07/02/2025 08:16

Hướng dẫn xác định tuổi của người chưa thành niên là người bị buộc tội, bị hại

Quy định của pháp luật đối với người chưa thành niên là người bị buộc tội, người chưa thành niên là bị hại như thế nào?

Quyền và nghĩa vụ của người chưa thành niên là người bị buộc tội, bị hại

Theo Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2026) thì Người chưa thành niên là người bị buộc tội gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi. Người chưa thành niên là bị hại là người dưới 18 tuổi trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra.

Quyền và nghĩa vụ của người chưa thành niên là người bị buộc tội, bị hại căn cứ theo Khoản 1 Điều 21 và Khoản 1 Điều 22 Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024. Cụ thể:

Điều 21. Quyền và nghĩa vụ của người chưa thành niên là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội

1.Người chưa thành niên là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự;

b) Có người đại diện tham gia tố tụng;

c) Được sự hỗ trợ của chuyên gia y tế, tâm lý, giáo dục, xã hội học trong trường hợp cần thiết;

d) Được thông tin đầy đủ, kịp thời bằng ngôn từ đơn giản, thân thiện, dễ hiểu về những nội dung liên quan đến việc giải quyết vụ việc, vụ án;

đ) Được bảo đảm giữ bí mật cá nhân trong suốt quá trình giải quyết vụ việc, vụ án;

e) Được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật;

g) Được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật này;

h) Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này.

...

Điều 22. Quyền và nghĩa vụ của người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng

1. Người chưa thành niên là bị hại có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự;

b) Có người đại diện tham gia tố tụng;

c) Được sự hỗ trợ của chuyên gia y tế, tâm lý, giáo dục, xã hội học trong trường hợp cần thiết;

d) Được thông tin đầy đủ, kịp thời bằng ngôn từ đơn giản, thân thiện, dễ hiểu về những nội dung liên quan đến việc giải quyết vụ việc, vụ án;

đ) Được bảo đảm giữ bí mật cá nhân trong suốt quá trình giải quyết vụ việc, vụ án;

e) Được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật;

g) Được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật này;

h) Được sự hỗ trợ của người làm công tác xã hội trong quá trình tố tụng;

i) Được bồi thường thiệt hại và hỗ trợ theo quy định của Luật này và các luật khác có liên quan;

k) Khiếu nại quyết định về việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng;

l) Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này.

Hướng dẫn xác định tuổi của người chưa thành niên là người bị buộc tội, bị hại (Hình Internet)

Hướng dẫn xác định tuổi của người chưa thành niên là người bị buộc tội, bị hại

Việc xác định tuổi của người chưa thành niên là người bị buộc tội, bị hại căn cứ theo quy định tại Điều 25 Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024 như sau:

Điều 25. Xác định tuổi của người chưa thành niên là người bị buộc tội, bị hại

1.Việc xác định tuổi của người chưa thành niên là người bị buộc tội, bị hại do cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện theo quy định của pháp luật. Việc xác định tuổi căn cứ vào một trong các giấy tờ, tài liệu gồm: Giấy chứng sinh, Giấy khai sinh, Chứng minh nhân dân, Thẻ căn cước công dân, Thẻ căn cước, Giấy chứng nhận căn cước, Hộ chiếu hoặc thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác.

Trường hợp các giấy tờ, tài liệu hoặc thông tin trong các cơ sở dữ liệu nêu trên có mâu thuẫn, không rõ ràng hoặc không có giấy tờ, tài liệu, thông tin này thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải phối hợp với gia đình, người đại diện, người thân thích, cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc tổ chức, cá nhân khác có liên quan nơi người đó học tập, lao động, sinh hoạt để xác minh, làm rõ mâu thuẫn hoặc tìm các giấy tờ, tài liệu khác có giá trị chứng minh về tuổi của họ.

2.Trường hợp đã áp dụng các biện pháp hợp pháp mà vẫn không xác định được chính xác thì ngày, tháng sinh được xác định như sau:

a) Trường hợp xác định được tháng nhưng không xác định được ngày thì lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm ngày sinh;

b) Trường hợp xác định được quý nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong quý đó làm ngày, tháng sinh;

c) Trường hợp xác định được nửa của năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong nửa năm đó làm ngày, tháng sinh;

d) Trường hợp xác định được năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong năm đó làm ngày, tháng sinh.

3.Trường hợp không xác định được năm sinh thì phải tiến hành giám định để xác định tuổi.

Như vậy, việc xác định tuổi căn cứ vào một trong các giấy tờ, tài liệu gồm: Giấy chứng sinh, Giấy khai sinh, Chứng minh nhân dân, Thẻ căn cước công dân, Thẻ căn cước, Giấy chứng nhận căn cước, Hộ chiếu hoặc thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác. 

Trong trường hợp đã áp dụng các biện pháp hợp pháp mà vẫn không xác định được chính xác thì ngày, tháng sinh được xác định theo Khoản 2 Điều 25 nêu trên. Đối với năm sinh nếu không thể xác định được thì phải tiến hành giám định để xác định tuổi.

Nguyễn Thị Linh Trang
4

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]