13/09/2023 16:07

Hỗ trợ đất sản xuất: Mở ra cơ hội mới cho đồng bào dân tộc thiểu số

Hỗ trợ đất sản xuất: Mở ra cơ hội mới cho đồng bào dân tộc thiểu số

Tôi muốn biết thêm về thông tin chính sách hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào thiểu số do Ủy ban Dân tộc ban hành gần đây. Sầm Thị Hoa – Điện Biên.

Chào chị, ban biên tập xin giải đáp như sau:

Ngày 21/8/2023, Ủy ban Dân tộc ban hành Thông tư 02/2023/TT-UBDT sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 02/2022/TT-UBDT hướng dẫn thực hiện một số dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

1. Hỗ trợ đất sản xuất: Mở ra cơ hội mới cho đồng bào dân tộc thiểu số

Theo quy định tại khoản 5 Điều 1 Thông tư 02/2023/TT-UBDT về đối tượng được hỗ trợ đất sản xuất bao gồm:

- Hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo sinh sống trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN);

Hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), thôn ĐBKK vùng đồng bào DTTS&MN sinh sống bằng nghề nông, lâm, ngư nghiệp chưa có đất sản xuất, có nhu cầu hỗ trợ đất sản xuất thì được chính quyền địa phương xem xét hỗ trợ trực tiếp bằng đất sản xuất.

- Hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo sinh sống trên địa bàn vùng DTTS&MN; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã ĐBKK, thôn ĐBKK vùng đồng bào DTTS&MN sinh sống bằng nghề nông, lâm, ngư nghiệp chưa có hoặc thiếu trên 50% đất sản xuất theo định mức quy định của từng địa phương, có nhu cầu chuyển đổi nghề hoặc có nhu cầu hỗ trợ đất sản xuất nhưng không bố trí được đất sản xuất thì được xem xét, hỗ trợ chuyển đổi nghề.

UBND cấp tỉnh căn cứ vào quỹ đất, điều kiện thực tế của địa phương để quy định định mức đất sản xuất nhưng không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp cho mỗi hộ gia đình, cá nhân theo quy định của pháp luật về đất đai làm cơ sở xác định hộ gia đình thiếu đất sản xuất.”.

Theo đó, nhóm đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số trên sẽ được hỗ trợ trực tiếp bằng đất sản xuất theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư 02/2022/TT-UBDT được sửa đổi bởi Khoản 6 Điều 1 Thông tư 02/2023/TT-UBDT như sau:

- Trường hợp địa phương còn quỹ đất có khả năng sản xuất mà không cần phải thực hiện khai hoang, phục hóa, cải tạo đất, UBND cấp huyện căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thực hiện giao đất sản xuất cho các hộ thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách chưa có đất sản xuất theo quy định của pháp luật về đất đai.

- Trường hợp địa phương còn quỹ đất sản xuất nhưng phải khai hoang, phục hóa, cải tạo đất để có khả năng sản xuất, UBND cấp huyện chỉ đạo tổ chức lập và thực hiện dự án khai hoang, phục hóa, cải tạo đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để giao đất sản xuất cho các hộ thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách chưa có đất sản xuất theo quy định của pháp luật về đất đai. Mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương để thực hiện dự án khai hoang, phục hóa, cải tạo đất quy định tại khoản 3 Điều 3 Quyết định 04/2023/QĐ-TTg.

- Các hộ thuộc đối tượng hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất tại khoản 1 Điều 8 Thông tư này nhưng chính quyền địa phương không bố trí được đất sản xuất, có nhu cầu vay vốn để tạo quỹ đất sản xuất thì được xem xét vay vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại các Điều 20, 21, 22, 23, 24 và 25 Nghị định 28/2022/NĐ-CP và không được hỗ trợ chuyển đổi nghề.

- UBND cấp tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện bố trí ngân sách địa phương và thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ được hỗ trợ đất sản xuất theo quy định.

Như vậy, chính sách hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số là một chính sách có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Chính sách này sẽ góp phần xóa bỏ tình trạng thiếu đất sản xuất, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

2. Hỗ trợ chuyển đổi nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số

Ngoài hưởng chính sách về hỗ trợ đất sản xuất thì nhóm dân tộc thiểu số nghèo thuộc nhóm đối tượng trên còn được hưởng nhiều chính sách khác. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được hỗ trợ chuyển đổi nghề như sau:

- Các hộ thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 8 Thông tư 02/2022/TT-UBDT được xem xét, hỗ trợ mua sắm nông cụ, máy móc, làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi sang làm các ngành nghề trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh khác hoặc hỗ trợ học nghề để chuyển đổi nghề và được vay vốn tín dụng theo quy định tại các Điều 20, 21, 22, 23, 24 và 25 Nghị định 28/2022/NĐ-CP.

- Căn cứ danh sách các hộ dân được hỗ trợ chuyển đổi nghề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, danh sách các hộ dân đăng ký phương thức hỗ trợ (bằng tiền, hiện vật hoặc học nghề), UBND cấp xã tổng hợp nhu cầu và phân loại theo từng phương thức thực hiện gửi cơ quan làm công tác dân tộc cấp huyện chủ trì, phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp tổng hợp, báo cáo UBND cấp huyện quyết định mức hỗ trợ cho từng hộ dân (mỗi hộ chỉ được hỗ trợ 01 lần).

Trường hợp các hộ dân nhận hỗ trợ bằng tiền, UBND cấp xã hướng dẫn các hộ dân tự mua sắm nông cụ, máy móc, làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp, học nghề, chuyển đổi sang làm các ngành nghề trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất kinh doanh khác theo nhu cầu đã đăng ký và thực hiện thanh quyết toán theo quy định.

Trường hợp các hộ đăng ký nhận hỗ trợ bằng hiện vật, UBND cấp huyện căn cứ nhu cầu, chỉ đạo đơn vị chuyên môn hoặc UBND cấp xã tổ chức mua sắm theo quy định của pháp luật và thực hiện cấp phát cho các hộ dân.

Trường hợp các hộ đăng ký học nghề, UBND cấp huyện tổng hợp, giao đơn vị chuyên môn phối hợp với các cơ sở đào tạo hỗ trợ đào tạo nghề cho các hộ dân theo quy định.”.

(Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư 02/2022/TT-UBDT được sửa đổi bởi Khoản 6 Điều 1 Thông tư 02/2023/TT-UBDT)

Trân trọng!

Nguyễn Ngọc Trầm
995

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]