14/11/2023 17:44

Hoạt động mua bán Bitcoin có vi phạm pháp luật không?

Hoạt động mua bán Bitcoin có vi phạm pháp luật không?

Kính chào Ban biên tập, Em thấy bạn em chơi tiền ảo nên em muốn hỏi mua bán Bitcoin có phải hành vi vi phạm pháp luật không? Văn Báo – Bình Dương

Chào anh, Ban biên tập xin được giải đáp như sau:

1. Bitcoin, mua bán bitcoin là gì?

Năm 2009, Bitcoin xuất hiện, đánh dấu sự khởi đầu của đồng tiền điện tử phổ biến nhất thế giới. Bitcoin cho phép thực hiện giao dịch trực tiếp mà không cần sự can thiệp của tổ chức tài chính trung ương hay ngân hàng bằng cách sử dụng công nghệ Blockchain. Điều này kiến Bitcoin tiềm ẩn nhiều rũi ro, tuy nhiên, đối với một số người Bitcoin lại là một lựa chọn đầu tư hấp dẫn.

Ngày nay có hàng nghìn đồng tiền điện tử khác nhau trên thế giới. Tuy nhiên Bitcoin vẫn là đồng tiền bền vững và có giá trị nhất, luôn tạo được niềm tin cho người tham gia. Nguyên nhân là nếu Bitcoin sụp đổ, niềm tin của nhà đầu tư đối với tiền điền tử sẽ biến mất hoàn toàn.

Hoạt động mua bán bitcoin thường được diễn ra một cách trực tiếp và nhanh chóng, thông qua các sàn giao dịch tiền điện tử, theo đó người mua chuyển một lượng tiền (USD, VND, hoặc bất kỳ đồng tiền nào khác) cho người bán để đổi lấy một số lượng Bitcoin tương ứng dựa trên tỷ giá hối đoái giữa Bitcoin và đồng tiền mà họ sử dụng.

Khác với một số quốc gia khác, Bitcoin không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ VN, vì vậy tất cả giao dịch sử dụng đồng Bitcoin làm phương tiện thanh toán là không đúng với các quy định của pháp luật hiện hành. Nguyên nhân xuất phát từ vấn đề về an ninh, rủi ro tài chính, và quản lý tiền tệ. Công nhận Bitcoin đồng nghĩa với việc đánh mất công cụ điều tiết nền kinh tế, kiểm soát nguồn cung tiền, và có thể đối mặt với nguy cơ gian lận và rửa tiền. Sự biến động giá của Bitcoin cũng là một nguyên nhân, cho việc không công nhận đồng tiền này.

2. Mua bán Bitcoin có vi phạm pháp luật không?

Như đã khẳng định ở mục 1, tất cả giao dịch sử dụng đồng Bitcoin làm phương tiện thanh toán là không đúng với các quy định của pháp luật hiện hành.

Căn cứ tại khoản 6, khoản 7 điều 1 Nghị định số 80/2016/NĐ-CP quy định: 

"6. Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

7. Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc quy định tại Khoản 6 Điều này."

Như vậy, pháp luật Việt Nam không công nhận Bitcoin là phương tiện thanh toán hợp pháp. Vì vậy giao dịch Bitcoin như một phương tiện thanh toán tại Việt Nam là hành vi vi phạm pháp luật, tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Tuy nhiên, nếu sử dụng Bitcoin như vật trung gian để trao đổi. Nghĩa là dùng tiền để mua bitcoin và dùng bitcoin để bán lấy tiền thì pháp luật không có quy định cấm hoạt động này.

Trên thực tế, một số người tham gia tiền điện tử tại Việt Nam vẫn sử dụng Bitcoin như một phương tiện thanh toán, trao đổi để lấy hàng hoặc sử dụng dịch vụ. Nhưng lại rất khó để phát hiện và xử lý, bởi vì hoạt động này thường diễn ra rất kín và nhanh chóng

3. Sử dụng Bitcoin như một phương tiện thanh toán sẽ bị xử lý ra sao?

+ Đối với xử lý hành chính

Căn cứ Điểm d Khoản 15 Điều 1 Nghị định 143/2021/NĐ-CP thì phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

+ Đối với truy cứu trách nhiệm hình sự

Căn cứ khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng như sau:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây gây thiệt hại cho người khác về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:“

...

h) Phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp; làm giả chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán; sử dụng chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán giả;

....

Như vậy, hoạt động mua bán Bitcoin không phải là hành vi phạm pháp luật. Bởi hiện nay chưa có một quy định cụ thể nào nghiêm cấm việc mua bán bitcoin thông qua các giao dịch điện tử. Mặc khác nếu sử dụng Bitcoin như một phương tiện thanh toán thay thế VNĐ và các phương tiên tiện thanh toán hợp pháp khác, thì tùy theo mức độ sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nguyễn Ngọc Diện
39116

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]