21/12/2019 07:56

Hợp đồng dịch vụ pháp lý giữa Luật sư và khách hàng kết thúc khi nào?

Hợp đồng dịch vụ pháp lý giữa Luật sư và khách hàng kết thúc khi nào?

Mỗi khi Luật sư làm tư vấn hay làm đại diện pháp lý cho một khách hàng nào đó thì hai bên có ký với nhau Hợp đồng dịch vụ pháp lý để thuận tiện trong việc thực hiện các công việc mà khách hàng đã yêu cầu.

Hợp đồng dịch vụ pháp lý chính là sự thỏa thuận giữa các bên. Theo đó, một bên cung cấp một hoặc nhiều dịch vụ pháp lý cho bên thuê dịch vụ để nhận thù lao, còn bên sử dụng dịch vụ pháp lý có nghĩa vụ thanh toán thù lao theo thỏa thuận. Vậy đối với loại hợp đồng này thì được xem là kết thúc thì khi nào?

Điển hình tại Bản án 62/2018/DS-PT ngày 02/11/2018 về tranh chấp hợp đồng dịch vụ pháp lý, theo đó:

“ Ngày 30/8/2015, ông Nguyễn L có ký hợp đồng dịch vụ pháp lý để nhờ ông Trần Cao N bảo vệ quyền lợi cho ông cho đến khi cơ quan có thẩm quyền thừa nhận quyền sử dụng đất của ông. Hợp đồng thỏa thuận là 90.000.000đồng nhưng ông N tham gia đường xá xa xôi đi lại tốn kém nên ông tự nguyện thêm cho ông N 10.000.000đồng. Tổng cộng 100.000.000đồng.

Sau khi nhận tiền, ông N hướng dẫn ông làm một số thủ tục. Nhưng trong quá trình thực hiện ông N phát hiện có văn bản bất lợi dẫn đến khả năng ông N không bảo vệ được cho ông nên buộc lòng ông rút đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh G để chờ ý kiến của ông N. Tòa án đã ra Quyết định đình chỉ vụ án. Qua nhiều lần trao đổi giữa ông và ông N về việc khởi kiện lại nhưng ông N không trả lời yêu cầu của ông mà gửi thư nói rằng “Do ông rút đơn khởi kiện nên luật sư không còn trách nhiệm nữa”. Ông L khởi kiện yêu cầu buộc ông Trần Cao N, trả lại ông số tiền 100.000.000đ và lãi suất tính từ ngày 16/9/2015 đến ngày 24/8/2018 là 35 tháng theo quy định của pháp luật."

Tòa án đã tuyên

Không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn vì: “Ngày 24/6/2016, ông Nguyễn L đã tự ý rút đơn khởi kiện và Tòa án đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án vào ngày 25/6/2016. Xét thấy, việc ông Nguyễn L rút đơn khởi kiện là hoàn toàn tự nguyện, không bị ai ép buộc, các chứng cứ của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh G vào ngày 24/6/2016 mà ông Nguyễn L đưa ra ông không chứng minh được việc ông rút đơn khởi kiện là do lỗi của ông N”.

Như vậy, có thể thấy rằng hợp đồng dịch vụ pháp lý giữa ông N và ông L kết thúc khi ông L rút đơn khởi kiện và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, không phải sẽ kết thúc khi cơ quan có thẩm quyền thừa nhận quyền sử dụng đất cho ông L.

Đối chiếu với quy định tại Điều 518, Điều 524 Bộ luật Dân sự năm 2005.

Điều 518. Hợp đồng dịch vụ

Hợp đồng dịch vụ là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên thuê dịch vụ, còn bên thuê dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.

Điều 524. Trả tiền dịch vụ

1. Bên thuê dịch vụ phải trả tiền dịch vụ theo thoả thuận.                                  

2. Khi giao kết hợp đồng nếu không có thoả thuận về giá dịch vụ, phương pháp xác định giá dịch vụ và không có bất kỳ chỉ dẫn nào khác về giá dịch vụ thì giá dịch vụ được xác định căn cứ vào giá thị trường của dịch vụ cùng loại tại thời điểm và địa điểm giao kết hợp đồng.

3. Bên thuê dịch vụ phải trả tiền dịch vụ tại địa điểm thực hiện công việc khi hoàn thành dịch vụ, nếu không có thoả thuận khác.

4. Trong trường hợp dịch vụ được cung ứng không đạt được như thoả thuận hoặc công việc không được hoàn thành đúng thời hạn thì bên thuê dịch vụ có quyền giảm tiền dịch vụ và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Thực tế có một số khách hàng nhầm tưởng rằng đã thuê luật sư (ký hợp đồng dịch vụ pháp lý) thì luật sư sẽ có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của mình cho tới khi mình đạt được kết quả mong muốn hay tới khi mình không muốn kiện nữa. Mà không biết rằng Luật sư chỉ bảo vệ trong phạm vi hợp đồng đã ký và sẽ kết thúc khi hết vụ kiện đó bất kể do tòa án giải quyết xong hay do nguyên đơn rút đơn kiện. Không phải khách hàng đã rút đơn kiện sau đó kiện lại thì buộc luật sư phải bảo vệ tiếp cho mình theo hợp đồng cũ đã ký trước đó.                

Thiết nghĩ trước khi hai bên ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với nhau thì phía luật sư cần giải thích rõ với khách hàng về trách nhiệm của mình tới đâu. Về phía khách hàng cũng cần tìm hiểu rõ về trách nhiệm luật sư đối với vụ việc của mình để tránh mâu thuẫn về sau.

Nguyễn Sáng
13055

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]