18/04/2024 16:58

Hướng dẫn hồ sơ, thủ tục xin giấy phép phòng cháy, chữa cháy 2024

Hướng dẫn hồ sơ, thủ tục xin giấy phép phòng cháy, chữa cháy 2024

Cho tôi hỏi thủ tục xin giấy phép phòng cháy, chữa cháy hiện nay như thế nào? Hồ sơ bao gồm những gì? (Gia Huy - Đồng Nai)

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Đối tượng nào phải xin giấy phép phòng cháy, chữa cháy?

Theo khoản 3 Điều 13 Nghị định 136/2020/NĐ-CP (sửa đổi bởi điểm b khoản 5 Điều 1 Nghị định 50/2024/NĐ-CP) quy định về đối tượng thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy, thì các đối tượng sau đây phải xin cấp phép phòng cháy chữa cháy: 

- Dự án, công trình quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định 50/2024/NĐ-CP khi xây dựng mới hoặc khi cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng dẫn đến một trong các trường hợp sau: 

+ Làm tăng quy mô về số tầng hoặc diện tích khoang cháy; 

+ Thay đổi chủng loại, vị trí thang bộ thoát nạn; 

+ Giảm số lượng lối thoát nạn của tầng, khoang cháy, công trình; 

+ Lắp mới hoặc thay thế hệ thống báo cháy; 

+ Lắp mới hoặc thay thế hệ thống chữa cháy; 

+ Thay đổi công năng làm nâng cao các yêu cầu an toàn cháy đối với tầng nhà, khoang cháy và công trình;

- Phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy (gồm: phương tiện giao thông đường sắt, phương tiện đường thủy có chiều dài từ 20 m trở lên vận chuyển hành khách, vận chuyển xăng, dầu, chất lỏng dễ cháy, khí cháy, vật liệu nổ, hóa chất có nguy hiểm về cháy, nổ) khi chế tạo mới hoặc hoán cải ảnh hưởng đến một trong các yêu cầu an toàn phòng cháy và chữa cháy quy định tại điểm c khoản 5 Điều 13 Nghị định 136/2020/NĐ-CP.

Việc xin cấp giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy giúp doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đảm bảo an toàn về các hoạt động liên quan đến phòng cháy, chữa cháy, hạn chế tối đa các nguy cơ về cháy nổ, tăng khả năng xử lý các vấn đề bất ngờ, dập tắt đám cháy nhanh chóng, từ đó giảm thiểu các thiệt hại về người và tài sản. 

2. Hồ sơ xin giấy phép phòng cháy, chữa cháy mới nhất 2024

Căn cứ vào khoản 4 Điều 13 Nghị định 136/2020/NĐ-CP (sửa đổi bởi điểm c khoản 5 Điều 1 Nghị định 50/2024/NĐ-CP), thì hồ sơ xin cấp phép phòng cháy chữa cháy tùy từng trường hợp cũng sẽ khác nhau bởi loại đối tượng xin cấp phép và cơ quan có thẩm quyền cấp phép như sau:

Đối với thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công dự án, công trình xây dựng mới: 

- Văn bản đề nghị thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy của chủ đầu tư (Mẫu số PC06); 

- Văn bản về chủ trương đầu tư xây dựng công trình theo quy định pháp luật về đầu tư, đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư hoặc văn bản chứng minh quyền sử dụng đất đối với dự án, công trình; 

- Dự toán xây dựng công trình; hồ sơ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công thể hiện những nội dung yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy quy định tại Điều 11 Nghị định 136/2020/NĐ-CP;

Đối với thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công dự án, công trình cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng hoặc thiết kế điều chỉnh theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 14 Nghị định 136/2020/NĐ-CP

- văn bản đề nghị thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy của chủ đầu tư (Mẫu số PC06);

- Dự toán xây dựng công trình đối với phần cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng; 

- Hồ sơ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công thể hiện những nội dung yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy quy định tại Điều 11 Nghị định 136/2020/NĐ-CP;

Đối với thiết kế kỹ thuật phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy: 

- Văn bản đề nghị thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy của chủ đầu tư, chủ phương tiện (Mẫu số PC06); 

- Dự toán tổng mức đầu tư phương tiện; hồ sơ thiết kế kỹ thuật thể hiện những nội dung yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy quy định tại điểm b và điểm c khoản 1, điểm b, c, d và điểm e khoản 3 Điều 8 Nghị định 136/2020/NĐ-CP;

Lưu ý: 

- Văn bản, giấy tờ có trong hồ sơ là bản chính hoặc bản chứng thực hoặc bản sao hoặc bản chụp kèm theo bản chính để cán bộ tiếp nhận hồ sơ đối chiếu. 

- Bản vẽ và bản thuyết minh thiết kế phải có xác nhận của chủ đầu tư hoặc chủ phương tiện.

3. Thủ tục xin giấy phép phòng cháy, chữa cháy mới nhất 2024

Thủ tục xin cấp giấy phép phòng cháy chữa cháy được thực hiện như sau:

Bước 1: 

Nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép: Tùy vào đối tượng xin cấp giấy thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép là:

- Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đối với dự án, công trình quy định tại Phụ lục Va ban hành kèm theo Nghị định 50/2024/NĐ-CP;

- Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đối với dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới quy định tại Phụ lục Vb ban hành kèm theo Nghị định 50/2024/NĐ-CP trên địa bàn quản lý và những trường hợp do Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ủy quyền.

(Quy định tại khoản 12 Điều 13 Nghị định 136/2020/NĐ-CP, sửa đổi bởi điểm e khoản 5 Điều 1 Nghị định 50/2024/NĐ-CP).

Người đến nộp hồ sơ phải có giấy giới thiệu hoặc giấy ủy quyền, xuất trình thẻ CCCD/CMND hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng

Bước 2: 

Nếu hồ sơ hợp lệ, đủ thành phần thì tiếp nhận hồ sơ: viết phiếu biên nhận hồ sơ cho người nộp hồ sơ

Nếu hồ sơ không hợp lệ, thiếu thành phần thì trả lại: viết phiếu hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung hoàn chỉnh.

Bước 3: 

Cá nhân, tổ chức tiến hành nộp phí thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy theo thông báo nộp phí của cơ quan cấp phép.

Bước 4: 

Căn cứ theo ngày hẹn trên phiếu biên nhận hồ sơ, các cá nhân, tổ chức đến nơi nộp hồ sơ để nhận kết quả.

Thời hạn giải quyết: Trong vòng 07-15 ngày làm việc tùy từng loại hồ sơ.

Nguyễn Phạm Hoàng Thuy
14839

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]