05/03/2024 15:27

Hướng dẫn kỹ thuật nhân giống Bời lời đỏ từ hạt theo TCVN 13358-2:2021

Hướng dẫn kỹ thuật nhân giống Bời lời đỏ từ hạt theo TCVN 13358-2:2021

Theo tôi được biết cây Bời lời có tác dụng quý trong y học, vậy cây Bời lời đỏ cần đáp ứng những tiêu chí kỹ thuật nào? Hướng dẫn giúp tôi kỹ thuật nhân giống Bời lời đỏ từ hạt. Khánh Như - Gia Lai.

Chào chị, ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Yêu cầu kỹ thuật đối với cây giống Bời lời đỏ

Tại TCVN 13358-2:2021 quy định về các yêu cầu kỹ thuật về chỉ tiêu chất lượng đối với cây giống Bời lời đỏ như sau:

Chỉ tiêu

Yêu cầu

1. Nguồn gốc giống

Hạt giống được thu từ nguồn giống đã được công nhận hoặc từ cây mẹ được chọn ở các lâm phần hoặc cây phân tán có địa chỉ rõ ràng.

2. Tuổi cây

Tối thiểu 8 tháng tuổi kể từ khi gieo hạt hoặc cấy cây vào bầu.

3. Chiều cao cây

Tối thiểu 40 cm.

4. Đường kính cổ rễ

Tối thiểu 0,4 cm.

5. Hình thái cây

Cây sinh trưởng tốt, khỏe mạnh, lá xanh, phát triển cân đối, không cong queo, không nhiều thân, không cụt ngọn.

6. Bầu cây

Đường kính tối thiểu là 9 cm, chiều cao tối thiểu là 13 cm, hỗn hợp ruột bầu tháp hơn mặt bầu tối đa là 1 cm, bầu không bị vỡ, bẹp.

Bảng 1 - Yêu cầu kỹ thuật đối với cây giống Bời Iời đỏ

2. Hướng dẫn kỹ thuật nhân giống Bời lời đỏ từ hạt

Tại Phụ lục A TCVN 13358-2:2021 hướng dẫn kỹ thuật nhân giống Bời lời đỏ từ hạt như sau:

(1) Nguồn giống

- Nguồn gốc giống

Hạt giống được thu từ nguồn giống đã được công nhận hoặc từ cây mẹ được chọn lọc từ các lâm phần có địa chỉ rõ ràng.

- Yêu cầu đối với cây mẹ lấy giống

Cây từ 10 tuổi trở lên, và đã có trên 2 mùa quả, thân thẳng, vỏ dày, tỉa cành tự nhiên tốt, đoạn thân dưới cành cao, lá màu xanh đậm, không bị sâu bệnh.

(2) Thu hái hạt giống

- Thời gian thu hái quả chín từ tháng 10 đến tháng 12, khi vỏ quả chuyển từ màu xanh sang màu vàng sẫm.

- Có thể thu hái bằng nhiều cách như trèo lên cây bẻ từng chùm quả hoặc dùng sào có móc để hái.

- Không chặt cành và cây để lấy quả, không thu hái quả non; không để chim thú ăn và phá hoại quả trong mùa thu hái.

(3) Chế biến và bảo quản hạt giống

- Quả thu về ủ từ 2 ngày đến 3 ngày cho chín đều, sau đó chà xát nhẹ, dùng nước lã rửa sạch vỏ và nhớt, để ráo nước, phơi dưới nắng nhẹ hoặc trong bóng râm, nơi thoáng gió, sau 5 ngày đến 7 ngày hạt khô, đem gieo ngay hoặc đưa vào bảo quản.

- Hạt bời lời đỏ nên đem gieo ngay sau khi thu hái.

- Nếu chưa gieo ngay phải bảo quản trong cát ẩm 20 % (nắm cát trong tay khi bỏ ra không bị rời ra) tỷ lệ 1 hạt: 2 cát, trộn đều vun thành luống cao từ 15 cm đến 20 cm, trên cùng phù thêm 1 lớp cát dày từ 3 cm đến 5 cm. Định kỳ một tuần đảo lại 1 lần và tưới nước bổ sung để giữ được độ ẩm ban đầu, Thời gian bảo quản không quá 1 tháng.

(4) Chuẩn bị vườn ươm

- Vườn ươm bời lời đỏ phải gần nơi trồng và thuận tiện cho việc vận chuyển cây con; đủ ánh sáng, thoáng mát, khô ráo, gần nguồn nước sạch, thoát nước; được dọn vệ sinh sạch có, gốc cây...

- Lên luống gieo hạt: phải làm đất nhỏ, nhặt sạch có mới tiến hành lên luống, luống có kích thước rộng 1 m, cao từ 12 cm đến 15 cm, rãnh luống rộng từ 50 cm đến 60 cm tính từ mép mặt luống, khi lên luống cần bón lót cho đất bằng phân chuồng hoai, lượng bón từ 3 kg đến 5 kg cho 1 m2.

- Đóng bầu: vỏ bầu có đường kính tối thiểu là 9 cm, chiều cao tối thiểu là 13 cm. nếu dùng bầu có đáy thì phải cắt 2 góc và đục từ 4 lỗ đến 6 lỗ xung quanh thành bầu. Ruột bầu nên chọn đất ở tầng B với hỗn hợp ruột bầu theo tỷ lệ tính theo trọng lượng bầu gồm: 90 % đất, 9 % phân chuồng đã ủ hoai và sàng nhỏ, 1 % phân supe lân.

- Xếp bầu: bầu đóng xong được xếp thành luống rộng 1 m, dài tùy theo điều kiện cụ thể của vườn ươm, mặt bầu phải bằng phẳng. Luống làm theo hướng Đông - Tây để giàn che sáng cho cây được che đều suốt ngày.

(5) Kỹ thuật xử lý và gieo hạt giống

- Xử lý hạt: trước khi gieo ươm đổ hạt vào nước sạch, loại bỏ các hạt lép (hạt nổi trên mặt nước), vớt ra để ráo nước, sau đó ngâm hạt trong nước ấm từ 40 °C đến 45 °C trong thời gian từ 10 giờ đến 12 giờ.

- Ủ hạt: xử lý xong, vớt hạt ra, để ráo, sau đó ủ trong cát ẩm (cát được đựng trên khay hoặc rải trên nền cứng), thường xuyên tưới nước để giữ ẩm cho đến lúc hạt nứt nanh thì đem gieo vào bầu.

- Gieo hạt: tưới nước cho luống cấy và luống bầu đủ ẩm trước khi cấy hạt từ 1 giờ đến 2 giờ. Chọn hạt đã nứt nanh đem gieo. Hạt được gieo theo rạch trên luống gieo với khoảng cách 20 cm x 20 cm khi hạt nảy mầm thì đem cấy vào bầu hoặc gieo thẳng vào bầu đất, mỗi bầu gieo 1 hạt vào giữa bầu, lấp một lớp đất mỏng mịn cho kín hạt, phủ một lớp mùn cưa hoặc trấu mục lên trên.

(6) Chăm sóc cây con

- Làm giàn che: khi gieo xong hạt cần làm giàn có độ che sáng 75 %, sau 2 tháng giảm xuống 50 %, sau 4 tháng giảm xuống 25 % và trước khi xuất vườn 1 tháng thì dỡ hết giàn che. Chú ý dỡ bỏ dàn che lúc thời tiết râm mát.

- Tưới nước: trong 15 ngày đầu sau khi gieo hạt phải tưới nước hàng ngày bằng ô doa lỗ nhỏ. Khi cây mầm nhú khỏi mặt bầu thì số lần tưới giảm dần, nhưng phải đảm bảo cho bầu đủ ẩm (từ 3 l/m2 đến 4 l/m2). Một tuần trước khi đem trồng thì ngừng tưới nước.

- Làm cỏ phá váng: khi mầm nhú khỏi mặt bầu thì xới nhẹ quanh gốc và phá váng trên mặt bầu, sau đó định kỳ 2 tuần làm có phá váng 1 lần.

(7) Phòng trừ sâu bệnh hại

Cây con trong vườn ươm thường xuyên được kiểm tra để kịp thời xử lý tránh bị bệnh và côn trùng, chuột, bọ phá hoại. Sử dụng các loại bả độc hoặc các loại thuốc phòng trừ sâu bệnh để bảo vệ. Định kỳ 15 ngày phun dung dịch Viben C nồng độ 0,1 % (1 g hòa trong 1 I nước) để diệt khuẩn phòng tránh nấm bệnh.

Trân trọng!

Nguyễn Ngọc Trầm
273

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn