19/04/2024 18:16

Hợp đồng cầm cố tài sản là gì? Mẫu hợp đồng cầm cố tài sản mới nhất năm 2024

Hợp đồng cầm cố tài sản là gì? Mẫu hợp đồng cầm cố tài sản mới nhất năm 2024

Cho tôi hỏi hợp đồng cầm cố tài sản là gì? Mẫu hợp đồng cầm cố tài sản hiện nay như thế nào? (Đức Thọ - Lai Châu)

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Hợp đồng cầm cố tài sản là gì? 

Theo quy định tại Điều 309 Bộ luật Dân sự 2015 về cầm cố tài sản như sau:

Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

Như vậy, hợp đồng cầm cố tài sản là văn bản thỏa thuận giữa hai bên nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, theo đó bên cầm cố giao tài sản thuộc sở hữu của mình cùng các giấy tờ có liên quan cho bên nhận cầm cố giữ hoặc giao cho người thứ ba để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Bên nhận cầm cố hoặc người thứ ba có quyền chiếm hữu tài sản cho đến khi nghĩa vụ được bảo đảm hoàn thành hoặc có quyền xử lý tài sản theo thỏa thuận hoặc theo luật định khi bên cầm cố không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ

Đối tượng của hợp đồng cầm cố là các loại tài sản được quy định tại Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015, bao gồm:

- Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

- Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.

Ví dụ: A cho B vay tiền, để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trả tiền, bên B sẽ cầm cố tài sản là sổ đỏ đứng tên B cho bên A. Việc cầm cố này được thực hiện thông qua hợp đồng gọi là hợp đồng cầm cố tài sản.

 2. Có bắt buộc phải lập hợp đồng khi cầm cố tài sản?

Theo khoản 5 Điều 3 Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định về hợp đồng bảo đảm cụ thể như sau:

- Hợp đồng bảo đảm bao gồm hợp đồng cầm cố tài sản, hợp đồng thế chấp tài sản, hợp đồng đặt cọc, hợp đồng ký cược, hợp đồng ký quỹ, hợp đồng mua bán tài sản có bảo lưu quyền sở hữu, hợp đồng bảo lãnh hoặc hợp đồng tín chấp.

- Hợp đồng bảo đảm có thể là sự thỏa thuận giữa bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm hoặc thỏa thuận giữa bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm và người có nghĩa vụ được bảo đảm.

- Hợp đồng bảo đảm có thể được thể hiện bằng hợp đồng riêng hoặc là điều khoản về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong hình thức giao dịch dân sự khác phù hợp với quy định của pháp luật.

Như vậy,  hợp đồng cầm cố không bắt buộc phải lập hợp đồng bởi có thể thể hiện nội dung cầm cố bằng hợp đồng riêng hoặc là một điều khoản về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong các loại hợp đồng khác.

3. Mẫu hợp đồng cầm cố tài sản mới nhất năm 2024

Dưới đây là mẫu hợp đồng cầm cố tài sản mới nhất hiện nay, mời anh tham khảo qua:

Tải mẫu hợp đồng cầm cố tài sản mới nhất năm 2024: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2024/hop-dong-cam-co-tai-san-moi-nhat.doc

4. Cầm cố tài sản có hiệu lực khi nào?

Căn cứ tại Điều 310 Bộ luật Dân sự 2015 thì hiệu lực của cầm cố tài sản được quy định như sau:

- Hợp đồng cầm cố tài sản có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

- Cầm cố tài sản có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm bên nhận cầm cố nắm giữ tài sản cầm cố.

Trường hợp bất động sản là đối tượng của cầm cố theo quy định của luật thì việc cầm cố bất động sản có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký.

Việc cầm cố tài sản chấm dứt trong những trường hợp được quy định tại Điều 315 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

- Nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố chấm dứt.

- Việc cầm cố tài sản được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.

- Tài sản cầm cố đã được xử lý.

- Theo thỏa thuận của các bên.

Như vậy, hợp đồng cầm cố tài sản sẽ có hiệu lực pháp luật và ràng buộc các bên thực hiện nghĩa vụ của mình ngay sau khi được ký kết. Và sẽ kết thúc khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố chấm dứt, việc cầm cố tài sản được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác, tài sản cầm cố đã được xử lý hoặc các bên đã có thỏa thuận khác.

Nguyễn Phạm Hoàng Thuy
834

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn