04/09/2024 16:44

Hướng dẫn phân loại trang thiết bị y tế A, B, C, D mới nhất

Hướng dẫn phân loại trang thiết bị y tế A, B, C, D mới nhất

Hướng dẫn phân loại trang thiết bị y tế A, B, C, D hiện nay như thế nào? Nguyên tắc phân loại thiết bị y tế là gì? Quy định về số lưu hành của thiết bị y tế ra sao?

1. Hướng dẫn phân loại trang thiết bị y tế A, B, C, D

Căn cứ khoản 1 Điều 2 Nghị định 98/2021/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 7 Điều 147 Nghị định 96/2023/NĐ-CP quy định thiết bị y tế (trước gọi là trang thiết bị y tế) là các loại thiết bị, vật tư cấy ghép, dụng cụ, vật liệu, thuốc thử và chất hiệu chuẩn in vitro, phần mềm (software) đáp ứng đồng thời các yêu cầu sau đây:

- Được sử dụng riêng lẻ hay phối hợp với nhau theo chỉ định của chủ sở hữu thiết bị y tế để phục vụ cho con người nhằm một hoặc nhiều mục đích sau đây:

+ Chẩn đoán, ngăn ngừa, theo dõi, điều trị và làm giảm nhẹ bệnh tật hoặc bù đắp tổn thương, chấn thương;

+ Kiểm tra, thay thế, điều chỉnh hoặc hỗ trợ giải phẫu và quá trình sinh lý;

+ Hỗ trợ hoặc duy trì sự sống;

+ Kiểm soát sự thụ thai;

+ Khử khuẩn thiết bị y tế;

+ Cung cấp thông tin cho việc chẩn đoán, theo dõi, điều trị thông qua biện pháp kiểm tra các mẫu vật có nguồn gốc từ cơ thể con người.

- Không sử dụng cơ chế dược lý, miễn dịch hoặc chuyển hóa trong hoặc trên cơ thể người hoặc nếu có sử dụng các cơ chế này thì chỉ mang tính chất hỗ trợ để đạt mục đích trên.

Theo đó, tại Điều 4 Nghị định 98/2021/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 7 Điều 147 Nghị định 96/2023/NĐ-CP, thiết bị y tế được phân làm 04 loại dựa trên mức độ rủi ro tiềm ẩn liên quan đến thiết kế kỹ thuật và sản xuất các thiết bị y tế đó:

Dưới đây là bảng phân loại thiết bị y tế A, B, C, D:

Loại thiết bị y tế

Mức độ rủi ro

Ví dụ

Thiết bị y tế thuộc loại A

Mức độ rủi ro thấp

Giường Y tế, Khăn & Bộ khăn phẫu thuật, Băng ca vận chuyển bệnh nhân, Xe lăn cho người tàn tật, Bàn vận hành thủy lực đa chức năng,...

Thiết bị y tế thuộc loại B

Mức độ rủi ro trung bình thấp

Bộ xét nghiệm IVD nồng độ cồn trong máu, Mặt nạ thở oxy có túi, Bộ dây truyền dịch và Bộ dây truyền dịch an toàn, Bộ ống dẫn lưu,...

Thiết bị y tế thuộc loại C

Mức độ rủi ro trung bình cao

Bộ xét nghiệm định lượng RNA của vi rút Hepatitis C, Catheter tĩnh mạch trung tâm, Dao mổ điện,...

Thiết bị y tế thuộc loại D

Mức độ rủi ro cao

Dây dẫn chẩn đoán, Bộ cấy trong Điện cực ốc tai - Neuro Zti, Bộ vòng xoắn kim loại nút mạch, Bóng cắt nong mạch vành chống trượt,...

2. Nguyên tắc phân loại thiết bị y tế

Tại Điều 5 Nghị định 98/2021/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 7 Điều 147 Nghị định 96/2023/NĐ-CP quy định nguyên tắc phân loại thiết bị y tế như sau:

- Việc phân loại thiết bị y tế phải dựa trên cơ sở quy tắc phân loại về mức độ rủi ro.

- Thiết bị y tế chỉ có một mục đích sử dụng nhưng mục đích sử dụng đó có thể được phân loại vào hai hoặc nhiều mức độ rủi ro khác nhau thì áp dụng việc phân loại theo mức độ rủi ro cao nhất.

- Thiết bị y tế có nhiều mục đích sử dụng và mỗi mục đích sử dụng có mức độ rủi ro khác nhau thì áp dụng việc phân loại theo mức độ rủi ro cao nhất.

- Trong trường hợp thiết bị y tế được thiết kế để sử dụng kết hợp với một thiết bị y tế khác thì mỗi thiết bị y tế phải được phân loại mức độ rủi ro riêng biệt.

Trường hợp đối với thiết bị y tế chẩn đoán in vitro là thiết bị, hệ thống thiết bị có tham gia vào quá trình xét nghiệm và các thuốc thử, chất chứng, chất chuẩn, chất hiệu chuẩn, vật liệu kiểm soát được phân loại mức độ rủi ro riêng biệt nhưng kết quả phân loại phải căn cứ vào mức độ rủi ro cao nhất của mục đích sử dụng cuối cùng của tổng thể thiết bị y tế kết hợp đó. Các thiết bị y tế chẩn đoán in vitro là các sản phẩm khác tham gia hoặc hỗ trợ quá trình thực hiện xét nghiệm được phân loại mức độ rủi ro riêng biệt.

- Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết việc phân loại thiết bị y tế bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế về phân loại thiết bị y tế của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á mà Việt Nam là thành viên.

- Việc phân loại thiết bị y tế phải được thực hiện bởi cơ sở phân loại là cơ sở đứng tên công bố tiêu chuẩn áp dụng hoặc đăng ký lưu hành.

3. Quy định về số lưu hành của thiết bị y tế

Theo đó, số lưu hành của thiết bị y tế là:

- Số công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với thiết bị y tế thuộc loại A, B;

- Số giấy chứng nhận đăng ký lưu hành đối với thiết bị y tế thuộc loại C, D.

Chủ sở hữu số lưu hành là tổ chức công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với trang thiết bị y tế hoặc tổ chức được cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành đối với trang thiết bị y tế theo quy định của Nghị định 98/2021/NĐ-CP

Hiệu lực của số lưu hành: số lưu hành của thiết bị y tế có giá trị không thời hạn, trừ trường hợp số lưu hành thiết bị y tế được cấp theo quy định về cấp khẩn cấp số lưu hành thiết bị y tế phục vụ cho phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa. Căn cứ hồ sơ thực tế của thiết bị y tế đề nghị cấp số lưu hành khẩn cấp, Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định thời hạn cụ thể của số lưu hành.

(Quy định tại Điều 21 Nghị định 98/2021/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 7 Điều 147 Nghị định 96/2023/NĐ-CP)

Nguyễn Phạm Hoàng Thuy
1779

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]