06/06/2024 09:12

Hướng dẫn về thuế TNCN đối với các khoản thanh toán cho người lao động sau nghỉ việc

Hướng dẫn về thuế TNCN đối với các khoản thanh toán cho người lao động sau nghỉ việc

Trường hợp công ty trả các khoản trợ cấp thôi việc cho người lao động nghỉ việc có tính vào thu nhập chịu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công của người lao động không?

Công văn 32970/CTHN-TTHT ngày 31/5/2024 do Cục Thuế TP Hà Nội ban hành có các ý kiến để hướng dẫn về thuế TNCN đối với các khoản thanh toán cho người lao động sau nghỉ việc như sau:

Công văn 32970/CTHN-TTHT: https://cdn.thuvienphapluat.vn//uploads/DanLuat-BanAn/2024/C%C3%B4ng%20v%C4%83n-32970-CTHN-TTHT.docx

1. Hướng dẫn về thuế thu nhập cá nhân đối với các khoản thanh toán cho người lao động sau nghỉ việc

Căn cứ điểm d khoản 6 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý thuế, quy định các loại thuế được khai theo tháng, khai theo quý, khai theo năm, khai theo từng lần phát sinh nghĩa vụ thuế, khai quyết toán thuế cho các loại thuế và khoản thu khai quyết toán năm sẽ quyết toán đến thời điểm giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động, chấm dứt hợp đồng hoặc tổ chức lại doanh nghiệp.

Trường hợp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp (trừ doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa) mà doanh nghiệp chuyển đổi kế thừa toàn bộ nghĩa vụ về thuế của doanh nghiệp được chuyển đổi thì không phải khai quyết toán thuế đến thời điểm có quyết định về việc chuyển đổi doanh nghiệp, doanh nghiệp khai quyết toán khi kết thúc năm bao gồm:

- Thuế thu nhập cá nhân đối với tổ chức, cá nhân trả thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công;

- Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ủy quyền quyết toán thuế cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập;

- Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công trực tiếp quyết toán thuế với cơ quan thuế về cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công ủy quyền quyết toán thuế cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập.

Cụ thể như sau:

- Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công ủy quyền quyết toán thuế cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một nơi và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện việc quyết toán thuế, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 tháng trong năm.

Trường hợp cá nhân là người lao động được điều chuyển từ tổ chức cũ đến tổ chức mới theo quy định tại điểm d.1 khoản này thì cá nhân được ủy quyền quyết toán thuế cho tổ chức mới.

- Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công trực tiếp khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân với cơ quan thuế có số thuế phải nộp thêm hoặc có số thuế nộp thừa đề nghị hoàn hoặc bù trừ vào kỳ khai thuế tiếp theo trừ các trường hợp sau:

+ Cá nhân có số thuế phải nộp thêm sau quyết toán của từng năm từ 50.000 đồng trở xuống;

+ Cá nhân có số thuế phải nộp nhỏ hơn số thuế đã tạm nộp mà không có yêu cầu hoàn thuế hoặc bù trừ vào kỳ khai thuế tiếp theo;

+ Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một đơn vị, đồng thời có thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng và đã được khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ 10% nếu không có yêu cầu thì không phải quyết toán thuế đối với phần thu nhập này;

+ Cá nhân được người sử dụng lao động mua bảo hiểm nhân thọ (trừ bảo hiểm hưu trí tự nguyện), bảo hiểm không bắt buộc khác có tích lũy về phí bảo hiểm mà người sử dụng lao động hoặc doanh nghiệp bảo hiểm đã khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ 10% trên khoản tiền phí bảo hiểm tương ứng với phần người sử dụng lao động mua hoặc đóng góp cho người lao động thì người lao động không phải quyết toán thuế thu nhập cá nhân đối với phần thu nhập này.

Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC về các khoản thu nhập chịu thuế theo quy định tại Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân và Điều 3 Nghị định 65/2013/NĐ-CP, các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân bao gồm các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm:

- Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền.

- Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp như trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, mức hưởng chế độ thai sản, mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thất nghiệp và các khoản trợ cấp khác theo quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội.

Các khoản phụ cấp, trợ cấp và mức phụ cấp, trợ cấp không tính vào thu nhập chịu thuế hướng dẫn tại điểm b, khoản 2, Điều này phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định.

Về hướng dẫn thời điểm xác định thu nhập chịu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công là thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập cho người nộp thuế được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 8.

Đồng thời, tại điểm i khoản 1, Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định về khấu trừ thuế TNCN đối với một số trường hợp như các tổ chức, cá nhân trả tiền công, tiền thù lao, tiền chi khác cho cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới 03 tháng có tổng mức trả thu nhập từ 2 triệu đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân. (theo hướng dẫn tại điểm c, d, khoản 2, Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC)

Trường hợp cá nhân chỉ có duy nhất thu nhập thuộc đối tượng phải khấu trừ thuế theo tỷ lệ nêu trên nhưng ước tính tổng mức thu nhập chịu thuế của cá nhân sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế thì cá nhân có thu nhập làm cam kết gửi tổ chức trả thu nhập để tổ chức trả thu nhập làm căn cứ tạm thời chưa khấu trừ thuế thu nhập cá nhân.

Lưu ý: Cam kết theo mẫu ban hành kèm theo văn bản hướng dẫn về quản lý thuế.

Như vậy, căn cứ các quy định trên, trường hợp công ty trả các khoản trợ cấp thôi việc cho người lao động nghỉ việc theo đúng đối tượng và mức quy định của Bộ Luật lao động thì khoản thu nhập này không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công của người lao động theo hướng dẫn tại tiết b.6, điểm b khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC bao gồm:

- Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp như trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, mức hưởng chế độ thai sản, mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thất nghiệp và các khoản trợ cấp khác theo quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội.

Lưu ý: Các khoản phụ cấp, trợ cấp và mức phụ cấp, trợ cấp không tính vào thu nhập chịu thuế hướng dẫn tại điểm b, khoản 2, Điều này phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định.

Với trường hợp công ty chi trả các khoản tiền lương, tiền công, các khoản lợi ích khác và các khoản trợ cấp (ngoài quy định của Bộ Luật lao động và Luật Bảo hiểm xã hội) sau khi đã chấm dứt hợp đồng lao động từ 2.000.000 đồng trở lên thì công ty thực hiện khấu trừ thuế TNCN theo mức 10% trên tổng thu nhập trước khi trả cho cá nhân theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Trường hợp cuối năm cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công không thuộc trường hợp được ủy quyền cho tổ chức trả thu nhập quyết toán thuế thay thì phải tổng hợp các nguồn thu nhập để khai quyết toán thuế trực tiếp với cơ quan thuế theo quy định tại điểm d.3 khoản 6 Điều 8 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ nêu trên.

2. Hồ sơ quyết toán thuế TNCN đối với người lao động nghỉ việc

Căn cứ quy định tại Thông tư 92/2015/TT-BTCThông tư 111/2013/TT-BTC, để thực hiện quyết toán thuế TNCN, người lao động cần chuẩn bị hồ sơ gồm các giấy tờ sau:

https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2024/TVBA/Bi%C3%AAu%20m%E1%BA%ABu%20thu%E1%BA%BF%20TNCN/45.TK%20QTT%20TLTC%2002%20QT-TNCN.docTờ khai quyết toán thuế Mẫu số 02/QTT-TNCN ban hành kèm theo Thông tư 92/2015/TT-BTC.

https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2024/TVBA/Bi%C3%AAu%20m%E1%BA%ABu%20thu%E1%BA%BF%20TNCN/46.%20BK%2002-1.BK-QTT-TNCN.doc: Nếu có đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc, chuẩn bị thêm Phụ lục Mẫu số 02-1/BK-QTT-TNCN ban hành kèm theo Thông tư 92/2015/TT-BTC.

- Bản photo các chứng từ chứng minh số thuế đã khấu trừ, đã tạm nộp trong năm, số thuế đã nộp ở nước ngoài (nếu có).

- Bản chụp các hóa đơn chứng từ chứng minh khoản đóng góp vào quỹ từ thiện, quỹ nhân đạo, quỹ khuyến học (nếu có).

Lưu ý: Người lao động cần chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính chính xác của những giấy tờ đính kèm trong hồ sơ.

Trong trường hợp tổ chức, doanh nghiệp đã chấm dứt hoạt động và không cấp chứng từ khấu trừ thuế cho người lao động, hồ sơ quyết toán thuế cho cá nhân sẽ được cơ quan thuế xem xét xử lý dựa trên cơ sở dữ liệu của ngành thuế mà không bắt buộc phải có chứng từ khấu trừ thuế.

Trân trọng!

Lê Thị Hồng Mai
3426

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]