24/05/2024 14:47

Hướng dẫn cách xác định giá dịch vụ tại cảng biển từ ngày 01/7/2024

Hướng dẫn cách xác định giá dịch vụ tại cảng biển từ ngày 01/7/2024

Cho tôi hỏi giá dịch vụ cảng biển từ ngày 01/7/2024 được tính như thế nào? Anh Thanh Hoàng (Quảng Nam)

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Quy định mới về cơ chế, chính sách quản lý giá dịch vụ tại cảng biển

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải mới vừa ban hành Thông tư 12/2024/TT-BGTVT quy định về cơ chế, chính sách quản lý giá dịch vụ tại cảng biển Việt Nam vào ngày 15/5/2024.

Một trong những điểm đáng chú ý của Thông tư 12/2024/TT-BGTVT là việc hướng dẫn xác định giá dich vụ tại cảng biển, bao gồm: giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải; khung giá dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo; khung giá dịch vụ bốc dỡ container; khung giá dịch vụ lai dắt tàu biển.

Thông tư 12/2024/TT-BGTVT sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.

2. Hướng dẫn cách xác định giá dịch vụ tại cảng biển từ ngày 01/7/2024

Theo đó, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tại cảng biển quyết định mức giá cụ thể không cao hơn giá tối đa đối với dịch vụ hoa tiêu hàng hải hoặc thuộc khung giá đối với dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo; dịch vụ bốc dỡ container; dịch vụ lai dắt tại cảng biển theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Cụ thể cách xác định giá dich vụ tại cảng biển của các dịch vụ này được tính như sau:

(1) Giá dịch vụ hoa tiêu hàng hải

Theo Điều 8 Thông tư 12/2024/TT-BGTVT thì:

- Tổng dung tích (GT) là một trong các đơn vị cơ sở để tính giá dịch vụ hoa tiêu, trong đó:

+ Đối với tàu thuyền chở hàng lỏng: dung tích toàn phần tính bằng 85% GT lớn nhất ghi trong giấy chứng nhận do cơ quan đăng kiểm cấp cho tàu thuyền theo quy định, không phân biệt tàu có hay không có két nước dằn;

+ Đối với tàu thuyền chở khách: dung tích toàn phần tính bằng 50% GT lớn nhất ghi trong giấy chứng nhận do cơ quan đăng kiểm cấp cho tàu thuyền theo quy định.

- Khi hoa tiêu đã hoàn thành việc dẫn tàu, nếu thuyền trưởng vẫn giữ hoa tiêu lại sẽ tính thêm tiền chờ đợi và tiền chờ đợi được tính theo số giờ giữ lại thực tế.

- Trường hợp hoa tiêu đã lên tàu mà người yêu cầu hoa tiêu huỷ bỏ yêu cầu hoa tiêu thì người yêu cầu hoa tiêu phải trả 80% số tiền tính giá dịch vụ hoa tiêu theo cự ly dẫn tàu đã yêu cầu hoa tiêu trước đó.

(2) Giá dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo

Giá dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo được quy định tại Điều 9 Thông tư 12/2024/TT-BGTVT như sau:

- Tàu thuyền neo, buộc tại nhiều vị trí trong khu nước, vùng nước thuộc khu vực hàng hải của một cảng biển thì giá dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo được tính bằng tổng thời gian thực tế neo, buộc tại từng vị trí.

- Trường hợp tàu thuyền không làm hàng được do thời tiết với thời gian trên 24 giờ liên tục hoặc phải nhường cầu cho tàu thuyền khác theo lệnh điều động của Giám đốc cảng vụ hàng hải thì không tính giá dịch vụ cầu, bến, phao neo trong thời gian không làm hàng.

- Tổng GT là một trong các đơn vị cơ sở để tính giá dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, trong đó:

+ Đối với tàu thuyền chở hàng lỏng: dung tích toàn phần tính bằng 85% GT lớn nhất ghi trong giấy chứng nhận do cơ quan đăng kiểm cấp cho tàu thuyền theo quy định, không phân biệt tàu có hay không có két nước dằn;

+ Đối với tàu thuyền chở khách: dung tích toàn phần tính bằng 100% GT lớn nhất ghi trong giấy chứng nhận do cơ quan đăng kiểm cấp cho tàu thuyền theo quy định.

(3) Giá dịch vụ bốc dỡ container

- Giá dịch vụ bốc dỡ đối với container hàng hoá quá khổ, quá tải, container chứa hàng nguy hiểm, container có yêu cầu bốc dỡ, chất xếp, bảo quản đặc biệt mà phát sinh thêm chi phí, khung giá áp dụng không vượt quá 150% khung giá theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Trong trường hợp doanh nghiệp cảng biển phải bố trí thêm các thiết bị chuyên dùng để hỗ trợ việc bốc, dỡ hàng hóa, giá dịch vụ của thiết bị phát sinh do hai bên tự thỏa thuận.

- Đối với các tuyến container mới tại các bến cảng Khu vực II và các bến cảng thuộc khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, doanh nghiệp cảng được phép áp dụng khung giá dịch vụ bốc dỡ container bằng 80% khung giá theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trong thời hạn 03 năm kể từ ngày chính thức mở tuyến mới.

(Theo Điều 10 Thông tư 12/2024/TT-BGTVT).

(4) Giá dịch vụ lai dắt

Cách tính giá dịch vụ lai dắt tàu thuyền cụ thể như sau:

Thời gian lai dắt thực tế được tính từ thời điểm tàu lai bắt đầu thực hiện việc hỗ trợ lai, kéo, đẩy tàu thuyền được lai cho đến khi kết thúc việc hỗ trợ lai, kéo, đẩy tàu thuyền được lai theo yêu cầu của thuyền trưởng tàu được lai và hoa tiêu hàng hải dẫn tàu.

Trường hợp thời gian lai dắt thực tế nhỏ hơn 01 giờ được phép làm tròn là 01 giờ. Thời gian lai dắt thực tế để tính giá dịch vụ tối đa là 02 giờ. Nếu trên 02 giờ phải có xác nhận của thuyền trưởng hoặc hoa tiêu dẫn tàu, giá lai dắt chỉ được tính bằng 10% khung giá của 01 giờ cho toàn bộ thời gian lai dắt vượt quá 02 giờ.

Các trường hợp khác được quy định tại Điều 11 Thông tư 12/2024/TT-BGTVT.

Trân trọng!

Đỗ Minh Hiếu
801

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]