Ngày 23/01/2025, Tòa án nhân dân tối cao có Quyết định 11/QĐ-TANDTC về việc ban hành Kế hoạch thanh tra năm 2025.
Theo đó, thanh tra theo kế hoạch đối với các đối tượng sau:
(1). Vụ Giám đốc kiểm tra I Tòa án nhân dân tối cao;
(2) Vụ Giám đốc kiểm tra II Tòa án nhân dân tối cao;
(3) Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội;
(4) Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh;
(5) Tòa án nhân dân thành phố và 04 đơn vị Tòa án nhân dân cấp huyện, thành phố Hà Nội;
(6) Tòa án nhân dân tỉnh và 02 Tòa án nhân dân cấp huyện, tỉnh Bắc Ninh;
(7) Tòa án nhân dân tỉnh và 02 Tòa án nhân dân cấp huyện, tỉnh Bắc Giang;
(8) Tòa án nhân dân tỉnh và 02 Tòa án nhân dân cấp huyện, tỉnh Quảng Ninh;
(9) Tòa án nhân dân tỉnh và 02 Tòa án nhân dân cấp huyện, tỉnh Phú Thọ;
(10) Tòa án nhân dân tỉnh và 02 Tòa án nhân dân cấp huyện, tỉnh Nghệ An;
(11) Tòa án nhân dân tỉnh và 02 Tòa án nhân dân cấp huyện, tỉnh Đắk Lắk;
(12) Tòa án nhân dân tỉnh và 02 Tòa án nhân dân cấp huyện, tỉnh Lâm Đồng;
(13) Tòa án nhân dân tỉnh và 02 Tòa án nhân dân cấp huyện, tỉnh Long An;
(14) Tòa án nhân dân tỉnh và 02 Tòa án nhân dân cấp huyện, tỉnh Đồng Nai;
(15) Tòa án nhân dân tỉnh và 02 Tòa án nhân dân cấp huyện, tỉnh Kiên Giang,
Ngoài ra thanh tra đột xuất trong trường hợp căn cứ tình hình thực tiễn, Tòa án nhân dân tối cao sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất tại một số Tòa án nhân dân khi có dấu hiệu vi phạm hoặc theo yêu cầu nhiệm vụ công tác quản lý.
Và yêu cầu tự thanh tra theo yêu cầu công tác, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo một số Tòa án nhân dân tự tiến hành thanh tra, kiểm tra và báo cáo kết quả về Tòa án nhân dân tối cao (thông qua Thanh tra). Tòa án nhân dân tối cao sẽ xem xét, đánh giá kết quả thanh tra của Tòa án nhân dân cấp dưới và tiến hành thanh tra lại khi xét thấy cần thiết.
Cũng theo Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định 11/QĐ-TANDTC thì Đoàn Thanh tra lựa chọn một số hoặc tất cả nội dung sau:
- Thanh tra việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật công vụ.
- Thanh tra, kiểm tra nghiệp vụ, việc thực hiện nhiệm vụ được giao của các cơ quan, đơn vị, người giữ chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật và các quy định của Tòa án nhân dân.
- Thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đơn vị về các mặt công tác: tổ chức, cán bộ; đầu tư xây dựng cơ bản; tài chính, kế toán; thanh tra, kiểm tra; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp dân và công tác khác theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng.
Theo đó, tại Quyết định 11/QĐ-TANDTC có nêu rõ yêu cầu đối với hoạt động thanh tra như sau:
- Hoạt động thanh tra, kiểm tra phải tuân theo pháp luật, dân chủ, công khai, khách quan, kịp thời, chính xác.
- Kế hoạch thanh tra phải bảo đảm tính khả thi, đáp ứng mục đích, yêu cầu đề ra; bảo đảm sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong Tòa án nhân dân, tránh chồng chéo, trùng lặp, gây khó khăn cho đối tượng thanh tra; bảo đảm thường xuyên theo dõi, tổng hợp, nhận định tình hình thực tiễn, đề ra những biện pháp nhằm đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác thanh tra trong Tòa án nhân dân.
- Việc triển khai thực hiện thanh tra, kiểm tra phải có nội dung, đề cương cụ thể, rõ ràng, có trọng tâm, trọng điểm; không làm cản trở đến hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra và cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan. Kết thúc thanh tra phải có báo cáo, kết luận một cách khách quan, toàn diện và công khai kết luận thanh tra theo quy định của pháp luật để đối tượng thanh tra và các đơn vị có liên quan khắc phục hậu quả, xử lý các sai phạm (nếu có) và có biện pháp chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả công tác.