27/08/2024 17:03

Hướng dẫn về chi phí bảo vệ, phát triển đất trồng lúa tại Công văn 4297/BXD-KTXD

Hướng dẫn về chi phí bảo vệ, phát triển đất trồng lúa tại Công văn 4297/BXD-KTXD

Bộ Xây dựng nhận được văn bản1586/UBND-KTTH ngày 22/5/2024 của UBND thành phố Hà Nội hướng dẫn một số vướng mắc về quản lý, sử dụng tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa. Dưới đây, là ý kiến của Bộ Xây dựng:

1. Hướng dẫn về chi phí bảo vệ phát triển đất trồng lúa

Tại Công văn 4297/BXD-KTXD ngày 29/7/2024 do Bộ Xây dựng ban hành nhằm trả lời vướng mắc của UBND thành phố Hà Nội có hướng dẫn về chi phí bảo vệ phát triển đất trồng lúa, như sau:

- Về xác định chi phí bảo vệ phát triển đất trồng lúa

Các nguyên tắc quản lý chi phí đầu tư xây dựng đã được quy định cụ thể tại Luật Xây dựng, các Nghị định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng qua các thời kỳ.

Theo đó, chi phí đầu tư xây dựng phải được tính đúng, tính đủ theo từng dự án, công trình,....

Tại Nghị định 35/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, đã làm rõ chi phí bảo vệ, phát triển đất trồng lúa được tính vào chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trong tổng mức đầu tư xây dựng của dự án.

Như vậy, đối với dự án đầu tư xây dựng, chi phí bảo vệ, phát triển đất trồng lúa được tính trong tổng mức đầu tư xây dựng.

Trường hợp tính thiếu hoặc chưa tính chi phí này trong tổng mức đầu tư thì cần xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể có liên quan theo quy định của pháp luật; 

Đồng thời căn cứ các quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật khác có liên quan, nguồn vốn của dự án và giai đoạn thực hiện dự án để báo cáo người quyết định đầu tư tính toán bổ sung chi phí này trong tổng mức đầu tư (nếu được phép bổ sung và thuộc các trường hợp được điều chỉnh tổng mức đầu tư theo quy định, bao gồm cả chi phí chậm nộp nếu có).

Đối với các dự án đầu tư xây dựng đã hoàn thành, đề nghị UBND thành phố Hà Nội xin ý kiến của Bộ Tài chính để được hướng dẫn xác định chi phí bảo vệ, phát triển đất trồng lúa.

- Về tiền chậm nộp khoản tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa

Theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định 62/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 35/2015/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa:

Trường hợp chậm nộp khoản tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa thì người được giao đất, cho thuê đất sẽ phải nộp thêm tiền chậm nộp theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Vì vậy, đề nghị UBND thành phố Hà Nội tổng hợp ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn xác định tiền chậm nộp.

2. Quy định về đất trồng lúa theo Luật đất đai 2024

Tại Điều 182 Luật đất đai 2024 quy định về đất trồng lúa như sau:

- Đất trồng lúa bao gồm đất chuyên trồng lúa và đất trồng lúa còn lại. Đất chuyên trồng lúa là đất trồng từ 02 vụ lúa trở lên.

-Nhà nước có chính sách hỗ trợ, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, áp dụng khoa học và công nghệ hiện đại cho vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao; bảo vệ đất trồng lúa, hạn chế chuyển đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp.

- Người sử dụng đất trồng lúa có trách nhiệm cải tạo, làm tăng độ phì của đất; không được chuyển sang sử dụng vào mục đích khác nếu không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

- Người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa phải thực hiện các quy định sau đây:

+ Có phương án sử dụng tầng đất mặt theo quy định của pháp luật về trồng trọt;

+ Nộp một khoản tiền theo quy định của pháp luật để Nhà nước bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa bị mất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa, trừ dự án sử dụng vốn đầu tư công hoặc vốn nhà nước ngoài đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về xây dựng;

+ Thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường; không làm ảnh hưởng đến việc canh tác đối với diện tích đất trồng lúa liền kề.

- Người sử dụng đất trồng lúa được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa nhưng không làm mất đi điều kiện cần thiết để trồng lúa trở lại theo quy định của pháp luật về trồng trọt; được sử dụng một phần diện tích đất để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

3. Mức thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa hiện nay

Theo khoản 3 Điều 2 Thông tư 18/2016/TT-BTC quy định mức thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa như sau:

Mức thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa = tỷ lệ phần trăm (%) (x) diện tích (x) giá của loại đất trồng lúa

Trong đó:

- Tỷ lệ phần trăm (%) xác định số thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành phù hợp với điều kiện cụ thể từng địa bàn của địa phương, nhưng không thấp hơn 50%;

- Diện tích là phần diện tích đất chuyên trồng lúa nước chuyển sang đất phi nông nghiệp ghi cụ thể trong quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất chuyên trồng lúa nước sang đất phi nông nghiệp của cơ quan có thẩm quyền;

- Giá của loại đất trồng lúa tính theo Bảng giá đất đang được áp dụng tại thời điểm chuyển mục đích sử dụng đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành.

Bùi Thị Như Ý
665

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]