Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau:
Ngày 27/02/2024, Tổng cục Thuế có Công văn 684/TCT-DNNCN về chính sách thuế TNCN đối với các khoản bảo hiểm bắt buộc đóng tại nước ngoài. Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
Căn cứ tại điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định 65/65/2013/NĐ-CP, thu nhập tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, thu nhập từ tiền lương, tiền công được xác định bằng thu nhập chịu thuế từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công quy định tại Điều 7 và Điều 11 Nghị định 65/65/2013/NĐ-CP trừ trường hợp các khoản đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành, nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc, Quỹ hưu trí tự nguyện:
- Mức đóng vào Quỹ hưu trí tự nguyện được trừ ra khỏi thu nhập tính thuế tối đa không quá một triệu đồng/tháng (12 triệu đồng/năm) theo hướng dẫn của Bộ Tài chính;
- Trường hợp cá nhân cư trú tại Việt Nam nhưng làm việc tại nước ngoài có thu nhập từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công ở nước ngoài đã tham gia đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc theo quy định của quốc gia nơi cá nhân đóng các loại bảo hiểm này như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành, nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc thì được trừ các khoản phí bảo hiểm đó vào thu nhập chịu thuế khi xác định thu nhập tính thuế từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công.
Bên cạnh đó, tại điểm c khoản 2 Điều 9 Thông 111/2013/TT-BTC quy định rằng:
- Người nước ngoài là cá nhân cư trú tại Việt Nam, người Việt Nam là cá nhân cư trú nhưng làm việc tại nước ngoài có thu nhập từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công ở nước ngoài đã tham gia đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc theo quy định của quốc gia nơi cá nhân cư trú mang quốc tịch hoặc làm việc tương tự quy định của pháp luật Việt Nam như BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp bắt buộc và các khoản bảo hiểm bắt buộc khác (nếu có) thì được trừ các khoản phí bảo hiểm đó vào thu nhập chịu thuế từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công khi tính thuế thu nhập cá nhân.
- Cá nhân người nước ngoài và người Việt Nam có tham gia đóng các khoản bảo hiểm nêu trên ở nước ngoài sẽ được tạm giảm trừ ngay vào thu nhập để khấu trừ thuế trong năm (nếu có chứng từ) và tính theo số chính thức nếu cá nhân thực hiện quyết toán thuế theo quy định. Trường hợp không có chứng từ để tạm giảm trừ trong năm thì sẽ giảm trừ một lần khi quyết toán thuế.
Về người nộp thuế TNCN được quy định tại Điều 1 Thông tư 111/2013/TT-BTC (đã được sửa đổi bởi Điều 2 Thông tư 119/2014/TT-BTC) như sau:
- Phạm vi xác định thu nhập chịu thuế đối với cá nhân cư trú, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập.
- Phạm vi xác định thu nhập chịu thuế đối với cá nhân không cư trú, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh tại Việt Nam, không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập.
Tại Điều 1, Điều 2 Nghị định 143/2018/NĐ-CP quy định về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Nghị định này như sau:
- Phạm vi điều chỉnh: Nghị định này quy định chi tiết Luật bảo hiểm xã hội và Luật an toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
- Đối tượng áp dụng:
+ Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.
+ Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 143/2018/NĐ-CP không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Nghị định này khi di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 11/2016/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, tại Điều 1, Điều 2 và Điều 3 Nghị định 152/2020/NĐ-CP (thay thế Nghị định 11/2016/NĐ-CP) quy định như sau:
- Nghị định 152/2020/NĐ-CP quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.
- Lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam theo các hình thức di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp là một trong những đối tượng áp dụng của Nghị định 152/2020/NĐ-CP.
- Người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật của một doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam, di chuyển tạm thời trong nội bộ doanh nghiệp sang hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam và đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng trước đó ít nhất 12 tháng liên tục.
Như vậy, căn cứ vào những quy định về thuế TNCN và BHXH thì trường hợp cá nhân cư trú tại Việt Nam được cử sang Việt Nam làm việc theo diện lao động di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp, có thu nhập từ tiền lương, tiền công ở nước ngoài, đã đóng các khoản phí bảo hiểm bắt buộc theo quy định của quốc gia nơi cá nhân mang quốc tịch tương tự như các khoản bảo hiểm bắt buộc theo quy định của pháp luật Việt Nam thì được trừ các khoản phí bảo hiểm đó khi xác định thu nhập chịu thuế TNCN tại Việt Nam.