11/10/2024 15:22

Hội là gì? Điều kiện để thành lập hội từ ngày 26/11/2024 như thế nào?

Hội là gì? Điều kiện để thành lập hội từ ngày 26/11/2024 như thế nào?

Hội là gì? Nguyên tắc tổ chức, hoạt động của hội như thế nào? Để thành lập hội cần phải đáp ứng những điều kiện gì?

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 126/2024/NĐ-CP ngày 08/10/2024 quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.

Nghị định 126/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 26/11/2024.

1. Hội là gì? Nguyên tắc tổ chức, hoạt động của hội

Tại Điều 3 Nghị định 126/2024/NĐ-CP có quy định như sau:

Hội là tổ chức tự nguyện của tổ chức, công dân Việt Nam cùng lĩnh vực, ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới, có chung mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vì mục tiêu lợi nhuận nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng; hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, được tổ chức và hoạt động theo Nghị định 126/2024/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan;

Trong đó, không vì mục tiêu lợi nhuận được hiểu là hội không có mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận, nếu có phát sinh lợi nhuận trong quá trình hoạt động của hội thì không được phân chia cho hội viên mà chỉ để dùng cho các hoạt động theo điều lệ của hội đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Hội được tổ chức, hoạt động dựa trên các nguyên tắc quy định tại Điều 5 Nghị định 126/2024/NĐ-CP, cụ thể như sau:

- Tự nguyện, tự quản.

- Dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch.

- Tự bảo đảm kinh phí hoạt động.

- Không vì mục tiêu lợi nhuận.

- Tuân thủ Hiến pháp, chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và điều lệ hội.

2. Điều kiện để thành lập hội từ ngày 26/11/2024 như thế nào?

Theo quy định tại Điều 10 Nghị định 126/2024/NĐ-CP, để thành lập hội phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Tên gọi của hội đảm bảo các điều kiện sau:

+ Viết bằng tiếng Việt hoặc phiên âm theo tiếng Việt, nếu không phiên âm ra được tiếng Việt thì dùng tiếng nước ngoài; tên gọi riêng của hội có thể được phiên âm, dịch ra tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật;

+Phù hợp với tôn chỉ, mục đích, phạm vi, lĩnh vực hoạt động chính của hội;

+ Không trùng lặp toàn bộ tên gọi hoặc gây nhầm lẫn, bao trùm tên gọi với các hội khác đã được thành lập hợp pháp trước đó;

+ Không vi phạm đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa dân tộc.

- Lĩnh vực hoạt động chính không trùng lặp với lĩnh vực hoạt động chính của hội đã được thành lập hợp pháp trước đó trong cùng phạm vi hoạt động.

- Có tôn chỉ, mục đích, lĩnh vực hoạt động phù hợp quy định pháp luật.

- Có điều lệ, trừ hội quy định tại khoản 5 Điều 21 Nghị định 126/2024/NĐ-CP, cụ thể: nếu nghị quyết đại hội của hội hoạt động trong phạm vi tỉnh, huyện, xã có cùng tên gọi, lĩnh vực hoạt động chính và là hội viên tổ chức của hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc, thống nhất thừa nhận điều lệ của hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc thì không cần xây dựng điều lệ riêng.

- Có trụ sở theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 126/2024/NĐ-CP, cụ thể: Trụ sở của hội đặt tại Việt Nam trong phạm vi hoạt động của hội và có địa chỉ cụ thể, rõ ràng.

- Có đủ số lượng tổ chức, công dân Việt Nam đăng ký tham gia thành lập hội, trừ trường hợp luật, pháp lệnh có quy định khác:

+ Hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh có ít nhất 100 tổ chức, công dân tại hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội;

+ Hội hoạt động trong phạm vi tỉnh có ít nhất 50 tổ chức, công dân tại hai đơn vị hành chính cấp huyện trở lên có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội;

+ Hội hoạt động trong phạm vi huyện có ít nhất 20 tổ chức, công dân tại hai đơn vị hành chính cấp xã trở lên có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội;

+ Hội hoạt động trong phạm vi xã có ít nhất 10 tổ chức, công dân tại đơn vị hành chính cấp xã có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội;

+ Hiệp hội của các tổ chức kinh tế hoạt động trong phạm vi toàn quốc có hội viên là đại diện các tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân của Việt Nam, có ít nhất 11 đại diện pháp nhân ở nhiều tỉnh; hiệp hội hoạt động trong phạm vi tỉnh có ít nhất 05 đại diện pháp nhân trong tỉnh cùng ngành nghề hoặc cùng lĩnh vực hoạt động có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hiệp hội.

- Có tài sản để đảm bảo hoạt động của hội.

Nguyễn Phạm Hoàng Thuy
333

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]