26/02/2024 21:22

Học viên lái xe tập lái vi phạm giao thông thì có phải chịu trách nhiệm không?

Học viên lái xe tập lái vi phạm giao thông thì có phải chịu trách nhiệm không?

Em là học viên của một trung tâm lái xe, trong lúc thực hành trên xe tập lái với thầy hướng dẫn trên lộ trình tập lái thì bị CSGT phạt vì vi phạm giao thông. Như vậy trong trường hợp này, ai sẽ người chịu trách nhiệm ạ? (Minh Thông - TP.HCM)

Chào bạn, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Ai sẽ là người chịu trách nhiệm khi học viên lái xe tập lái vi phạm giao thông?

Căn cứ vào khoản 1 Điều 58 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định về điều kiện của tập lái xe khi tham gia giao thông thì “Người tập lái xe ô tô khi tham gia giao thông phải thực hành trên xe tập lái và có giáo viên bảo trợ tay lái.”

Tại Điều 37 Nghị định 100/2019/NĐ-CP có quy định các mức xử phạt cho các hành vi vi phạm quy định về đào tạo, sát hạch lái xe, thì giáo viên dạy lái xe, cơ sở đào tạo lái xe sẽ bị xử phạt đối với các hành vi vi phạm tại Điều luật này. Cụ thể tại khoản 8 Điều 37 Nghị định 100/2019/NĐ-CP có quy định rằng:

Giáo viên dạy thực hành để học viên thực hành lái xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm quy định tại Điều 5 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP, bị xử phạt theo quy định đối với hành vi vi phạm đó.

Như vậy, trường hợp trong lúc thực hành xe tập lái, nếu hành vi vi phạm giao thông thuộc Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP do bạn gây ra là được giáo viên dạy lái xe cho phép hoặc giáo viên dạy lái xe thấy nhưng không ngăn cản thì người chịu trách nhiệm là giáo viên dạy lái xe.

Nhưng nếu hành vi vi phạm này là do bạn tự ý thực hiện mà không để giáo viên dạy lái biết thì người chịu trách nhiệm ở đây sẽ là bạn.

2. Quy định về tiêu chuẩn của giáo viên dạy lái xe ô tô

Các giáo viên dạy lái xe ô tô không phải chỉ cần có giấy phép lái xe mà còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn được pháp luật quy định tại Khoản 5 Điều 1 Nghị định 138/2018/NĐ-CP:

- Tiêu chuẩn chung: Giáo viên dạy lái xe phải đáp ứng tiêu chuẩn đối với nhà giáo dạy trình độ sơ cấp theo quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp.

- Giáo viên dạy lý thuyết phải có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên một trong các chuyên ngành luật, công nghệ ô tô, công nghệ kỹ thuật ô tô, lắp ráp ô tô hoặc các ngành nghề khác có nội dung đào tạo chuyên ngành ô tô chiếm 30% trở lên, giáo viên dạy môn Kỹ thuật lái xe phải có giấy phép lái xe tương ứng hạng xe đào tạo trở lên.

- Giáo viên dạy thực hành lái xe đáp ứng các tiêu chuẩn sau:

- Có giấy phép lái xe hạng tương ứng hoặc cao hơn hạng xe đào tạo, nhưng không thấp hơn hạng B2.

- Giáo viên dạy các hạng B1, B2 phải có giấy phép lái xe đủ thời gian từ 03 năm trở lên, kể từ ngày trúng tuyển; giáo viên dạy các hạng C, D, E và F phải có giấy phép lái xe đủ thời gian từ 05 năm trở lên kể từ ngày trúng tuyển.

- Đã qua tập huấn về nghiệp vụ dạy thực hành lái xe theo chương trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành và được cấp Giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe theo mẫu quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định 138/2018/NĐ-CP.

3. Quy định về điều kiện của người học lái xe

Căn cứ vào Điều 7 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT (được bổ sung bởi Khoản 5 Điều 1 Thông tư 38/2019/TT-BGTVT ) có quy định về điều kiện đối với người học lái xe, bao gồm:

Thứ nhất, người học lái xe là công dân Việt Nam, người nước ngoài được phép cư trú hoặc đang làm việc, học tập tại Việt Nam.

Thứ hai, phải đủ tuổi (tính đến ngày dự sát hạch lái xe), sức khỏe, trình độ văn hóa theo quy định; đối với người học để nâng hạng giấy phép lái xe, có thể học trước nhưng chỉ được dự sát hạch khi đủ tuổi theo quy định.

Thứ ba, người học để nâng hạng giấy phép lái xe phải có đủ thời gian lái xe hoặc hành nghề và số km lái xe an toàn như sau:

- Hạng B1 số tự động lên B1: thời gian lái xe từ 01 năm trở lên và 12.000 km lái xe an toàn trở lên.

- Hạng B1 lên B2: thời gian lái xe từ 01 năm trở lên và 12.000 km lái xe an toàn trở lên.

- Hạng B2 lên C, C lên D, D lên E; các hạng B2, C, D, E lên hạng F tương ứng; các hạng D, E lên FC: thời gian hành nghề từ 03 năm trở lên và 50.000 km lái xe an toàn trở lên.

- Hạng B2 lên D, C lên E: thời gian hành nghề từ 05 năm trở lên và 100.000 km lái xe an toàn trở lên.

Thứ tư, người học để nâng hạng giấy phép lái xe lên các hạng D, E phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc tương đương trở lên.

Trân trọng!

Nguyễn Phạm Hoàng Thuy
5416

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]