Theo quy định Điều 23 Thông tư 69/2024/TT-BQP quy định chung về trình tự đăng ký xe đối với xe quân sự như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ
Cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng có trách nhiệm lập 01 bộ hồ sơ đăng ký đối với từng trường hợp xe quân sự theo quy định rồi gửi qua mạng quân sự hoặc trực tiếp hoặc quân bưu về Cục Xe máy - Vận tải/Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật.
Bước 2: Giải quyết hồ sơ
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cục Xe máy - Vận tải/Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật có trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ trình Cục trưởng Cục Xe máy - Vận tải/Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật ký duyệt; đối với trường hợp gửi hồ sơ qua mạng quân sự, đơn vị có trách nhiệm gửi bổ sung hồ sơ gốc để kiểm tra tính hợp lệ trước khi trình Cục trưởng Cục Xe máy-Vận tải/Tổng cục Hậu cần -Kỹ thuật ký duyệt.
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Cục Xe máy - Vận tải/Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật có văn bản yêu cầu cơ quan, đơn vị bổ sung, thời gian bổ sung hồ sơ không được tính vào thời hạn giải quyết.
Bước 3: Nhận kết quả
Sau khi Cục trưởng Cục Xe máy - Vận tải/Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật phê duyệt hồ sơ đăng ký, Cục Xe máy - Vận tải/Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật cấp biển số, Chứng nhận đăng ký, lý lịch xe cho cơ quan, đơn vị. Cá nhân được giao nhiệm vụ nhận biển số xe, Chứng nhận đăng ký, lý lịch xe phải trình Giấy giới thiệu và ký sổ giao nhận.
Theo quy định Điều 17 Thông tư 69/2024/TT-BQP thì hồ sơ đăng ký đối với xe quân sự được cho tặng, viện trợ gồm các giấy tờ sau:
- Quyết định của Tổng Tham mưu trưởng đưa vào trang bị quân sự.
- Bản khai đăng ký xe quân sự theo quy định tại Mẫu số 01a, Mẫu số 01b Phụ lục I kèm theo Thông tư 69/2024/TT-BQP.
- Chứng từ nguồn gốc xe theo quy định tại Điều 9 Thông tư 69/2024/TT-BQP.
- Văn bản cho tặng của bên cho tặng (đối với xe quân sự được cho tặng).
- Văn bản của Bộ Quốc phòng xác nhận đối với xe viện trợ (đối với xe quân sự được viện trợ).
Trong đó, chứng từ nguồn gốc xe theo quy định tại Điều 9 Thông tư 69/2024/TT-BQP được quy định như sau:
- Đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước: Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng.
- Đối với xe nhập khẩu thuộc diện cho, tặng; viện trợ; nhập khẩu phi mậu dịch, nhập khẩu là tài sản di chuyển (nhập khẩu trực tiếp), bao gồm:
+ Tờ khai hải quan theo quy định của Bộ Tài chính;
+ Giấy phép nhập khẩu đối với xe cho tặng;
+ Giấy xác nhận viện trợ của Bộ Tài chính đối với xe viện trợ;
+ Biên lai thu thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe nhập khẩu phi mậu dịch, xe nhập khẩu là tài sản di chuyển.
Lưu ý: Đối với trường hợp mất chứng từ nguồn gốc xe quân sự, cơ quan, đơn vị có văn bản giải trình kèm theo bản sao chứng từ nguồn gốc xe cơ giới, xe máy chuyên dùng của cơ quan đã cấp chứng từ đó.
Theo quy định tại Điều 11 Thông tư 69/2024/TT-BQP, những hành vi nghiêm cấm bao gồm:
- Giả mạo hồ sơ; làm thay đổi số khung, số máy; sửa chữa, tẩy xóa, thay đổi các thông tin ghi trên Chứng nhận đăng ký.
- Tự sản xuất, sử dụng biển số xe không đúng quy định tại Điều 4 Thông tư 69/2024/TT-BQP; mua, bán, thuê, mượn, cho thuê, cho mượn, thế chấp xe, biển số xe, Chứng nhận đăng ký xe quân sự.
- Thay thế động cơ không rõ nguồn gốc hoặc nguồn gốc không hợp pháp.
- Cung cấp giấy tờ xe quân sự cho người và phương tiện không thuộc thẩm quyền, điều kiện tham gia giao thông đường bộ.
- Sử dụng xe quân sự không đúng mục đích; liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân ngoài Quân đội.
- Giao xe quân sự cho người không đủ điều kiện điều khiển tham gia giao thông đường bộ.
- Điều khiển xe quân sự khi không được giao nhiệm vụ (trừ các trường hợp làm nhiệm vụ đặc biệt hoặc kiểm tra tình trạng kỹ thuật xe).
Như vậy, khi đăng ký xe, quản lý, sử dụng xe quân sự cần lưu ý về 07 hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 11 Thông tư 69/2024/TT-BQP.
Xem nội dung chi tiết tại Thông tư 69/2024/TT-BQP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025 và thay thế Thông tư 169/2021/TT-BQP.