07/11/2023 17:31

Hướng dẫn tính thuế TNCN khi chuyển nhượng chứng khoán

Hướng dẫn tính thuế TNCN khi chuyển nhượng chứng khoán

Khi chuyển nhận chứng khoán có phải đóng thuế TNCN không? Nếu có thì tính như thế nào? Kim Loan - Đồng Nai

Chào chị, ban biên tập xin giải đáp như sau:

Ngày 20/02/2020, Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh ban hành Công văn 1516/CT-TTHT hướng dẫn chính sách thuế TNCN từ chuyển nhượng chứng khoán.

1. Căn cứ tính thuế TNCN khi chuyển nhượng chứng khoán

Thuế thu nhập cá nhân là một sắc thuế trực thu đánh trên thu nhập do cá nhân kiếm được và ngày càng trở nên một bộ phận quan trọng trong các khoản thu ngân sách tại Việt Nam. Người nộp thuế: cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú tại Việt Nam.

Theo quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC sửa đổi bởi Điều 4 Thông tư 25/2018/TT-BTC các khoản thu nhập chịu thuế TNCN:

Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán, bao gồm: thu nhập từ chuyển nhượng cổ phiếu, quyền mua cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại chứng khoán khác theo quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật chứng khoán 2019Thu nhập từ chuyển nhượng cổ phiếu của các cá nhân trong công ty cổ phần theo quy định tại khoản 2 Điều 6 của Luật chứng khoán 2019 và Điều 120 của Luật doanh nghiệp 2020.

Tại Điều 16 Thông tư 92/2015/TT-BTC sửa đổi, bổ sung điểm a và điểm b khoản 2 Điều 11 Thông tư 111/2013/TT-BTC về tính thuế TNCN khi chuyển nhượng chứng khoán:

- Thu nhập tính thuế

Thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng chứng khoán được xác định là giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần.

+ Giá chuyển nhượng chứng khoán được xác định như sau:

++ Đối với chứng khoán của công ty đại chúng giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán, giá chuyển nhượng chứng khoán là giá thực hiện tại Sở Giao dịch chứng khoán...

++ Đối với chứng khoán không thuộc trường hợp nêu trên, giá chuyển nhượng là giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng hoặc giá thực tế chuyển nhượng hoặc giá theo sổ sách kế toán của đơn vị có chứng khoán chuyển nhượng tại thời điểm lập báo cáo tài chính gần nhất theo quy định của pháp luật về kế toán trước thời điểm chuyển nhượng.b) Thuế suất và cách tính thuế:

Cá nhân chuyển nhượng chứng khoán nộp thuế theo thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần.

Cách tính thuế:

Thuế thu nhập cá nhân phải nộp

=

Giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần

x

Thuế suất 0,1%

Ví dụ: Anh B mua 10.000 cổ phiếu của Công ty Cổ phần Y với giá 50.000 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị là 500.000.000 đồng. Sau 1 năm, anh B bán toàn bộ 10.000 cổ phiếu của Công ty Cổ phần Y với giá 80.000 đồng/cổ phiếu.

Tổng giá chuyển nhượng: 10.000 cổ phiếu x 80.000 đồng/cổ phiếu = 800.000.000 đồng

- Thuế suất thuế TNCN: 0,1%

- Số thuế TNCN phải nộp:

Số thuế TNCN = Giá chuyển nhượng x Thuế suất = 800.000.000 đồng x 0,1% = 800.000 đồng

Như vậy, khi chuyển nhượng 10.000 cổ phiếu với tổng giá trị 800.000.000 đồng, anh B phải đóng thuế TNCN với số tiền là 800.000 đồng.

Theo các quy định trên, căn cứ tính thuế TNCN khi chuyển nhượng chứng khoán là thu nhập từ việc chuyển nhượng cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại chứng khoán khác.

Đồng thời, thu nhập tính thuế được xác định là giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần. Giá chuyển nhượng căn cứ vào giá thực hiện tại sở giao dịch chứng khoán hoặc giá trên hợp đồng, giá thực tế chuyển nhượng. Thuế suất thuế TNCN khi chuyển nhượng chứng khoán là 0,1% trên giá chuyển nhượng từng lần.

2. Hồ sơ khai thuế TNCN từ chuyển nhượng chứng khoán

Hồ sơ khai thuế TNCN theo từng lần phát sinh đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán do cá nhân trực tiếp khai thuế và tổ chức, cá nhân khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân theo quy định tại mục 9.5 của Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP bao gồm:

- Tờ khai thuế thu nhập cá nhân theo mẫu 04/CNV-TNCN.

Tải mẫu 04/CNV-TNCN: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2023/M%E1%BA%ABu%20TK%2004%20CNV-TNCN.doc

- Phụ lục bảng kê chi tiết cá nhân chuyển nhượng vốn (áp dụng đối với tổ chức khai thuế thay, nộp thuế thay cho nhiều cá nhân) theo mẫu 04-1/CNV-TNCN ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/NĐ-CP.

- Bản sao hợp đồng chuyển nhượng chứng khoán. Trong trường hợp góp vốn bằng chứng khoán thì hợp đồng chuyển nhượng chứng khoán được thay bằng bản sao hợp đồng góp vốn.

3. Xử phạt hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế

Mức xử phạt hành vi vi phạm thời hạn nộp hồ sơ khai thuế như sau:

- Phạt cảnh cáo đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 05 ngày và có tình tiết giảm nhẹ.

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng: Đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 30 ngày, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng: Đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 31 ngày đến 60 ngày.

- Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng: Đối với một trong các hành vi sau đây:

+ Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 61 ngày đến 90 ngày;

+ Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;

+ Không nộp hồ sơ khai thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;

+ Không nộp các phụ lục theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết kèm theo hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.

- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn trên 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế, có phát sinh số thuế phải nộp và người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế lập biên bản về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế theo quy định tại khoản 11 Điều 143 Luật Quản lý thuế 2019.

Trường hợp số tiền phạt nếu áp dụng theo khoản này lớn hơn số tiền thuế phát sinh trên hồ sơ khai thuế thì số tiền phạt tối đa đối với trường hợp này bằng số tiền thuế phát sinh phải nộp trên hồ sơ khai thuế nhưng không thấp hơn mức trung bình của khung phạt tiền quy định tại khoản 4 Điều này.

Ngoài ra, còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả:

- Buộc nộp đủ số tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước, trong trường hợp người nộp thuế chậm nộp hồ sơ khai thuế dẫn đến chậm nộp tiền thuế;

- Buộc nộp hồ sơ khai thuế, phụ lục kèm theo hồ sơ khai thuế đối với hành vi quy định tại điểm c, d khoản 4 Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.

Như vậy, mức phạt sẽ tùy thuộc vào mức độ và tính chất vi phạm, phạt cảnh cáo, có thể kết hợp cả hình thức phạt tiền giao động từ 2.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng và thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.

(Căn cứ Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP)

Trân trọng!

Nguyễn Ngọc Trầm
14670

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]