22/02/2022 11:11

Hoàn thiện quy định về người tham gia tố tụng hình sự

Hoàn thiện quy định về người tham gia tố tụng hình sự

Người tham gia tố tụng là cá nhân, cơ quan, tổ chức tham gia hoạt động tố tụng theo quy định của BLTTHS. Thực tiễn cho thấy, các quy định về người tham gia tố tụng của BLTTHS năm 2015 vẫn chưa đầy đủ, còn hạn chế, vướng mắc gây khó khăn trong thực tiễn áp dụng, cần được quan tâm nghiên cứu, hoàn thiện.

1. Người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố

BLTTHS năm 2015 tại các điều 37, 39, 40, 42, 96 mới chỉ quy định về lời khai của người tố giác, báo tin về tội phạm và quyền hạn triệu tập, lấy lời khai của họ, chưa quy định về lời khai và quyền hạn triệu tập, lấy lời khai người kiến nghị khởi tố (cơ quan, tổ chức); chưa quy định về trình tự, thủ tục triệu tập, lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Điều đó dẫn đến thực tiễn giải quyết vụ việc, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng gặp vướng mắc, lúng túng trong việc xác định phạm vi lấy lời khai người kiến nghị khởi tố, chủ thể có thẩm quyền triệu tập, lấy lời khai, cũng như không có sự thống nhất trong việc triệu tập, lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Chính vì vậy, theo chúng tôi, cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoàn thiện quy định của BLTTHS năm 2015 về người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo hướng: bổ sung về lời khai cũng như quyền hạn triệu tập, lấy lời khai người kiến nghị khởi tố vào BLTTHS năm 2015; bổ sung vào Bộ luật này một điều luật quy định về trình tự, thủ tục triệu tập, lấy lời khai của người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố, tạo cơ sở pháp lý, khắc phục sự thiếu thống nhất trong việc triệu tập, lời khai của họ thời gian qua.

2. Về địa vị pháp lý, quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng

BLTTHS năm 2015 chỉ quy định về người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, chưa quy định địa vị pháp lý của người có liên quan đến tin báo về tội phạm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, khiến cho việc xác định tư cách tham gia tố tụng, xác định quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng trong một số trường hợp gặp khó khăn, không thống nhất, không chính xác.

Chẳng hạn, đối với tin báo về vụ việc tai nạn giao thông đường bộ, về tư cách tham gia tố tụng của người lái xe gây tai nạn, có nơi xác định trong biên bản ghi lời khai là “Người liên quan” hoặc “Người vi phạm”, nơi khác xác định là “Đối tượng”, lại có nơi bỏ trống nội dung này. Việc xác định tư cách tham gia tố tụng như trên rõ ràng là không chính xác vì BLTTHS năm 2015 không có quy định. Nếu xác định họ là người bị tố giác hay người bị kiến nghị khởi tố thì cũng chưa chính xác vì họ không bị cá nhân nào tố giác, cũng không bị cơ quan nào kiến nghị khởi tố. Nếu không xác định tư cách tham gia tố tụng cho họ thì sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

vậy nên, chúng tôi cho rằng, BLTTHS năm 2015 cần bổ sung địa vị pháp lý, xác định quyền và nghĩa vụ của người có liên quan đến tin báo về tội phạm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, tương tự như người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố.

Tại Điều 58 BLTTHS năm 2015 mới chỉ quy định quyền và nghĩa vụ của  người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang và người bị bắt theo quyết định truy nã là chưa đầy đủ, còn thiếu quy định về quyền và nghĩa vụ của người bị bắt theo lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp. Bởi lẽ, khi cơ quan có thẩm quyền ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đã trở thành người bị bắt nên họ không còn quyền, nghĩa vụ của người bị giữ nữa, thay vào đó họ phải có các quyền và nghĩa vụ của người bị bắt, như: được nghe, nhận lệnh bắt người bị giữ, quyết định phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; được biết lý do mình bị bắt; trình bày lời khai, trình bày ý kiến; tự bào chữa, nhờ người bào chữa…

Tại khoản 2 Điều này có quy định nghĩa vụ của người bị giữ, người bị bắt là  “yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền giữ người, bắt người theo quy định của BLTTHS”, nội dung này là quyền chứ không phải là nghĩa vụ của người bị giữ, người bị bắt nên nếu quy định vào khoản 1 Điều này sẽ chính xác hơn. Ngoài ra, việc sử dụng cụm từ “người bị bắt” là chưa cụ thể, rõ ràng vì có đến 05 trường hợp bắt người, do đó cần ghi rõ là người bị bắt trong các trường hợp: phạm tội quả tang, theo lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp và theo quyết định truy nã.

Để khắc phục hạn các chế trên, theo chúng tôi, cần bổ sung vào Điều 58 Bộ luật này cụm từ “người bị bắt theo lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp” để quy định về người bị bắt theo lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp và sửa đổi khoản 2 Điều này như sau:

“Điều 58. Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt

1. Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, người bị bắt theo lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp và người bị bắt theo quyết định truy nã có quyền:

a) Được nghe, nhận lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, quyết định phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, quyết định truy nã;…

2. Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, người bị bắt theo lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp và người bị bắt theo quyết định truy nã có nghĩa vụ chấp hành lệnh giữ người, lệnh bắt người của của cơ quan, người có thẩm quyền.”

3. Việc triệu tập, lấy lời khai người tham gia tố tụng

Người chứng kiến là người được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu chứng kiến việc tiến hành hoạt động tố tụng theo quy định của BLTTHS. Mặc dù BLTTHS năm 2015 đã có quy định về lời khai của người chứng kiến tại Điều 97 (Người chứng kiến trình bày những tình tiết mà họ đã chứng kiến trong hoạt động tố tụng) nhưng lại chưa quy định trình tự, thủ tục triệu tập, lấy lời khai của họ, gây khó khăn, vướng mắc, thiếu thống nhất trong thực tiễn áp dụng, chẳng hạn trong trường hợp bị can khiếu nại việc khám xét, Cơ quan điều tra cần phải tiến hành triệu tập người chứng kiến để lấy lời khai, cho họ đối chất với bị can, lúc này, việc triệu tập thực hiện bằng hình thức nào? Việc lấy lời khai người chứng kiến tiến hành ở đâu? Nếu người chứng kiến vắng mặt thì xử lý ra sao? Các nội dung này chưa được BLTTHS quy định.

Trong thực tiễn, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thường vận dụng các quy định về triệu tập, lấy lời khai người làm chứng để triệu tập, lấy lời khai người chứng kiến. Tuy nhiên, trong thời gian tới, việc bổ sung quy định về triệu tập, lấy lời khai người chứng kiến vào BLTTHS năm 2015 là hết sức cần thiết nhằm bảo đảm căn cứ pháp lý, sự thống nhất trong việc triệu tập, lấy lời khai của họ.

Tại Điều 95 BLTTHS năm 2015 đã quy định về lời khai của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố nhưng lại chưa quy định trình tự, thủ tục triệu tập, lấy lời khai của họ, dẫn đến vướng mắc trong việc triệu tập, lấy lời khai của họ.

Thực tiễn thực hiện yêu cầu giám định, trưng cầu định giá tài sản cho thấy có một số kết luận giám định, kết luận định giá tài sản nội dung chưa cụ thể, rõ ràng, nhiều thuật ngữ chuyên môn khó hiểu nên cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã lấy lời khai của người giám định, người định giá tài sản để làm rõ nội dung kết luận, bảo đảm việc giải quyết vụ việc được chính xác. Tuy nhiên, BLTTHS năm 2015 thiếu vắng quy định về lời khai, thủ tục triệu tập, lấy lời khai người giám định, người định giá tài sản. Do đó, để có căn cứ thực hiện, BLTTHS năm 2015 cần bổ sung quy định về lời khai, thủ tục triệu tập và lấy lời khai người giám định, người định giá tài sản.

4. Về tiêu chuẩn của người tham gia tố tụng

Tại Điều 70 BLTTHS năm 2015 đã có quy định về quyền và nghĩa vụ, việc từ chối, thay đổi người phiên dịch, người dịch thuật, song quy định chưa cụ thể về tiêu chuẩn của người phiên dịch, người dịch thuật nên việc yêu cầu người phiên dịch, người dịch thuật tham gia tố tụng được thực hiện chưa thống nhất, chất lượng phiên dịch, dịch thuật trong nhiều trường hợp chưa được bảo đảm. Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng, BLTTHS năm 2015 cần quy định rõ ràng, cụ thể tiêu chuẩn của người phiên dịch, người dịch thuật để nâng cao chất lượng các hoạt động này.

5. Việc sử dụng thuật ngữ

Đối với các quy định áp dụng cho cả bị hại là cá nhân và bị hại là cơ quan, tổ chức, BLTTHS 2015 sử dụng thuật ngữ “Bị hại” là hợp lý. Tuy nhiên, đối với những quy định chỉ áp dụng cho bị hại là cá nhân, không áp dụng cho bị hại là cơ quan, tổ chức, thì dường như BLTTHS 2015 chưa có sự thống nhất về sử dụng thuật ngữ. Có quy định, BLTTHS 2015 sử dụng thuật ngữ “bị hại” (khoản 5 Điều 62; khoản 1, 2 Điều 206, Điều 421), nhưng cũng có quy định, Bộ luật này lại dùng thuật ngữ “người bị hại” (khoản 1 Điều 4; khoản 1 Điều 71; điểm b khoản 2 Điều 127).

Xem xét các quy định tại Chương 28, phần thứ 7 BLTTHS 2015 cho thấy: Bộ luật này khi thì sử dụng cụm từ “người bị hại là người dưới 18 tuổi”, lại có lúc sử dụng cụm từ “bị hại là người dưới 18 tuổi”, chẳng hạn: tại Điều 413, Điều 417 (khoản 1), Điều 421 (khoản 1, 2),  BLTTHS 2015 dùng cụm từ “người bị hại là người dưới 18 tuổi” nhưng tại Điều 421 (khoản 6) và Điều 423 (khoản 2) Bộ luật này lại sử dụng cụm từ “bị hại là người dưới 18 tuổi”…

Theo chúng tôi, BLTTHS 2015 nên sửa đổi theo hướng sử dụng thống nhất thuật ngữ “Bị hại”, dù quy định có liên quan đến cả bị hại là cá nhân, cơ quan, tổ chức hay chỉ liên quan đến bị hại là cá nhân hoặc bị hại là cơ quan, tổ chức. Nếu cá nhân dưới 18 tuổi là bị hại, thì dùng cụm từ “Bị hại là người dưới 18 tuổi”. Việc sửa đổi theo hướng trên sẽ bảo đảm sự thống nhất trong việc sử dụng thuật ngữ, đồng thời phù hợp với các quy định liên quan khác như quy định về Nguyên đơn dân sự (Điều 63), Bị đơn dân sự (Điều 64)…

NGUYỄN CAO CƯỜNG (VKSND huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế)

Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử

619

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn