27/03/2023 11:02

Hôn nhân đồng tính: chia tài sản chung thế nào?

Hôn nhân đồng tính: chia tài sản chung thế nào?

Em và người yêu em đều là con gái. Bọn em chung sống với nhau được 6 năm, nay, xác định cả hai không còn tình cảm nên bọn em thống nhất “ly hôn”. Theo em được biết, pháp luật Việt Nam không công nhận hôn nhân đồng tính, vậy em có cần phải chia tài sản cho bạn ấy sau “ly hôn” không ạ? “Chị An-Hồ Chí Minh”

Chào chị, ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Quy định pháp luật về hôn nhân đồng tính

Hiện nay, Pháp luật Việt Nam không thừa nhận hôn nhân giữa những người đồng tính cụ thể được quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình:

Điều 8. Điều kiện kết hôn

1. …

2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.

Theo Nghị định 82/2020/NĐ-CP, những người đồng giới kết hôn với nhau không còn bị phạt.

Như vậy, Nhà nước không còn cấm những người có cùng giới tính kết hôn mà chỉ “không thừa nhận” mối quan hệ hôn nhân này. Điều này có nghĩa, những người đồng tính có thể tổ chức đám cưới, sống chung với nhau như vợ chồng nhưng không được thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

2. Chia tài sản chung trong hôn nhân đồng tính như thế nào?

Như đã nói ở trên, việc tổ chức đám cưới và sống chung giữa những người đồng giới là không trái với quy định của pháp luật. Vậy, trong trường hợp hai người đồng giới sống chung với nhau và phát sinh ra vấn dề dẫn đến “ly hôn” thì việc tranh chấp tài sản giữa 2 người sẽ được giải quyết như thế nào?

Đối với hôn nhân đồng giới, vì không nhận được sự công nhận của pháp luật về mối quan hệ “vợ chồng” nên quan hệ giữa hai người trong hôn nhân đồng tính chỉ là quan hệ dân sự bình thường. Vậy nên, khi xảy ra tranh chấp về tài sản sẽ không thuộc phạm trù của Luật hôn nhân và gia đình mà sẽ căn cứ theo quy định của Bộ luật dân sự để giải quyết.

Theo đó, đối với các loại tài sản phát sinh từ các giao dịch mà cả hai bên cùng tham gia thực hiện hoặc tài sản riêng của mỗi người đóng góp vào tài sản chung hoặc tài sản được thỏa thuận để nhập vào khối tài sản chung, sẽ được xem là tài sản thuộc sở hữu chung được quy định tại Điều 207 Bộ luật Dân sự 2015:

Điều 208. Xác lập quyền sở hữu chung

Quyền sở hữu chung được xác lập theo thỏa thuận, theo quy định của pháp luật hoặc theo tập quán.

Ngoài ra, theo Điều 219 Bộ luật Dân sự 2015, quy định về tài sản chung như sau:

Điều 219. Chia tài sản thuộc sở hữu chung

Trường hợp sở hữu chung có thể phân chia thì mỗi chủ sở hữu chung đều có quyền yêu cầu chia tài sản chung; nếu tình trạng sở hữu chung phải được duy trì trong một thời hạn theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của luật thì mỗi chủ sở hữu chung chỉ có quyền yêu cầu chia tài sản chung khi hết thời hạn đó; khi tài sản chung không thể chia được bằng hiện vật thì chủ sở hữu chung có yêu cầu chia có quyền bán phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp các chủ sở hữu chung có thỏa thuận khác.

Trường hợp có người yêu cầu một người trong số các chủ sở hữu chung thực hiện nghĩa vụ thanh toán và chủ sở hữu chung đó không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thanh toán thì người yêu cầu có quyền yêu cầu chia tài sản chung và tham gia vào việc chia tài sản chung, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Nếu không thể chia phần quyền sở hữu bằng hiện vật hoặc việc chia này bị các chủ sở hữu chung còn lại phản đối thì người có quyền có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ bán phần quyền sở hữu của mình để thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

Theo đó, đối với tài sản thuộc sở hữu chung, chủ sở hữu chung đều có quyền yêu cầu chia tài sản, trường hợp không thể chia được bằng hiện vật thì chủ sở hữu chung yêu cầu chia có quyền bán phần quyền sở hữu của mình.

Như vậy, trường hợp bạn và người yêu chung sống được 6 năm khó tránh khỏi việc phát sinh tài sản chung với nhau. Vì vây, việc bạn yêu cầu người yêu chia tài sản hoàn toàn có khả năng. Tuy nhiên, bạn chỉ có thể yêu cầu chia tài sản thuộc sở hữu chung, cụ thể các tài sàn phát sinh từ các giao dịch mà hai người cùng thực hiện hoặc sáp nhập tài sản riêng của mỗi người vào khối tài sản chung hoặc chỉ đơn thuần là sự thỏa thuận của họ về một tài sản nào đó được nhập vào khối tài sản chung.

Trân trọng!

Lê Thị Phương Ngân
1913

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]