23/07/2024 16:58

Hội thẩm nhân dân là ai? Tiêu chuẩn để trở thành Hội thẩm nhân dân từ ngày 01/01/2025

Hội thẩm nhân dân là ai? Tiêu chuẩn để trở thành Hội thẩm nhân dân từ ngày 01/01/2025

Hội thẩm nhân dân là ai? Tiêu chuẩn để trở thành Hội thẩm nhân dân? Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Hội thẩm nhân dân?

1. Hội thẩm nhân dân là ai? Tiêu chuẩn để trở thành Hội thẩm nhân dân từ ngày 01/01/2025

Theo Điều 121 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 hội thẩm được quy định như sau:

Hội thẩm là người đại diện của Nhân dân tham gia xét xử tại Tòa án. Hội thẩm gồm có: Hội thẩm nhân dân và Hội thẩm quân nhân.

Theo quy định tại Điều 122 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 quy định tiêu chuẩn để trở thành Hội thẩm nhân dân từ ngày 01/01/2025. Theo đó, người được bầu, cử làm Hội thẩm phải có đủ các tiêu chuẩn sau đây:

- Là công dân Việt Nam, trung thành với Tổ quốc và với Hiến pháp, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có uy tín trong cộng đồng dân cư, có tinh thần dũng cảm và kiên quyết bảo vệ công lý, liêm khiết và trung thực;

- Từ đủ 28 tuổi đến 70 tuổi;

- Có kiến thức pháp luật;

- Có hiểu biết xã hội;

- Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao;

- Không đang trong thời gian thi hành quyết định kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức; không bị xử lý kỷ luật bằng hình thức bãi nhiệm, cách chức, buộc thôi việc;

- Không thuộc trường hợp đang bị xử lý hình sự hoặc đã bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật;

- Không thuộc trường hợp đã bị bãi nhiệm Hội thẩm.

Đồng thời, người được bầu làm Hội thẩm tại Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt phải có đủ các tiêu chuẩn sau đây:

- Tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 122 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024;

- Có kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực thuộc thẩm quyền xét xử, giải quyết của Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt.

Ngoài ra, những người sau đây không được làm hội thẩm:

- Người đang giữ chức danh tư pháp, công chức, viên chức và người lao động trong Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan công an, cơ quan thi hành án, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của luật.

- Luật sư.

- Công chứng viên.

- Thừa phát lại.

- Trợ giúp viên pháp lý.

Như vậy, Hội thẩm nhân dân là người đại diện của Nhân dân tham gia trong các phiên xét xử sơ thẩm hình sự, dân sự, hành chính tại Tòa án và phải đáp ứng theo các tiêu chuẩn như trên.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội thẩm 

Theo Điều 125 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 quy định Hội thẩm có về nhiệm vụ, quyền hạn như sau:

- Hội thẩm nhân dân thực hiện nhiệm vụ xét xử những vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân theo phân công của Chánh án Tòa án nơi được bầu làm Hội thẩm nhân dân; đối với Hội thẩm tại Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt thì theo sự phân công của Chánh án Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt.

- Hội thẩm quân nhân thực hiện nhiệm vụ xét xử những vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án quân sự theo phân công của Chánh án Tòa án nơi được cử làm Hội thẩm quân nhân.

- Hội thẩm có nghĩa vụ thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Chánh án, trường hợp không thực hiện được thì phải nêu rõ lý do.

- Trong 06 tháng công tác mà Hội thẩm không được Chánh án phân công làm nhiệm vụ xét xử thì có quyền yêu cầu Chánh án cho biết lý do.

- Khi xét xử, Hội thẩm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của luật.

3. Trách nhiệm của Hội thẩm theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024

 Trách nhiệm của Hội thẩm được quy định tại Điều 128 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 như sau:

- Trung thành với Tổ quốc, gương mẫu chấp hành Hiến pháp và pháp luật.

- Tham gia xét xử theo sự phân công của Chánh án mà không được từ chối, trừ trường hợp có lý do chính đáng hoặc do pháp luật về tố tụng quy định.

- Xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; vô tư, khách quan trong xét xử, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân.

- Tôn trọng Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân.

- Giữ bí mật nhà nước và bí mật công tác theo quy định của pháp luật.

- Tích cực học tập để nâng cao kiến thức pháp luật và nghiệp vụ xét xử; tham gia phiên tòa rút kinh nghiệm, hội nghị tổng kết công tác xét xử của Tòa án.

- Chấp hành nội quy, quy chế của Tòa án.

- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Hội thẩm trong khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình mà gây thiệt hại thì Tòa án nơi Hội thẩm đó thực hiện nhiệm vụ xét xử phải có trách nhiệm bồi thường và Hội thẩm đã gây thiệt hại có trách nhiệm hoàn trả cho Tòa án theo quy định của pháp luật.

Bùi Thị Như Ý
59

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn