09/09/2024 10:38

Hướng dẫn xác định chỉ tiêu thiệt hại về nhà ở do bão số 3 Yagi, thiên tai gây ra

Hướng dẫn xác định chỉ tiêu thiệt hại về nhà ở do bão số 3 Yagi, thiên tai gây ra

Cách xác định chỉ tiêu thiệt hại về nhà ở do bão, thiên tai gây ra thế nào? Công thức ước giá trị thiệt hại nhà do thiên tai gây ra?

1. Thiệt hại do thiên tai gây ra được hiểu như thế nào?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư liên tịch 43/2015/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT thì từ ngữ “thiệt hại do thiên tai gây ra” được hiểu như sau:

“Thiệt hại do thiên tai gây ra là những tác động của các loại hình thiên tai ảnh hưởng đến con người, động vật nuôi ở các mức độ khác nhau; làm phá hủy hoặc hư hỏng về vật chất, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế, xã hội xảy ra trong hoặc ngay khi thiên tai xảy ra.”

Đồng thời, mức thiệt hại về vật chất được quy định tại Điều 3 Thông tư liên tịch 43/2015/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT như sau:

- Thiệt hại hoàn toàn: là những vật chất bị mất trắng hoặc bị phá hủy, hư hỏng trên 70% không thể khôi phục lại.

- Thiệt hại rất nặng: là những vật chất bị giảm năng suất hoặc bị phá hủy, hư hỏng từ 50-70%.

- Thiệt hại nặng: là những vật chất bị giảm năng suất hoặc bị phá hủy, hư hỏng từ 30-50%.

- Thiệt hại một phần: là những vật chất bị giảm năng suất hoặc bị hư hỏng dưới 30%.

Như vậy, thiệt hại do thiên tai gây ra là những tác động của các loại hình thiên tai ảnh hưởng đến con người, động vật nuôi ở các mức độ khác nhau; làm phá hủy hoặc hư hỏng về vật chất, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế, xã hội xảy ra trong hoặc ngay khi thiên tai xảy ra.

2. Hướng dẫn xác định chỉ tiêu thiệt hại về nhà ở do bão số 3 Yagi, thiên tai gây ra

Theo đó, tại mục 2 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư liên tịch 43/2015/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT hướng dẫn xác định chỉ tiêu thiệt hại về nhà ở do thiên tai gây ra như sau:

“Nhà ở là những ngôi nhà dùng cho mục đích để ở, có đủ điều kiện sinh sống bình thường, không phân biệt chủ sở hữu và thực tế đang tồn tại ở một thời điểm nhất định (đầu năm hoặc cuối năm).”

Theo đó, nhà ở được phân thành các loại: Nhà kiên cố, bán kiên cố, thiếu kiên cố và nhà đơn sơ. Thiệt hại về nhà ở bao gồm:

(1) Nhà bị sập, đổ, cuốn trôi, vùi lấp, hư hỏng hoàn toàn (trên 70%)

- Là những ngôi nhà ở của dân (gồm cả nhà tập thể, nhà ở của dân do nhà nước cấp) bị thiệt hại do ảnh hưởng của thiên tai gồm: sập, đổ hoàn toàn hoặc bị cuốn trôi, vùi lấp, hư hỏng hoàn toàn trên 70% do ảnh hưởng của thiên tai mà không thể khắc phục lại được.

- Cách tính: đếm và thống kê

- Cách ước giá trị thiệt hại: ước giá trị còn lại của từng ngôi nhà theo phương pháp trừ khấu hao.

Giá trị còn lại

=

Tổng giá trị xây mới và sửa chữa lớn

-

Tổng giá trị xây mới và sửa chữa lớn

x

Số năm đã sử dụng

Số năm có thể sử dụng

Tổng giá trị xây mới và sửa chữa lớn được tính như sau:

Tổng giá trị xây mới và sửa chữa lớn

=

Tổng diện tích sử dụng của nhà/công trình (m²)

x

Đơn giá xây mới 1 m² tại thời điểm hiện tại

+

Tổng giá trị các lần sửa chữa lớn

+ Đơn giá xây mới 1m2 nhà/công trình được tính cho từng loại nhà tại thời điểm nhà bị thiệt hại. Đơn giá xây mới được xác định theo đơn giá của từng địa phương.

+ Sửa chữa lớn: là công việc sửa chữa nhằm cải tạo, khôi phục, làm tăng diện tích sử dụng và kéo dài thời gian sử dụng của ngôi nhà. Sửa chữa lớn thường làm thay đổi kết cấu chịu lực của ngôi nhà.

+ Số năm có thể sử dụng là số năm đảm bảo đủ an toàn cho việc sử dụng theo như hồ sơ thiết kế hoặc số năm đủ đảm bảo an toàn sử dụng dựa theo phân loại nhà/công trình.

+ Số năm đã sử dụng là số năm kể từ khi ngôi nhà/công trình đó hoàn thiện và đưa vào sử dụng cho đến lúc bị ảnh hưởng của thiên tai.

(2) Nhà bị sập, đổ, vùi lấp, cuốn trôi một phần; tốc mái, xiêu vẹo, hư hỏng rất nặng (từ 50-70%)

- Là những ngôi nhà ở của dân (gồm cả nhà tập thể, nhà ở của dân do nhà nước cấp) bị thiệt hại do ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai mà có thể sửa chữa, hoặc cải tạo lại một phần để ở.

- Cách tính: đếm và thống kê

- Cách ước giá trị thiệt hại:

Giá trị thiệt hại = Giá trị còn lại của ngôi nhà x % mức độ thiệt hại

(3) Nhà bị sập, đổ, cuốn trôi một phần, tốc mái, xiêu vẹo, hư hỏng nặng (từ 30-50%)

- Là những ngôi nhà ở của dân (gồm cả nhà tập thể, nhà ở của dân do nhà nước cấp) bị thiệt hại do ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai mà có thể sửa chữa, khôi phục hoặc cải tạo lại để ở.

- Cách tính: đếm và thống kê

- Cách ước giá trị thiệt hại:

Giá trị thiệt hại = Giá trị còn lại của ngôi nhà x % mức độ thiệt hại

(4) Nhà bị tốc mái, xiêu vẹo, hư hỏng một phần (dưới 30%)

- Là những ngôi nhà ở của dân (gồm cả nhà tập thể, nhà ở của dân do nhà nước cấp) bị xiêu vẹo, tốc mái hoặc hư hỏng một phần và chỉ phải sửa chữa, khắc phục một phần để ở.

- Cách tính: đếm và thống kê

- Cách ước giá trị thiệt hại:

Giá trị thiệt hại = Giá trị còn lại của ngôi nhà x % mức độ thiệt hại

(5) Nhà bị ngập nước

- Là những ngôi nhà ở của dân bị ngập sàn, nền, mức độ ngập từ 0,2 m trở lên đối với diện tích sinh hoạt thường xuyên.

- Khi thống kê cần phân ra các mức ngập khác nhau: từ (0.2-1)m; (1-3)m và >3m

- Cách tính: đếm và thống kê

- Cách xác định giá trị thiệt hại:

Giá trị thiệt hại: Giá trị còn lại của ngôi nhà x % mức độ thiệt hại do ngập

(6) Nhà bị đất, đá vùi lấp

- Là những ngôi nhà ở của dân bị đất, đá vùi lấp một phần hoặc toàn bộ nền, sàn nhà.

- Cách tính: đếm và thống kê

- Cách xác định giá trị thiệt hại:

Giá trị thiệt hại: Giá trị còn lại của ngôi nhà x % mức độ thiệt hại do đất đá vùi lấp

(7) Nhà phải di dời khẩn cấp

- Là những ngôi nhà ở của dân nằm trong khu vực bị ảnh hưởng của thiên tai mà người cư trú ở đó phải di dời khẩn cấp để tránh nguy cơ bị thiệt hại do thiên tai.

- Cách tính: đếm và thống kê

(8) Các thiệt hại về nhà ở khác

- Các thiệt hại về nhà ở khác: là toàn bộ tài sản của các hộ gia đình như: bàn, ghế, giường, tủ, máy giặt, máy tính, ti vi, điện thoại... bị cuốn trôi hoặc bị hư hỏng (có thể hoặc không thể sửa chữa được) do thiên tai gây ra. Các loại tài sản (có trong hộ gia đình) như sau không được tính vào mục các thiệt hại khác mà tính vào các hạng mục đã có trong biểu bảng: Lương thực, thực phẩm; thuốc trừ sâu; phân bón;

- Cách tính: đếm và thống kê chi tiết trong phụ lục chi tiết (nếu có)

- Cách ước giá trị thiệt hại: là giá trị thay thế của tài sản đó tại thời điểm bị thiệt hại.

Xem hướng dẫn chi tiết tại Thông tư liên tịch 43/2015/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT.

Nguyễn Ngọc Trầm
527

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn