phương án bố trí, sắp xếp như sau:

- Các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy hình thành sau sắp xếp đề xuất phương án sắp xếp, bố trí đối với CBCCVC phù hợp với nhiệm vụ CBCCVC đang đảm nhiệm trước khi thực hiện sáp nhập, hợp nhất; trường hợp không còn nhiệm vụ thì có thể bố trí sang cơ quan, tổ chức, đơn vị khác phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ của CBCCVC hoặc giải quyết chế độ chính sách theo quy định của Chính phủ.

- Trước mắt, số lượng biên chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị mới tối đa không vượt quá tổng số CBCCVC hiện đang có mặt trước khi thực hiện sáp nhập, hợp nhất, nhưng bộ, ngành, địa phương phải xây dựng phương án giảm biên chế, thực hiện theo quy định chung của Bộ Chính trị trong thời hạn 05 năm (kể từ ngày cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án).

- Sau khi thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy, bộ, ngành, địa phương có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ chính trị của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong tình hình mới; thực hiện rà soát, tinh giảm biên chế đối với các trường hợp không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, thiếu tinh thần trách nhiệm.

Danh sách 13 Bộ thuộc Chính phủ sau khi tinh gọn bộ máy (dự kiến)

Theo Kế hoạch 141/KH-BCĐTKNQ18 năm 2024 thì danh sách các Bộ thuộc Chính phủ sau khi tinh gọn bộ máy dự kiến bao gồm 13 Bộ như sau:

(1) Bộ Quốc phòng;

(2) Bộ Công an;

(3) Bộ Tư pháp;

(4) Bộ Công Thương;

(5) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

(6) Bộ Y tế;

(7) Bộ Ngoại giao;

(8) Bộ Giáo dục và Đào tạo;

(9) Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển (Được hợp nhất bởi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính);

(10) Bộ Phát triển Hạ tầng hoặc Bộ Giao thông và Xây dựng đô thị, nông thôn (Được hợp nhất bởi Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng);

(11) Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên, Môi trường (Được hợp nhất bởi Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn);

(12) Bộ Khoa học, Công nghệ và Chuyển đổi số hoặc Bộ Khoa học, Công nghệ, Chuyển đổi số và Truyền thông (Được hợp nhất bởi Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ);

(13) Bộ Nội vụ và Lao động (Được hợp nhất bởi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ).

Đỗ Minh Hiếu
124

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]