29/11/2023 15:03

Hợp đồng lao động vô hiệu từng phần thì cần phải làm gì?

Hợp đồng lao động vô hiệu từng phần thì cần phải làm gì?

Tôi vừa thắng kiện trong một vụ án tranh chấp lao động, theo đó tòa án tuyên bố hợp đồng lao động bị vô hiệu từng phần do có nội dung vi phạm pháp luật. Mối quan hệ của tôi và công ty hiện không tốt đẹp, nhưng tôi vẫn muốn tiếp tục làm việc với công ty, vậy giờ tôi cần phải làm gì ? Thị Nghiệp - Đồng Nai

Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

Hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về công việc, tiền lương, điều kiện làm việc, cũng như quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

Theo đó, hợp đồng lao động hợp pháp sẽ có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận thời gian khác. Hợp đồng lao động giao kết không hợp pháp thì sẽ bị vô hiệu toàn bộ hoặc vô hiệu từng phần theo quy định pháp luật. Tòa án sẽ căn cứ theo nội dung trong hợp đồng và quy định pháp luật mà tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ hoặc vô hiệu từng phần, khi có một bên yêu cầu.

1. Hợp đồng lao động vô hiệu từng phần khi nào?

Theo khoản 2 Điều 49 Luật lao động 2019 quy định:

Điều 49 hợp đồng lao động vô hiệu

...

2. Hợp đồng lao động vô hiệu từng phần khi nội dung của phần đó vi phạm pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến các phần còn lại của hợp đồng.

Ví dụ: Hợp đồng lao động có phần nội dung thỏa thuận về tiền lương sẽ trả cho người lao động, nhưng tiền lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng mà pháp luật quy định hoặc các bên thỏa thuận, bên người sử dụng lao động sẽ giữ văn bằng đại học bảng gốc khi giao kết hợp đồng. Trong trường này, hợp đồng bị coi là vô hiệu từng phần, vì chỉ có một phần nội dung của hợp đồng là vi phạm pháp luật, còn các phần còn lại là phù hợp với quy định.

2. Hợp đồng lao động vô hiệu từng phần thì cần phải làm gì?

Tại Điều 9 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về xử lý hợp đồng lao động vô hiệu từng phần thì khi tòa án đã ra quyết định tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu từng phần, người lao động và người sử dụng lao động có nghĩa vụ phải tuân theo quyết định của tòa án và chủ động thực hiện theo một trong hai phương án sau:

+ Nếu các bên đều thống nhất tiếp tục thực hiện hợp đồng

Trong trường hợp các bên đồng ý tiếp tục thực hiện hợp đồng thì người sử dụng lao động và người lao động có thể điều chỉnh phần bị tuyên vô hiệu để phù hợp với thỏa ước lao động tập thể và quy định pháp luật hiện hành.

Trong thời gian từ khi bắt đầu làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu từng phần đến khi hợp đồng lao động được sửa đổi, bổ sung, quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động được giải quyết theo thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng. Trong trường hợp không có thỏa ước lao động tập thể, quy định của pháp luật sẽ được áp dụng.

Nếu hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu và mức lương thấp hơn so với quy định của pháp luật về lao động và thỏa ước lao động tập thể đang có hiệu lực, hai bên cần thống nhất lại mức lương phù hợp với quy định. Người sử dụng lao động có trách nhiệm xác định chênh lệch lương và hoàn trả cho người lao động tương ứng với thời gian làm việc thực tế theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu.

+ Nếu các bên không thống nhất tiếp tục thực hiện hợp đồng

Nếu các bên không thống nhất sửa đổi hợp đồng lao động cho phù hợp thì các bên thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động.

Quyền, nghĩa vụ, lợi ích của hai bên từ khi bắt đầu làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu từng phần đến khi chấm dứt hợp đồng lao động giải quyết theo thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng, trường hợp không có thỏa ước lao động tập thể thì thực hiện theo quy định của pháp luật.

Nếu tiền lương trong hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu do thấp hơn quy định pháp luật và thỏa ước lao động tập thể, hai bên phải đồng ý điều chỉnh mức lương theo quy định, và người sử dụng lao động cần hoàn trả chênh lệch lương cho người lao động tương ứng với thời gian làm việc thực tế. Cuối cùng là giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc cho người lao động nếu người lao động đủ điều kiện nhận trợ cấp theo quy định.

Như vậy, nếu người lao động vẫn mong muốn tiếp tục làm việc khi tòa án đã có tuyên bố hợp đồng bị vô hiệu từng phần, thì người lao động chỉ có thể thỏa thuận lại với người sử dụng lao động để tiếp tục làm việc, đồng thời sửa đổi nội dung trong hợp đồng lao động sao cho phù hợp với quy định pháp luật.

Trân trọng!

Nguyễn Ngọc Diện
857

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]