Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:
Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Công văn 14617/CTTPHCM-TTHT năm 2023 hướng dẫn xuất hóa đơn điện tử xăng dầu theo từng lần bán như sau:
- Về nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử xăng dầu
Căn cứ theo khoản 1 Điều 90 Luật Quản lý thuế 2019 quy định về nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử thì đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu, người bán cần phải lập hóa đơn điện tử theo định dạng chuẩn dữ liệu và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật về thuế và pháp luật về kế toán, bất kể giá trị từng lần bán hàng hóa là bao nhiêu.
- Về thời điểm lập hóa đơn điện tử xăng dầu
Theo điểm i khoản 4 Điều 9 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định thì thời điểm lập hóa đơn điện tử xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ cho khách hàng là thời điểm kết thúc việc bán xăng dầu theo từng lần bán.
Cùng với đó, người bán phải đảm bảo lưu trữ đầy đủ hóa đơn điện tử đối với trường hợp bán xăng dầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh, cá nhân kinh doanh và đảm bảo có thể tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.
- Về nội dung của hóa đơn điện tử xăng dầu
Theo Điều 10 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định thì trên hóa đơn điện tử bán xăng dầu sẽ gồm có những nội dung sau:
+ Tên hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, ký hiệu mẫu số hóa đơn và tên liên hóa đơn
+ Số hóa đơn
+Tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán.
+ Tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua (Trường hợp người mua không có mã số thuế thì trên hóa đơn không phải thể hiện mã số thuế người mua).
+ Tên, đơn vị tính, số lượng, đơn giá hàng hóa, dịch vụ; thành tiền chưa có thuế GTGT, thuế suất thuế GTGT, tổng số tiền thuế GTGT theo từng loại thuế suất, tổng cộng tiền thuế GTGT, tổng tiền thanh toán đã có thuế GTGT.
+ Chữ ký của người bán, chữ ký của người mua.
+ Thời điểm lập hóa đơn: được hiển thị theo định dạng ngày, tháng, năm của năm dương lịch.
+ Thời điểm ký số trên hóa đơn: là thời điểm người bán, người mua sử dụng chữ ký số để ký trên hóa đơn điện tử xăng dầu được hiển thị theo định dạng ngày, tháng, năm của năm dương lịch. Trường hợp hóa đơn đã lập có thời điểm ký số trên hóa đơn khác thời điểm lập thì thời điểm khai thuế là thời điểm lập hóa đơn.
+ Mã của cơ quan thuế (đối với hóa đơn điện tử xăng dầu có mã của cơ quan thuế).
+ Phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước, chiết khấu thương mại, khuyến mại (nếu có).
+ Tên, mã số thuế của tổ chức nhận in hóa đơn đối với hóa đơn do cơ quan thuế đặt in.
+ Chữ viết, chữ số và đồng tiền thể hiện trên hóa đơn.
Lưu ý:
Hóa đơn điện tử xăng dầu cho cá nhân không kinh doanh không nhất thiết phải có các chỉ tiêu tên hóa đơn, ký hiệu mẫu số hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, số hóa đơn; tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua, chữ ký điện tử của người mua; chữ ký số, chữ ký điện tử của người bán, thuế suất thuế GTGT.
Trường hợp hóa đơn điện tử xăng dầu được lập không có ký hiệu mẫu số hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, số hóa đơn có sai sót thì người bán chỉ thực hiện điều chỉnh mà không thực hiện hủy hoặc thay thế (điểm đ khoản 1 Điều 7 Thông tư 78/2021/TT-BTC).
Theo điểm a khoản 3 Điều 22 Nghị định 123/2020/NĐ-CP và khoản 4 Điều 6 Thông tư 78/2021/TT-BTC thì khi bán xăng dầu cho khách, người bán cần tổng hợp dữ liệu tất cả các hóa đơn bán xăng dầu trong ngày theo từng mặt hàng để thể hiện trên bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử và chuyển bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử này ngay trong ngày;
Nếu người bán và người mua có thỏa thuận để tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa hoặc tra cứu dữ liệu thì người bán sau khi lập hóa đơn điện tử đầy đủ các nội dung trên hóa đơn gửi người mua đồng thời gửi hóa đơn cho cơ quan thuế.
Trân trọng!