18/10/2023 17:34

Hướng dẫn kê khai thuế GTGT đối với hoá đơn điều chỉnh

Hướng dẫn kê khai thuế GTGT đối với hoá đơn điều chỉnh

Tôi muốn hỏi khi công ty xây dựng phát hiện hóa đơn điện tử có sai sót thì khai bổ sung hồ sơ khai thuế GTGT thế nào? “Minh Anh-Quảng Ninh”

Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

Ngày 15/9/2023, Cục thuế thành phố Hà Nội có Công văn 67047/CTHN-TTHT về chính sách thuế GTGT. 

Theo đó, Cục Thuế TP Hà Nội nhận được Công văn của Trung tâm Kỹ thuật đường bộ 1 vướng mắc về chính sách thuế GTGT, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:

1. Hướng dẫn lập hóa đơn điều chỉnh khi hóa đơn điện tử có sai sót

Căn cứ Khoản 2 Điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về xử lý hóa đơn có sai sót như sau:

2. Trường hợp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế đã gửi cho người mua mà người mua hoặc người bán phát hiện có sai sót thì xử lý như sau:

a) Trường hợp có sai sót về tên, địa chỉ của người mua nhưng không sai mã số thuế, các nội dung khác không sai sót thì người bán thông báo cho người mua về việc hóa đơn có sai sót và không phải lập lại hóa đơn. Người bán thực hiện thông báo với cơ quan thuế về hóa đơn điện tử có sai sót theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định này, trừ trường hợp hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế có sai sót nêu trên chưa gửi dữ liệu hóa đơn cho cơ quan thuế.

b) Trường hợp có sai: mã số thuế; sai sót về số tiền ghi trên hóa đơn, sai về thuế suất, tiền thuế hoặc hàng hóa ghi trên hóa đơn không đúng quy cách, chất lượng thì có thể lựa chọn một trong hai cách sử dụng hóa đơn điện tử như sau:

b1) Người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót. Trường hợp người bán và người mua có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn điều chỉnh cho hóa đơn đã lập có sai sót thì người bán và người mua lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, sau đó người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót.

Hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn điện tử đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Điều chỉnh cho hóa đơn Mẫu số... ký hiệu... số... ngày... tháng... năm”.

b2) Người bán lập hóa đơn điện tử mới thay thế cho hóa đơn điện tử có sai sót trừ trường hợp người bán và người mua có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn thay thế cho hóa đơn đã lập có sai sót thì người bán và người mua lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, sau đó người bán lập hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn đã lập có sai sót.

Hóa đơn điện tử mới thay thế hóa đơn điện tử đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Thay thế cho hóa đơn Mẫu số... ký hiệu... số... ngày... tháng... năm”.

Người bán ký số trên hóa đơn điện tử mới điều chỉnh hoặc thay thế cho hóa đơn điện tử đã lập có sai sót sau đó người bán gửi cho người mua (đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế) hoặc gửi cơ quan thuế để cơ quan thuế cấp mã cho hóa đơn điện tử mới để gửi cho người mua (đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế).

c) Đối với ngành hàng không thì hóa đơn đổi, hoàn chứng từ vận chuyển hàng không được coi là hóa đơn điều chỉnh mà không cần có thông tin “Điều chỉnh tăng/giảm cho hóa đơn Mẫu số... ký hiệu... ngày... tháng... năm”. Doanh nghiệp vận chuyển hàng không được phép xuất hóa đơn của mình cho các trường hợp hoàn, đổi chứng từ vận chuyển do đại lý xuất.

Ngoài ra, Điều 7 Thông tư 78/2021/TT-BTC ngày 17/9/2021 quy định về xử lý hóa đơn điện tử đã gửi cơ quan thuế có sai sót về giá trị trên hóa đơn như sau:

1. Đối với hóa đơn điện tử:

... 

e) Riêng đối với nội dung về giá trị trên hóa đơn có sai sót thì: điều chỉnh tăng (ghi dấu dương), điều chỉnh giảm (ghi dấu âm) đúng với thực tế điều chỉnh...”

Như vậy, trường hợp hóa đơn điện tử đã lập theo quy định tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP mà hóa đơn này có sai sót thì thực hiện lập hóa đơn điều chỉnh theo hướng dẫn tại điểm e Khoản 1 Điều 7 Thông tư 78/2021/TT-BTC.

2. Hướng dẫn kê khai thuế GTGT đối với hoá đơn điều chỉnh

Căn cứ Điều 47 Luật Quản lý thuế 2019 quy định về khai bổ sung hồ sơ khai thuế như sau “Người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp cho cơ quan thuế có sai sót thì được khai bổ sung hồ sơ khai thuế trong thời hạn 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế có sai sót nhưng trước khi cơ quan thuế; cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định thanh tra, kiểm tra.”

Đồng thời, tại khoản 4 Điều 7 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định người nộp thuế được nộp hồ sơ khai bổ sung cho từng hồ sơ khai thuế có sai, sót theo quy định tại Điều 47 Luật Quản lý thuế và theo mẫu quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính. 

Người nộp thuế khai bổ sung như sau:

- Trường hợp khai bổ sung không làm thay đổi nghĩa vụ thuế thì chỉ phải nộp Bản giải trình khai bổ sung và các tài liệu có liên quan, không phải nộp Tờ khai bổ sung.

Trường hợp chưa nộp hồ sơ khai quyết toán thuế năm thì người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế của tháng, quý có sai, sót, đồng thời tổng hợp số liệu khai bổ sung vào hồ sơ khai quyết toán thuế năm.

Trường hợp đã nộp hồ sơ khai quyết toán thuế năm thì chỉ khai bổ sung hồ sơ khai quyết toán thuế năm; riêng trường hợp khai bổ sung tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân đối với tổ chức, cá nhân trả thu nhập từ tiền lương, tiền công thì đồng thời phải khai bổ sung tờ khai tháng, quý có sai, sót tương ứng.

- Người nộp thuế khai bổ sung dẫn đến tăng số thuế phải nộp hoặc giảm số thuế đã được ngân sách nhà nước hoàn trả thì phải nộp đủ số tiền thuế phải nộp tăng thêm hoặc số tiền thuế đã được hoàn thừa và tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước (nếu có).

Trường hợp khai bổ sung chỉ làm tăng hoặc giảm số thuế giá trị gia tăng còn được khấu trừ chuyển kỳ sau thì phải kê khai vào kỳ tính thuế hiện tại. Người nộp thuế chỉ được khai bổ sung tăng số thuế giá trị gia tăng đề nghị hoàn khi chưa nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế tiếp theo và chưa nộp hồ sơ đề nghị hoàn thuế.

Như vậy, khi công ty phát hiện hóa đơn điện tử đã lập có sai sót thực hiện kê khai điều chỉnh tại kỳ tính thuế có sai sót theo quy định tại Điều 47 Luật Quản lý thuế 2019 và khoản 4 Điều 7 Nghị định 126/2020/NĐ-CP.

3. Tỷ lệ thuế GTGT phải nộp đối với hoạt động xây dựng

Căn cứ Điều 13 Thông tư 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 quy định về khai thuế, tính thuế, phân bổ và nộp thuế giá trị gia tăng như sau:

- Các trường hợp được phân bổ:

+ Hoạt động kinh doanh xổ số điện toán;

+ Hoạt động chuyển nhượng bất động sản, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 11 Nghị định 126/2020/NĐ-CP;

+ Hoạt động xây dựng theo quy định của pháp luật về hệ thống ngành kinh tế quốc dân và quy định của pháp luật chuyên ngành;

+ Đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh là cơ sở sản xuất (bao gồm cả cơ sở gia công, lắp ráp), trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 11 Nghị định 126/2020/NĐ-CP;

+ Nhà máy thủy điện nằm trên nhiều tỉnh.

- Phương pháp phân bổ:

+ Phân bổ thuế giá trị gia tăng phải nộp đối với hoạt động xây dựng:

Số thuế giá trị gia tăng phải nộp cho từng tỉnh của hoạt động xây dựng bằng (=) doanh thu chưa có thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động xây dựng tại từng tỉnh nhân (x) với 1%.

Như vậy, trường hợp Công ty có số thuế giá trị gia tăng phải nộp cho từng tỉnh của hoạt động xây dựng thì được xác định bằng (=) doanh thu chưa có thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động xây dựng tại từng tỉnh nhân (x) với 1% theo quy định tại điểm c Khoản 2 Điều 13 Thông tư 80/2021/TT-BTC

Bùi Thị Như Ý
68473

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]