Chào anh, Ban biên tập xin được giải đáp như sau:
Khi thực hiện việc thuê nhà nghỉ, khách sạn thì người thuê đã xác lập giao dịch dân sự.
Theo Điều 21 Bộ Luật dân sự 2015 quy định về người chưa thành niên thì:
- Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.
- Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.
- Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
- Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.
Thông thường, độ tuổi của học sinh cấp 2 tại Việt Nam là từ 11-15 tuổi, nên sẽ có 2 trường hợp quy định, cụ thể như sau:
- Đối với học sinh cấp 2 từ 11 tuổi đến dưới 15 tuổi thì không được tự ý đăng ký thuê phòng nhà nghỉ, khách sạn mà phải có được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật;
+ Người đại diện theo pháp luật ở trong trường hợp này được quy định tai Điều 136 Bộ Luật dân sự bao gồm:
(1) Cha, mẹ đối với con chưa thành niên;
(2) Người giám hộ đối với người được giám hộ;
(3) Người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện;
Đối với học sinh cấp 2 đủ 15 tuổi thì có thể tự đăng ký thuê nhà nghỉ, khách sạn.
Lưu ý thêm rằng theo quy định khoản 5 Điều 44 Nghị định 96/2016/NĐ-CP thì khi thuê nhà nghỉ, khách sạn thì phía bên nhà nghỉ, khách sạn sẽ kiểm tra giấy tờ tùy thân của khách thuê. Do đó, đối với học sinh cấp 2 đủ tuổi khi thuê nhà nghỉ, khách sạn thì cần phải có căn cước công dân.
Như đã đề cập ở trên, theo quy định thì nhà nghỉ, khách sạn sẽ yêu cầu kiểm tra giấy tờ tùy thân của người thuê.
Nếu như trong trường hợp bên nhà nghỉ, khách sạn không kiểm tra giấy tờ tùy thân của khách thuê mà vẫn cho thuê, cụ thể là học sinh chưa đủ tuổi cũng như không thông báo cho Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an quản lý địa bàn biết thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính quy định tại điểm đ khoản 2, điểm b khoản 3 và điểm d khoản 4 Điều 9 Nghị định 144/2021/NĐ-CP với mức xử phạt như sau:
Vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
....
đ) Kinh doanh lưu trú, nhà ở tập thể, cơ sở chữa bệnh, cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở khác có chức năng lưu trú không thực hiện thông báo việc lưu trú từ 01 đến 03 người lưu trú;
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
...
b) Kinh doanh lưu trú, nhà ở tập thể, cơ sở chữa bệnh, cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở khác có chức năng lưu trú không thực hiện thông báo việc lưu trú từ 04 đến 08 người lưu trú;
...
4. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
...
d) Kinh doanh lưu trú, nhà ở tập thể, cơ sở chữa bệnh, cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở khác có chức năng lưu trú không thực hiện thông báo việc lưu trú từ 09 người lưu trú trở lên;
Theo đó, chủ nhà nghỉ, khách sạn sẽ bị xử phạt từ 1.000.000 đến 2.000.000 đối với việc không kiểm tra giấy tờ tùy thân, cũng như không khai báo cho từ 01 đến 03 người;
Mức xử phạt sẽ tăng lên từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm từ 04 đến 08 người và từ 4.000.000 đế 6.000.000 đối với từ 09 người trở lên.
Cần lưu ý thêm rằng theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì mức xử phạt vi phạm hành chính kể trên là của cá nhân. Nếu đó là tổ chức vi phạm thì mức xử phạt vi phạm hành chính sẽ là gấp đôi mức xử phat đối với cá nhân.