27/09/2023 11:37

Hướng dẫn hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động trong doanh nghiệp nhỏ và vừa

Hướng dẫn hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động trong doanh nghiệp nhỏ và vừa

Tôi được biết có đang có dự thảo về hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động trong doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vây nội dung cụ thể thế nào? “Vĩnh An-Quảng Ninh”

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

Bộ LĐ-TB&XH đang dự thảo Thông tư hướng dẫn việc hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Dự thảo Thông tư: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2023/Du-thao-thong-tu-huong-doanh-nghiep--nho-va-vua.doc

1. Điều kiện đối với lao động được hỗ trợ đào tạo nghề

Theo đó, Dự thảo nêu rõ điều kiện đối với lao động được hỗ trợ đào tạo nghề như sau:

- Người lao động có đủ các điều kiện quy định tại Khoản 4 Điều 14 Nghị định 80/2021/NĐ-CP, được doanh nghiệp cử tham gia các khóa đào tạo nghề trình độ sơ cấp hoặc chương trình đào tạo dưới 03 tháng, thì được hỗ trợ chi phí đào tạo. Các chi phí còn lại do doanh nghiệp nhỏ và vừa và người lao động thỏa thuận

- Trong số các đối tượng nêu trên, ưu tiên hỗ trợ đào tạo nghề đối với người lao động thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh và người lao động làm việc trong các doanh nghiệp hoạt động ở các địa bàn nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các doanh nghiệp do nữ làm chủ.

Tại Khoản 4 Điều 14 Nghị định 80/2021/NĐ-CP quy định về hỗ trợ đào tạo nghề cho nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa như sau:

Hỗ trợ chi phí đào tạo cho người lao động của doanh nghiệp nhỏ và vừa khi tham gia khóa đào tạo nghề trình độ sơ cấp hoặc chương trình đào tạo từ 03 tháng trở xuống. 

Các chi phí còn lại do doanh nghiệp nhỏ và vừa và người lao động thỏa thuận. 

Người lao động tham gia khóa đào tạo phải đáp ứng điều kiện đã làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa tối thiểu 06 tháng liên tục trước khi tham gia khoá đào tạo.

2. Ngành nghề được hỗ trợ đào tạo

Theo Dự thảo thì các ngành nghề được hỗ trợ đào tạo bao gồm:

- Ngành nghề được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp hoặc chương trình đào tạo dưới 3 tháng do doanh nghiệp lựa chọn, xác định trên cơ sở ngành, nghề đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp và có trong danh mục ngành nghề được UBND cấp tỉnh phê duyệt theo quy định tại Quyết định 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015.

Đối với các ngành, nghề chưa có trong danh mục được UBND cấp tỉnh phê duyệt. Doanh nghiệp đề xuất Sở LĐ-TB&XH để tổng hợp, xem xét trình UBND cấp tỉnh phê duyệt để làm căn cứ thực hiện.

- Doanh nghiệp được lựa chọn cơ sở đào tạo nghề nghiệp trong địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi doanh nghiệp hoạt động, có ngành nghề đào tạo theo quy định để cử người lao động tham gia các khóa đào tạo nghề.

3. Trách nhiệm của doanh nghiệp nhỏ và vừa

Dự thảo cũng nêu rõ trách nhiệm của doanh nghiệp nhỏ và vừa như sau:

- Thông tin, phổ biến chính sách hỗ trợ đào tạo nghề đối với người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và hướng dẫn này.

- Hàng năm, đề xuất kế hoạch hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động đang làm việc trong doanh nghiệp, theo hướng dẫn của Sở LĐ-TB&XH nơi doanh nghiệp hoạt động với các nội dung chủ yếu: 

+ Đánh giá kết quả hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp năm trước (nếu có); 

+ Dự kiến kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; 

+ Dự kiến số lượng lao động cần đào tạo, ngành nghề đào tạo, hình thức đào tạo và các nội dung khác có liên quan.

- Lựa chọn ngành nghề đào tạo, cơ sở đào tạo nghề nghiệp và cử người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp tham gia khóa đào tạo nghề theo quy định. 

Chịu trách nhiệm về việc lựa chọn, đề xuất việc cử người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp tham gia khóa đào tạo nghề theo quy định của pháp luật.

- Chi trả tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người học trong thời gian đi học theo quy định tại Khoản 3 Điều 62 Bộ luật Lao động và các chi phí khác (nếu có) theo quy định tại Điều 144 Bộ luật Lao động

Các chi phí còn lại do doanh nghiệp thỏa thuận với người lao động khi cử tham gia các khóa đào tạo nghề.

- Tham gia giám sát việc tổ chức đào tạo nghề của các cơ sở đào tạo nghề nghiệp đối với người lao động do doanh nghiệp cử đi học và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trong báo cáo lao động hàng năm gửi Sở LĐ-TB&XH theo quy định tại Khoản 2 Điều 60 Bộ luật Lao động.

4. Trách nhiệm của người học là lao động đang làm việc trong doanh nghiệp

Đồng thời, Dự thảo cũng thể hiện người học là lao động đang làm việc trong doanh nghiệp có những trách nhiệm sau đây:

- Tìm hiểu và có quyền yêu cầu doanh nghiệp phổ biến, hướng dẫn để nắm được các chính sách, quy định về hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động làm việc trong doanh nghiệp và yêu cầu đào tạo, phát triển nhân lực phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

- Thực hiện quyền lựa chọn, đề xuất với doanh nghề về ngành nghề đào tạo, cơ sở đào tạo nghề nghiệp, địa điểm đào tạo, hình thức đào tạo, thời gian tham gia khóa đào tạo và các hỗ trợ cần thiết khác khi tham gia khóa đào tạo nghề phù hợp với quy định của pháp luật và quy định của doanh nghiệp.

- Kê khai đúng, đầy đủ về bản thân và chịu trách nhiệm về những nội dung đã kê khai trong hồ sơ nhập học. Tham gia đầy đủ theo chương trình đào tạo của khóa học. Chấp hành các quy định của lớp học, của cơ sở đào tạo nghề nghiệp.

- Báo cáo kết quả tham gia khóa đào tạo nghề và chấp hành sự phân công của doanh nghiệp sau khi kết thúc khóa đào tạo nghề.

Dự thảo Thông tư: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2023/Du-thao-thong-tu-huong-doanh-nghiep--nho-va-vua.doc

Bùi Thị Như Ý
1248

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]