01/09/2023 16:40

Hóa đơn đỏ là gì? Điểm khác biệt giữa hóa đơn bán hàng và hóa đơn đỏ

Hóa đơn đỏ là gì? Điểm khác biệt giữa hóa đơn bán hàng và hóa đơn đỏ

Hóa đơn đỏ là gì? giúp tôi phân biệt giữa hóa đơn bán hàng và hóa đơn đỏ. Quỳnh Mai - Bình Định

Chào chị, ban biên tập xin được giải đáp như sau: 

1. Hóa đơn đỏ là gì?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 123/2020/NĐ-CP về hóa hơn như sau: 

Hóa đơn là chứng từ kế toán do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Hóa đơn được thể hiện theo hình thức hóa đơn điện tử hoặc hóa đơn do cơ quan thuế đặt in.

Hóa đơn đỏ còn được gọi với cái tên khác là hóa đơn GTGT (hóa đơn giá trị gia tăng) hay hóa đơn VAT. Là một loại chứng từ do Bộ Tài chính phát hành hoặc doanh nghiệp tiến hành tự in trong trường hợp đã đăng ký mẫu với Cơ quan thuế. Hóa đơn đỏ do người bán lập, xuất cho người mua hàng hóa, dịch vụ để ghi nhận giá trị hàng hóa, dịch vụ đã bán, đã cung cấp để phục vụ cho việc kê khai, nộp thuế GTGT.

2. Điểm khác biệt giữa hóa đơn bán hàng và hóa đơn đỏ

Tiêu chí phân biệt

Hóa đơn bán hàng

Hóa đơn đỏ

Tên gọi pháp lý

- Hóa đơn bán hàng

- Hóa đơn giá trị gia tăng

Đối tượng lập hóa đơn

Hóa đơn bán hàng là hóa đơn dành cho các tổ chức, cá nhân như sau:

- Tổ chức, cá nhân khai, tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp sử dụng cho các hoạt động:

+ Bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong nội địa;

+ Hoạt động vận tải quốc tế;

+ Xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu;

+ Xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài.

- Tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ vào nội địa và khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ giữa các tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan với nhau, xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài, trên hóa đơn ghi rõ “Dành cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan”.

Hóa đơn giá trị gia tăng là hóa đơn dành cho các tổ chức khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ sử dụng cho các hoạt động:

- Bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong nội địa;

- Hoạt động vận tải quốc tế;

- Xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu;

- Xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài.

 

Chữ ký

Chữ ký của người bán

Chữ ký của người bán, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của tổ chức (hoặc người được ủy quyền)

Thuế suất

Áp dụng thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp

Áp dụng thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ

 Căn cứ: Nghị định 123/2020/NĐ-CP

3. Quy định về bảo quản, lưu trữ hóa đơn, chứng từ

Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 123/2020/NĐ-CP về bảo quản, lưu trữ hóa đơn, chứng từ như sau:

- Hóa đơn, chứng từ được bảo quản, lưu trữ đảm bảo:

+ Tính an toàn, bảo mật, toàn vẹn, đầy đủ, không bị thay đổi, sai lệch trong suốt thời gian lưu trữ;

+ Lưu trữ đúng và đủ thời hạn theo quy định của pháp luật kế toán.

- Hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử được bảo quản, lưu trữ bằng phương tiện điện tử. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền lựa chọn và áp dụng hình thức bảo quản, lưu trữ hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử phù hợp với đặc thù hoạt động và khả năng ứng dụng công nghệ. Hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử phải sẵn sàng in được ra giấy hoặc tra cứu được khi có yêu cầu.

- Hóa đơn do cơ quan thuế đặt in, chứng từ đặt in, tự in phải bảo quản, lưu trữ đúng với yêu cầu sau:

+ Hóa đơn, chứng từ chưa lập được lưu trữ, bảo quản trong kho theo chế độ lưu trữ bảo quản chứng từ có giá.

+ Hóa đơn, chứng từ đã lập trong các đơn vị kế toán được lưu trữ theo quy định lưu trữ, bảo quản chứng từ kế toán.

+ Hóa đơn, chứng từ đã lập trong các tổ chức, hộ, cá nhân không phải là đơn vị kế toán được lưu trữ và bảo quản như tài sản riêng của tổ chức, hộ, cá nhân đó.

Trân trọng!

Nguyễn Ngọc Trầm
29307

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]