Chào anh, Ban biên tập xin được giải đáp như sau:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BKHCN có định nghĩa:
Mã vạch là phương thức lưu trữ và truyền tải thông tin của mã số bằng: loại ký hiệu vạch tuyến tính (mã vạch một chiều); tập hợp điểm (Data Matrix, QRcode, PDF417 và các mã vạch hai chiều khác); chip nhận dạng qua tần số vô tuyến (RFID) và các công nghệ nhận dạng khác.
Mã số là một dãy số hoặc chữ được sử dụng để định danh sản phẩm, dịch vụ, địa điểm, tổ chức, cá nhân.
Có thể hiểu, mã vạch được xem như "chứng minh thư" của hàng hóa. Mã vạch sản phẩm bao gồm mã số và mã vạch được biểu hiện như sau:
+ Mã vạch là một dãy các vạch và khoảng trống song song xen kẽ được sắp xếp theo một quy tắc mã hóa nhất định.
+ Mã số là dãy mã số tương ứng nằm bên dưới mã vạch.
Hiện nay, có 02 loại mã vạch chuẩn thông dụng: Chuẩn EAN (sử dụng cho các thị trường Châu Âu, Châu Á và nhiều đất nước khác) và chuẩn UPC-A (sử dụng cho các mặt hàng từ Chây Mỹ).
Tại Việt Nam, phần lớn các sản phẩm trên thị trường áp dụng mã vạch EAN (European Article Number) của Tổ chức mã số sản phẩm quốc tế (International Article Numbering Association) với 13 chữ số được dán trên hàng hóa sản phẩm.
Thứ tự đọc mã số là từ trái sang phải, ý nghĩa của từng mã số như sau:
Mã quốc gia: Gồm 03 chữ số đầu được cấp bởi tổ chức mã số vật phẩm quốc tế. Tại Việt Nam mã quốc gia là 893 thì mặt hàng này được sản xuất ở Việt Nam, đối với các mã số khác có thể tham khảo tại Bảng mã vạch các quốc gia trên thế giới.
Bảng tra cứu mã số mã vạch các nước trên thế giới
Mã doanh nghiệp: Gồm từ bốn, năm hoặc sáu chữ số được cấp bởi tổ chức mã số vật phẩm quốc gia cấp cho các nhà sản xuất.
Mã mặt hàng: Gồm năm, bốn, hoặc ba chữ số tùy thuộc vào mã doanh nghiệp do nhà sản xuất quy định cho hàng hoá của mình. Mỗi mặt hàng sẽ có một mã số duy nhất không được sử dụng trùng lặp.
Số kiểm tra: Là số kiểm tra được tính dựa vào 12 con số trước đó, dùng để kiểm tra việc ghi đúng những con số nói trên.
Để nhận biết sản phẩm được xuất xứ từ quốc gia nào? Là hàng thật hay giả? chúng ta có thể kiểm tra mã vạch sản phẩm bằng các bước sau đây:
Bước 1: Xem 03 chữ số đầu tiên của mã vạch và đối chiếu với Bảng tra cứu mã số mã vạch các nước trên thế giới để biết được xuất xứ quốc gia của mặt hàng.
Ví dụ: Nếu 03 chữ số đầu là 893 thì mặt hàng này được sản xuất ở Việt Nam, nếu là 690, 691, 692, 693 là của Trung Quốc.
Bước 2: Sau đó, chúng ta kiểm tra tính hợp lệ của mã vạch, nếu mã vạch không hợp lệ thì có thể nghi ngờ sản phẩm đó là hàng giả, hàng nhái. Cách kiểm tra như sau:
Lấy tổng các con số hàng chẵn nhân 3 cộng với tổng với các chữ số hàng lẻ (trừ số thứ 13 ra, số thứ 13 là số để kiểm tra, đối chiếu). Sau đó lấy kết quả cộng với số thứ 13, nếu tổng có đuôi là 0 là mã vạch hợp lệ,còn nếu khác 0 là không hợp lệ, bước đầu nghi ngờ hàng giả, hàng nhái.
Ví dụ: Có một mã số trên hàng hóa như sau: 4977564000417
Cách tính sẽ là:
Tổng các con số hàng lẻ (trừ số cuối cùng) : A=4+7+5+4+0+4 = 24
Tổng các con số hàng chẵn: B=9+7+6+0+0+1 = 23
Bây giờ ta lấy: C = A + B*3 = 24+ 23*3= 93
Sau đó lấy số này cộng với con số thứ 13: D = C + 7 (con số ở vị trí cuối cùng) = 93+7=100, con số này có đuôi bằng 0 có thể kết luận đây là mã vạch hợp lệ, sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Ngoài ra, để thuận tiện hơn thì có thể truy cập đường link https://www.upcdatabase.com/itemform.asp, sau đó gõ 13 chữ số mã vạch vào ô trống. Nhấn “Look up UPC” sẽ cho ra kết quả mã vạch này có hợp lệ không hoặc hàng hóa xuất xứ từ nước nào.
Đồng thời, nếu dùng các loại điện thoại “smart phone” như Iphone, HTC, Samsung Galaxy ... có thể tìm hiểu và cài các phần mềm chụp ảnh, quét và nhận dạng mã vạch như BarcodeViet, Scan Life, Barcode Express Pro .... để kiểm tra.