Theo Quyết định 1596/QĐ-BYT hướng dẫn tổ chức thực hiện tiêm chủng mở rộng năm 2024 như sau:
1. Những đơn vị nào có thẩm quyền tổ chức thực hiện tiêm chủng mở rộng năm 2024?
Theo mục III, kế hoạch tiêm chủng mở rộng năm 2024 kèm theo Quyết định 1596/QĐ-BYT, Bộ Y tế chỉ đạo và điều hành công tác tiêm chủng mở rộng thông qua các cơ quan chức năng là:
Các Vụ/Cục, đơn vị thuộc Bộ Y tế bao gồm:
- Cục Y tế dự phòng;
- Cục Quản lý Khám, chữa bệnh;
- Cục Quản lý Dược;
- Vụ Kế hoạch - Tài chính;
- Trung tâm thông tin y tế quốc gia;
- Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương;
- Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur;
- Viện Kiểm định quốc gia Vắc xin và Sinh phẩm y tế;
- Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Trung ương.
Tại địa phương:
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Sở Y tế các tỉnh, thành phố;
- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố.
Ngoài ra, các cơ sở y tế có chức năng khám, chữa bệnh đảm bảo yêu cầu theo Điều 9, Điều 10 chương II về An toàn tiêm chủng tại Nghị định 104/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng và và Điều 14, Điều 15 Nghị định 155/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế cũng có thể tham gia tổ chức tiêm chủng mở rộng khi được cơ quan y tế có thẩm quyền cấp phép. Danh sách các cơ sở y tế được phép tổ chức tiêm chủng mở rộng cụ thể trên địa bàn bạn có thể tra cứu tại website của Sở Y tế hoặc Trung tâm Y tế dự phòng địa phương.
Thêm vào đó, trong năm 2024, kế hoạch tiêm chủng sẽ bao gồm 11 loại vaccine là: Viêm gan B sơ sinh, Lao, Bại liệt uống, Sởi, Sởi - Rubella, Viêm não Nhật Bản, Bạch hầu - Ho gà - Uốn ván, Uốn ván - Bạch hầu giảm liều, Uốn ván, Rota và DPT-VGB-Hib.
Như vậy, Bộ Y tế chỉ đạo và điều hành công tác tiêm chủng mở rộng năm 2024 thông qua các cơ quan chức năng như trên. Việc chỉ đạo và điều hành Chương trình tại từng địa phương đồng thời cũng dựa trên hoạt động của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Y tế các tỉnh, thành phố và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố.
2. Quy định về theo dõi, kiểm tra và giám sát hoạt động tiêm chủng
Việc theo dõi phản ứng sau tiêm chủng, kiểm tra hoạt động tiêm chủng và giám sát là trách nhiệm của các cơ quan sau đây:
Tuyến trung ương:
- Đơn vị đầu mối: Cục Y tế dự phòng;
- Đơn vị phối hợp: Cục Quản lý Khám, chữa bệnh; các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur; Viện Kiểm định Quốc gia Vắc xin và Sinh phẩm Y tế và các đơn vị liên quan.
Tuyến tỉnh:
- Đơn vị đầu mối: Sở Y tế các tỉnh, thành phố
- Đơn vị phối hợp: Trung tâm KSBT các tỉnh, thành phố và các đơn vị liên quan.
Chức năng cơ quan có thẩm quyền:
Theo kế hoạch tiêm chủng mở rộng năm 2024 kèm theo Quyết định 1596/QĐ-BYT, để việc giám sát hoạt động tiêm chủng cũng như theo dõi và kiểm tra việc thực hiện của người dân, các đơn vị được giao nhiệm vụ cần phải tổ chức các lớp tập huấn và tập huấn lại cho cán bộ làm công tác tiêm chủng mở rộng các tuyến về thực hiện tiêm chủng an toàn, giám sát, phát hiện, điều tra các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng; theo dõi, báo cáo, điều tra và tổ chức họp Hội đồng Tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân tai biến nặng trong quá trình sử dụng vắc xin theo quy định và có trách nhiệm bồi thường các trường hợp tai biến nặng sau sử dụng vắc xin trong tiêm chủng năm theo quy định tại Nghị định 104/2016/NĐ-CP và Nghị định 13/2024/NĐ-CP.
Như vậy, để đảm bảo việc tiêm chủng mở rộng năm 2024 được tổ chức an toàn và đầy đủ, người dân cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế cũng như các đơn vị có thẩm quyền được nêu trên để thực hiện việc tiêm chủng đúng thời gian và quy định.