24/05/2024 11:07

Hướng dẫn mới về hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên

Hướng dẫn mới về hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên

Tôi nghe nói đã có văn bản hướng dẫn áp dụng quy định về hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên. Như vậy, quy định này được hướng dẫn như thế nào? (Đức Phúc - Quảng Nam)

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

Ngày 16/5/2024, Hội đồng Thẩm phán tối cao Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết vụ việc về hôn nhân gia đình. Trong đó, quy định về hạn chế quyền của cha, mẹ đối con chưa thành niên đã được hướng dẫn chi tiết hơn.

Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.

1. Hướng dẫn áp dụng quy định về hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên 

Tại Điều 85 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên được quy định như sau:

1. Cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên trong các trường hợp sau đây:

a) Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;

b) Phá tán tài sản của con;

c) Có lối sống đồi trụy;

d) Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.

2. Căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, Tòa án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 86 của Luật này ra quyết định không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con trong thời hạn từ 01 năm đến 05 năm. Tòa án có thể xem xét việc rút ngắn thời hạn này.

Theo đó, Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP đã hướng dẫn áp dụng quy định này cụ thể và chi tiết hơn. Tại khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 8  Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP, Hội đồng Thẩm phán tối cao đã giải thích và cho ví dụ cụ thể về các trường hợp cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên quy định tại Điều 85 Luật hôn nhân và gia đình 2014 như sau:

(1) “Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý” là bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật về một trong các tội quy định tại Chương XIV Bộ luật Hình sự đối với con chưa thành niên với lỗi cố ý

Ví dụ: Cha, mẹ bị kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật về tội “Cố ý gây thương tích” quy định tại Điều 134 của Bộ luật Hình sự đối với con chưa thành niên. 

(2)Hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con” là không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của con hoặc làm tổn hại đến sự phát triển toàn diện của con. 

Ví dụ: Cha, mẹ bỏ mặc con chưa thành niên tự sinh sống, không có điều kiện để tự nuôi mình dẫn đến con có hành vi trộm cắp tài sản. 

(3)Phá tán tài sản của con” là mua, bán, tặng cho, hủy hoại hoặc hành vi khác làm thiệt hại đến tài sản của con mà không vì lợi ích của con. 

(4)Có lối sống đồi trụy” là lối sống ăn chơi, tiêu khiển thấp hèn, xấu xa, hư hỏng, trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc. 

Ví dụ: Cha, mẹ thực hiện hoạt động mại dâm. 

(5)Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội” là hành vi kích động, dụ dỗ, thúc đẩy, ép buộc bằng lời nói, cử chỉ hoặc bằng bất cứ hình thức nào dẫn đến con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội. 

Ví dụ: xúi giục, ép buộc dẫn đến con bỏ học, trộm cắp, lừa đảo, vận chuyển trái phép chất ma túy. 

Đối với từng trường hợp cụ thể, Tòa án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức ra quyết định về việc cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên, như sau:

- Không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con khi cha, mẹ có hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 4 và 5 Điều 8 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP

- Không cho cha, mẹ quản lý tài sản của con khi cha, mẹ có hành vi quy định tại khoản 3 Điều 8  Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP

- Không cho cha, mẹ đại diện theo pháp luật cho con khi cha, mẹ có hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 8 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP

Tòa án quyết định rút ngắn thời hạn hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên trong trường hợp cha, mẹ đã thực hiện được một phần hai thời hạn theo quyết định của Tòa án và trong thời hạn này, cha, mẹ không thực hiện một trong các hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 8 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP

2. Xác định thẩm quyền giải quyết vụ án về hôn nhân và gia đình trong một số trường hợp 

Theo Điều 9 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP, việc xác định thẩm quyền giải quyết vụ án về hôn nhân và gia đình trong một số trường hợp như sau:

- Vụ án về hôn nhân và gia đình có tranh chấp về bất động sản mà nơi cư trú, làm việc của bị đơn, nguyên đơn quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự và nơi có bất động sản đang tranh chấp khác nhau thì thẩm quyền của Tòa án được xác định theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự

- Trường hợp cha và mẹ là người Việt Nam định cư ở nước ngoài có đơn khởi kiện về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, con chung đang sinh sống tại Việt Nam thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án Việt Nam theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 469 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Nguyễn Phạm Hoàng Thuy
186

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn