Theo khoản 2 Điều 8 Thông tư 03/2018/TT-BGDĐT có quy định
Điều 8. Nhập học, tuyển sinh người khuyết tật học hòa nhập
[...]
2. Hồ sơ của người khuyết tật học hòa nhập theo quy định đối với từng cấp học, trình độ đào tạo và giấy xác nhận mức độ khuyết tật, kế hoạch giáo dục cá nhân.
Theo Điều 3 Thông tư 11/2014/TT-BGDĐT có quy định:
Điều 3. Hồ sơ tuyển sinh
1. Bản sao giấy khai sinh hợp lệ.
2. Học bạ cấp tiểu học hoặc các hồ sơ khác có giá trị thay thế học bạ.
Như vậy, đối với học sinh là người khuyết tật thì hồ sơ tuyển sinh cần có giấy xác nhận mức độ khuyết tật, kế hoạch giáo dục cá nhân và hồ sơ tuyển sinh theo quy chế của trường trung học cơ sở bao gồm bản sao giấy khai sinh hợp lệ và học bạ cấp tiểu học hoặc các hồ sơ khác có giá trị thay thế học bạ.
Theo Điều 11, 12 Thông tư 03/2018/TT-BGDĐT có quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của giáo viên giáo dục hòa nhập học sinh khuyết tật như sau:
(1) Về nhiệm vụ
- Tôn trọng và thực hiện các quyền của người khuyết tật.
- Bảo mật thông tin về tình trạng khuyết tật của cá nhân người khuyết tật và gia đình người khuyết tật.
- Phối hợp với nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật và gia đình người khuyết tật lập kế hoạch giáo dục cá nhân đối với người khuyết tật học hòa nhập; tổ chức hoạt động giáo dục, đánh giá kết quả giáo dục theo kế hoạch giáo dục cá nhân của người khuyết tật.
- Phát hiện và đề xuất giải pháp xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện giáo dục hòa nhập.
- Tư vấn cho người khuyết tật và gia đình người khuyết tật về dịch vụ hỗ trợ, can thiệp sớm, giáo dục hòa nhập, định hướng nghề nghiệp phù hợp với khả năng và nhu cầu của người khuyết tật.
- Phối hợp với đồng nghiệp, gia đình và các tổ chức, cá nhân có liên quan để xây dựng môi trường giáo dục hòa nhập, thân thiện đối với người khuyết tật.
- Thường xuyên tự bồi dưỡng, đổi mới phương pháp, học hỏi kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả giáo dục hòa nhập.
(2) Về quyền hạn
- Được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ về giáo dục hòa nhập.
- Được tham quan, học tập kinh nghiệm về giáo dục hòa nhập.
- Được khen thưởng khi có thành tích xuất sắc trong giáo dục hòa nhập.
- Được hưởng các chính sách ưu đãi trong giáo dục hòa nhập theo quy định hiện hành.
Theo Điều 14, 15 Thông tư 03/2018/TT-BGDĐT có quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của người khuyết tật khi tham gia giáo dục hòa nhập như sau:
(1) Về nhiệm vụ
- Học tập và rèn luyện theo kế hoạch giáo dục cá nhân của người khuyết tật
- Thông tin tình hình sức khỏe, khả năng học tập, đề xuất nhu cầu hỗ trợ với gia đình, cơ sở giáo dục khi cần thiết.
- Tôn trọng cán bộ, giáo viên, nhân viên trong cơ sở giáo dục; đoàn kết, giúp đỡ, tương trợ nhau trong học tập và rèn luyện; thực hiện nội quy nhà trường; giữ gìn và bảo vệ tài sản chung.
(2) Về quyền hạn
- Người khuyết tật được nhập học ở độ tuổi cao hơn so với độ tuổi nhập học theo quy định.
- Được học tập trong các cơ sở giáo dục phù hợp với trình độ, năng lực; được quan tâm, tôn trọng và bảo vệ, đối xử bình đẳng trong học tập, trong các hoạt động giáo dục để phát triển khả năng cá nhân; được cung cấp thông tin, cấp sách giáo khoa, học phẩm, học bổng theo quy định.
- Người khuyết tật được học tập, rèn luyện và hỗ trợ trong các giờ học cá nhân về kiến thức, kỹ năng đặc thù để học hòa nhập có hiệu quả.
- Được tư vấn về dịch vụ hỗ trợ, can thiệp sớm, giáo dục hòa nhập, định hướng nghề nghiệp phù hợp với khả năng và nhu cầu của người khuyết tật.
- Được bảo mật thông tin về tình trạng khuyết tật.
- Được tuyên dương, khen thưởng khi có thành tích trong học tập, rèn luyện.
- Được hưởng chính sách, chế độ về giáo dục đối với người khuyết tật theo quy định tại Thông tư số 42 và các quy định hiện hành khác.