02/01/2025 08:15

Hoàn thiện quy định về tên gọi Trung tâm trọng tài và trình tự, thủ tục thành lập Trung tâm trọng tài?

Hoàn thiện quy định về tên gọi Trung tâm trọng tài và trình tự, thủ tục thành lập Trung tâm trọng tài?

Một số vấn đề về hoàn thiện quy định pháp luật đối với tên gọi của Trung tâm trọng tài? Hoàn thiện quy định về trình tự, thủ tục thành lập Trung tâm trọng tài?

Hoàn thiện quy định về tên gọi của Trung tâm trọng tài?

Việc đặt tên cho Trung tâm trọng tài là bắt buộc và cần phải tuân thủ đúng quy định pháp luật. Nghị định 63/2011/NĐ-CP hướng dẫn Luật Trọng tài thương mại đã yêu cầu tên Trung tâm phải viết bằng tiếng Việt, bao gồm cụm từ “Trung tâm trọng tài”, không trùng hoặc gây nhầm lẫn với các trung tâm đã được cấp phép, và không vi phạm thuần phong mỹ tục. Tên tiếng nước ngoài phải là bản dịch từ tên tiếng Việt. Cụ thể, Điều 6 Nghị định 63/2011/NĐ-CP đã quy định nội dung sau đây:

Điều 6. Tên của Trung tâm trọng tài, Chi nhánh, Văn phòng đại diện của Trung tâm trọng tài

1. Tên của Trung tâm trọng tài được viết bằng tiếng Việt do các sáng lập viên lựa chọn nhưng phải bao gồm cụm từ ‘’Trung tâm trọng tài’’ và không trùng, không gây nhầm lẫn với tên của Trung tâm trọng tài, Chi nhánh, Văn phòng đại diện của Trung tâm trọng tài đã được cấp Giấy phép thành lập, không vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Trong trường hợp Trung tâm trọng tài có tên bằng tiếng nước ngoài thì tên gọi đó phải là tên được dịch từ tên bằng tiếng Việt sang tiếng nước ngoài, không trùng, không gây nhầm lẫn với tên của tổ chức trọng tài khác đang hoạt động tại Việt Nam.

2. Trung tâm trọng tài có thể có biểu tượng, nhưng không được sử dụng Quốc kỳ, Đảng kỳ, Quốc huy, hình ảnh lãnh tụ, hình ảnh đồng tiền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam làm biểu tượng của mình.

3. Tên của Chi nhánh của Trung tâm trọng tài phải bao gồm cụm từ “Chi nhánh’’ và tên của Trung tâm trọng tài.

4. Tên của Văn phòng đại diện của Trung tâm trọng tài phải bao gồm cụm từ “Văn phòng đại diện” và tên của Trung tâm trọng tài.

Tuy nhiên, các quy định này vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng, gây khó khăn và thiếu thống nhất trong áp dụng. Cụ thể:

-   “Gây nhầm lẫn: Chưa có định nghĩa cụ thể về thế nào là “gây nhầm lẫn”. Cần bổ sung quy định chi tiết, ví dụ như tên đọc giống, tên viết tắt trùng, khác biệt do số, thứ tự, chữ cái, hoặc thêm các từ “tân”, “mới”. Việc khác biệt do ký hiệu (&, và, ., ,, +, -, _) cũng cần được xem xét là gây nhầm lẫn. Nên tham khảo quy định về tên doanh nghiệp trong Luật Doanh nghiệp 2020.

-   “Không vi phạm thuần phong mỹ tục”: Cần có văn bản hướng dẫn cụ thể, tham khảo Thông tư 10/2014/TT-BVHTTDL (dù đã hết hiệu lực nhưng vẫn có giá trị tham khảo về nội dung). Ví dụ, không sử dụng tên danh nhân (trừ trường hợp trùng với tên người sáng lập), tên nhân vật lịch sử có tội, từ ngữ bạo lực, phân biệt chủng tộc.

-     Tên tiếng nước ngoài: Cần bổ sung quy định về việc dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt khi sử dụng tên tổ chức quốc tế hoặc vùng miền nước ngoài. Cần quy định rõ việc sử dụng tên viết tắt của tổ chức trong và ngoài nước, nếu được thì cần xem xét là trường hợp ngoại lệ của tên tiếng Việt và yêu cầu văn bản đồng ý của tổ chức đó để tránh gây nhầm lẫn và bảo vệ uy tín của tổ chức.

Tóm lại, cần sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 6 Nghị định 63/2011/NĐ-CP để làm rõ các khái niệm “gây nhầm lẫn”, “không vi phạm thuần phong mỹ tục”, và quy định cụ thể về tên tiếng nước ngoài, tên viết tắt, và việc sử dụng tên tổ chức. Điều này giúp việc áp dụng pháp luật được thống nhất và bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan.

Hoàn thiện quy định về trình tự, thủ tục thành lập Trung tâm trọng tài?

Hiện nay, theo Điều 5 Nghị định 63/2011/NĐ-CP, hồ sơ xin cấp mới, cấp lại, thay đổi nội dung Giấy phép thành lập, Giấy đăng ký hoạt động hoặc chấm dứt hoạt động của Trung tâm trọng tài, Chi nhánh Trung tâm trọng tài, cũng như các tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam có thể được nộp trực tiếp hoặc qua bưu điện đến cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, Điều 3a Thông tư 12/2012/TT-BTP (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 03/2024/TT-BTP) quy định thêm về việc nộp hồ sơ trực tuyến, trong đó thông tin có thể tự động điền từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, giảm bớt thủ tục kê khai. Nếu nộp hồ sơ giấy, người thực hiện thủ tục vẫn phải kê khai đầy đủ thông tin. Điều này cho thấy Nghị định 63/2011/NĐ-CP hiện thiếu hình thức nộp trực tuyến, dẫn đến sự không thống nhất giữa các văn bản. Vì vậy, cần bổ sung hình thức nộp trực tuyến vào Điều 5 Nghị định 63/2011/NĐ-CP để đồng bộ quy định.

Bên cạnh đó, Nghị định 63/2011/NĐ-CP cũng chưa quy định quy trình tiếp nhận hồ sơ trực tiếp để xác định ngày nộp hồ sơ, trong khi khoản 3 Điều 24 Luật Trọng tài thương mại 2010 yêu cầu Bộ Tư pháp cấp Giấy phép thành lập Trung tâm trọng tài trong vòng 30 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hoặc trả lời từ chối bằng văn bản, nêu rõ lý do. Để đảm bảo thời gian xử lý đúng quy định, cần bổ sung quy định về việc cấp giấy biên nhận khi nộp hồ sơ trực tiếp. Điều này sẽ giúp xác định chính xác ngày bắt đầu tính thời hạn xử lý hồ sơ và tránh tranh chấp liên quan đến thời gian giải quyết thủ tục.

Phạm Văn Vinh
16

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]