Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau:
Để thực hiện thủ tục gia hạn nợ thông thường đối với người vay vốn ngân hàng chính sách xã hội để mua nhà ở xã hội, người vay thực hiện theo các bước sau đây:
Bước 1: Các thành viên trong gia đình từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật thỏa thuận cử 01 cá nhân trong số các thành viên này đại diện theo ủy quyền để đứng tên người vay và thực hiện các giao dịch với ngân hàng chính sách xã hội nơi thực hiện thủ tục và lập Giấy ủy quyền đối với trường hợp hộ gia đình vay vốn ngân hàng chưa thực hiện thủ tục lập Giấy ủy quyền khi vay vốn
Bước 2: Khi có nhu cầu gia hạn nợ, trước khi đến hạn trả nợ cuối cùng 05 ngày, người vay viết Giấy đề nghị gia hạn nợ theo mẫu số 09/NƠXH và chuẩn bị Giấy ủy quyền theo mẫu số 01/UQ (chuẩn bị sẵn 02 bản chính, trong đó 01 bản lưu tại ngân hàng chính sách xã hội nơi thực hiện thủ tục còn 01 bản lưu hộ gia đình vay vốn ngân hàng chính sách xã hội) để làm hồ sơ đề nghị gia hạn nợ, rồi gửi đến ngân hàng chính sách xã hội nơi thực hiện thủ tục gia hạn nợ.
Tải mẫu giấy đề nghị gia hạn nợ theo mẫu số 09/NƠXH: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2024/de-nghi-gia-han-no.doc
Tải mẫu giấy ủy quyền theo mẫu số 01/UQ: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2024/UQ-mau.doc
Bước 3: Trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị gia hạn nợ của người vay, ngân hàng chính sách xã hội nơi thực hiện thủ tục kiểm tra tính hợp lệ, hợp pháp của hồ sơ đề nghị gia hạn nợ của người vay, xem xét, phê duyệt gia hạn nợ.
- Trường hợp phê duyệt cho gia hạn nợ, ngân hàng chính sách xã hội nơi thực hiện thủ tục lập Thông báo kết quả phê duyệt gia hạn nợ rồi chuyển Tổ trưởng Tổ TK&VV (Tổ tiết kiệm và vay vốn) để gửi người vay lưu giữ;
- Trường hợp không phê duyệt cho gia hạn nợ, ngân hàng chính sách xã hội nơi thực hiện thủ tục lập Thông báo Danh sách người vay không được gia hạn nợ chuyển Tổ trưởng Tổ TK&VV để thông báo và đôn đốc người vay thực hiện nghĩa vụ trả nợ.
Khi viết giấy đề nghị gia hạn nợ, người viết cần điền đầy đủ chính xác những thông tin bao gồm:
- Tên chi nhánh/phòng giao dịch ngân hàng chính sách xã hội;
- Họ và tên người vay vốn/ người được ủy quyền vay vốn;
- Thông tin về ngày, tháng, năm sinh, dân tộc, giới tính, số CMND/CCCD/Hộ chiếu, ngày cấp và nơi cấp của người vay vốn/ người được ủy quyền vay vốn;
- Nơi cư trú của người vay vốn/ người được ủy quyền vay vốn;
- Thông tin về Hợp đồng tín dụng;
- Số tiền, thời hạn vay và tên chi nhánh/Phòng giao dịch ngân hàng chính sách xã hội cụ thể vay tại ngân hàng chính sách xã hội theo Hợp đồng tín dụng;
- Số tiền đến hạn trả nợ gốc và ngày phải nợ cuối cùng và số tiền nợ gốc chưa trả được;
- Lý do chưa trả được nợ cần gia hạn thêm thời gian;
- Thời gian gia hạn số dư nợ gốc đã nêu ở trên cùng cam kết trả nợ đúng hạn;
- Phần ký tên cần ký và ghi rõ họ tên người vay vốn hoặc người được ủy quyền vay vốn.
Theo Điều 5 Quyết định 54/QĐ-HĐQT năm 2023 quy định, để được gia hạn nợ khi vay tại ngân hàng chính sách xã hội thì cần phải đáp ứng những điều kiện sau đây:
- Khách hàng thuộc đối tượng được vay vốn theo quy định, sử dụng vốn vay đúng mục đích.
- Khách hàng không bị thiệt hại về vốn, tài sản nhưng gặp khó khăn về tài chính chưa trả được nợ đúng theo thời hạn đã cam kết do các nguyên nhân khách quan sau:
+ Các loại thiên tai theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai; địch họa, hỏa hoạn; các dịch bệnh liên quan tới vật nuôi và cây trồng xảy ra làm ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng.
+ Nhà nước thay đổi chính sách làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của khách hàng: không còn nguồn cung cấp nguyên vật liệu; mặt hàng sản xuất, kinh doanh bị cấm, hạn chế theo quy định của pháp luật; khách hàng phải thực hiện việc chuyển đổi sản xuất, kinh doanh theo quyết định của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
+ Tác động của tình hình kinh tế - xã hội, dịch bệnh làm ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của khách hàng: mất việc làm, chưa có việc làm ổn định, chưa nhận được tiền công, tiền lương, tiền bán sản phẩm.
+ Khách hàng là cá nhân hoặc có thành viên khác trong hộ gia đình bị ốm đau, tai nạn.
- Khách hàng chưa thu hoạch được sản phẩm, thời gian thu hoạch sản phẩm bị kéo dài so với dự kiến hoặc chưa tiêu thụ được sản phẩm.
- Các nguyên nhân khác quy định tại Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (nếu có).
Trân trọng!