- Đơn đề nghị cấp Giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài do người đại diện theo pháp luật của ngân hàng nước ngoài ký theo mẫu quy định tại Phụ lục số 05 ban hành kèm theo Thông tư 56/2024/TT-NHNN.
- Đề án thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài bao gồm các nội dung cơ bản sau:
+ Sự cần thiết thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
+ Tên chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tên tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương nơi dự kiến đặt trụ sở chi nhánh, nội dung hoạt động, thời gian hoạt động, vẫn được cấp khi thành lập;
+ Sơ đồ tổ chức, danh sách nhân sự dự kiến của chi nhánh ngân hàng nước ngoài phù hợp với các quy định tại Điều 97, Điều 98 Luật Các tổ chức tín dụng 2024; danh sách nhân sự dự kiến phải mô tả chi tiết trình độ chuyên môn, kinh nghiệm công tác, năng lực quản lý rủi ro đáp ứng được các yêu cầu của từng vị trí;
+ Chính sách quản lý rủi ro: Nhận diện, đo lường, phòng ngừa, quản lý và kiểm soát rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động, rủi ro thị trường, rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng, rủi ro thanh khoản, rủi ro tập trung và các rủi ro khác phát sinh từ các hoạt động trọng yếu và trong quá trình hoạt động;
+ Công nghệ thông tin:
(i) Dự kiến đầu tư tài chính cho công nghệ thông tin;
(ii) Hệ thống công nghệ thông tin phải đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về quản trị điều hành, quản lý rủi ro của chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các quy định của Ngân hàng Nhà nước;
(iii) Khả năng áp dụng công nghệ thông tin, trong đó nêu rõ: thời gian thực hiện đầu tư công nghệ; loại hình công nghệ dự kiến áp dụng; dự kiến cán bộ và khả năng của cán bộ trong việc áp dụng công nghệ thông tin; bảo đảm hệ thống thông tin có thể tích hợp và kết nối với hệ thống quản lý của Ngân hàng Nhà nước để cung cấp thông tin theo yêu cầu quản lý của Ngân hàng Nhà nước;
(iv) Hồ sơ về hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
(v) Các giải pháp đảm bảo an toàn, bảo mật tương ứng với loại hình dịch vụ dự kiến triển khai;
(vi) Nhận diện, đo lường và triển khai phương án quản lý rủi ro đối với công nghệ dự kiến áp dụng trong lĩnh vực hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
(vii) Dự kiến phân công trách nhiệm báo cáo và kiểm soát hoạt động hệ thống công nghệ thông tin;
+ Khả năng đứng vững và phát triển của chi nhánh ngân hàng nước ngoài trên thị trường:
(i) Phân tích và đánh giá thị trường ngân hàng, trong đó nêu được thực trạng, thách thức và triển vọng;
(ii) Khả năng tham gia và cạnh tranh trên thị trường của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trong đó chứng minh được lợi thế của chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi tham gia thị trường;
(iii) Chiến lược phát triển, mở rộng mạng lưới hoạt động và nội dung hoạt động ngân hàng, loại khách hàng và số lượng khách hàng. Trong đó, phân tích rõ việc đáp ứng các điều kiện đối với những nội dung hoạt động có điều kiện;
+ Hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ:
(i) Yêu cầu đối với hệ thống kiểm soát nội bộ;
(ii) Dự thảo các quy định nội bộ cơ bản về tổ chức và hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tối thiểu bao gồm các quy định nội bộ quy định tại khoản 2 Điều 101 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 và quy định về tổ chức và hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
(iii) Quy trình hoạt động của kiểm toán nội bộ;
+ Phương án kinh doanh dự kiến trong 03 năm đầu, trong đó tối thiểu phải bao gồm các nội dung sau: Phân tích thị trường, chiến lược, mục tiêu và kế hoạch hành động để đạt được mục tiêu đó, các báo cáo tài chính dự kiến của từng năm (bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ, chỉ tiêu an toàn vốn tối thiểu, các chỉ tiêu về hiệu quả hoạt động và thuyết minh khả năng thực hiện các chỉ tiêu tài chính trong từng năm).
- Điều lệ của ngân hàng mẹ.
- Sơ yếu lý lịch của Tổng giám đốc (Giám đốc) của chi nhánh ngân hàng nước ngoài dự kiến theo mẫu quy định tại Phụ lục số 07 ban hành kèm theo Thông tư 56/2024/TT-NHNN có xác nhận của ngân hàng mẹ; Phiếu lý lịch tư pháp theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 11 Thông tư 56/2024/TT-NHNN; Bản sao có chứng thực các văn bằng, chứng chỉ chứng minh năng lực, trình độ chuyên môn và các tài liệu chứng minh việc đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng 2024 và các quy định pháp luật có liên quan của Tổng giám đốc (Giám đốc) dự kiến.
- Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc các văn bản tương đương do cơ quan có thẩm quyền của nước nơi tổ chức tín dụng nước ngoài đặt trụ sở chính cấp cho ngân hàng mẹ.
- Văn bản của cơ quan có thẩm quyền của nước nơi tổ chức tín dụng nước ngoài đặt trụ sở chính cung cấp thông tin về ngân hàng mẹ như sau:
+ Nội dung hoạt động được phép tại nước nơi tổ chức tín dụng nước ngoài đặt trụ sở chính tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép;
+ Tình hình tuân thủ pháp luật về hoạt động ngân hàng và các quy định pháp luật khác trong vòng 05 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép;
+ Tỷ lệ an toàn vốn và các tỷ lệ đảm bảo an toàn khác theo quy định của nước nơi tổ chức tín dụng nước ngoài đặt trụ sở chính vào năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép;
+ Tình hình tuân thủ các quy định về quản trị rủi ro và trích lập dự phòng vào năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép.
- Văn bản của cơ quan có thẩm quyền của nước nơi tổ chức tín dụng nước ngoài đặt trụ sở chính cam kết khả năng giám sát toàn bộ hoạt động của ngân hàng mẹ (bao gồm cả hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam) trên cơ sở hợp nhất theo thông lệ quốc tế.
- Báo cáo tài chính đã được kiểm toán 05 năm liên tiếp liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép của ngân hàng mẹ.
- Văn bản hoặc tài liệu của tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế xếp hạng tín nhiệm đối với ngân hàng mẹ trong thời hạn 06 tháng trước thời điểm nộp hồ sơ.
- Văn bản của ngân hàng mẹ bảo đảm chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với mọi nghĩa vụ và cam kết của chi nhánh tại Việt Nam; đảm bảo duy trì giá trị thực của vốn được cấp của chi nhánh không thấp hơn mức vốn pháp định và và thực hiện các quy định về hạn chế để bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2024.
- Báo cáo quá trình thành lập, hoạt động và định hướng phát triển đối với ngân hàng mẹ cho đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép.
- Văn bản của ngân hàng mẹ do người đại diện theo pháp luật ký về việc cử Ban trù bị và ủy quyền cho Trưởng Ban trù bị.
- Văn bản của ngân hàng mẹ do người đại diện theo pháp luật ký kèm tài liệu chứng minh chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam đáp ứng các điều kiện quy định tại điểm d khoản 3 Điều 29 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 trong trường hợp ngân hàng mẹ đề nghị thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài thứ hai trở lên tại Việt Nam.
- Sau khi nhận được văn bản chấp thuận nguyên tắc, Ban trù bị phải bổ sung các văn bản sau:
+ Văn bản bổ nhiệm Tổng giám đốc (Giám đốc) của chi nhánh ngân hàng nước ngoài do đại diện theo pháp luật của ngân hàng mẹ ký;
+ Văn bản chứng minh quyền sử dụng hợp pháp trụ sở của chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
+ Các quy định nội bộ về tổ chức và hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài quy định tại điểm g khoản 2 Điều 14 Thông tư 56/2024/TT-NHNN được ngân hàng mẹ thông qua;
+ Văn bản của Cơ quan có thẩm quyền của nước nơi tổ chức tín dụng nước ngoài đặt trụ sở chính đánh giá ngân hàng mẹ đáp ứng các điều kiện theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2024 và các văn bản hướng dẫn từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép đến thời điểm nộp bổ sung văn bản;
+ Các văn bản khác có liên quan đến cấp Giấy phép.
Theo quy định tại Điều 7 Thông tư 56/2024/TT-NHNN, thủ tục cấp Giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài:
- Ban trù bị lập hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép theo quy định tại Điều 10, Điều 11, khoản 1, 2, 3 Điều 12, khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 13, khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13 Điều 14 Thông tư 56/2024/TT-NHNN và gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp tại Ngân hàng Nhà nước (bộ phận Một cửa).
Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép, Ngân hàng Nhà nước có văn bản gửi Đơn trù bị xác nhận đã nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ để xem xét chấp thuận nguyên tắc hoặc yêu cầu bổ sung trong trường hợp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép chưa đầy đủ, hợp lệ;
- Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày gửi văn bản xác nhận đã nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấp thuận nguyên tắc thành lập ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sau khi xem xét ý kiến của các cơ quan liên quan. Trường hợp không chấp thuận, Ngân hàng Nhà nước có văn bản trả lời Ban trù bị, trong đó nêu rõ lý do không chấp thuận;
- Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận nguyên tắc thành lập ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Ban trù bị lập các văn bản bổ sung theo quy định tại Điều 10, khoản 4 Điều 12, khoản 7 Điều 13, khoản 14 Điều 14 Thông tư 56/2024/TT-NHNN và gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp tại Ngân hàng Nhà nước (bộ phận Một cửa). Quá thời hạn nêu trên, Ngân hàng Nhà nước không nhận được hoặc nhận được không đầy đủ các văn bản bổ sung thì văn bản chấp thuận nguyên tắc đương nhiên không còn giá trị
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ các văn bản bổ sung, Ngân hàng Nhà nước xác nhận bằng văn bản về việc đã nhận đầy đủ văn bản bổ sung.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đầy đủ các văn bản bổ sung, Ngân hàng Nhà nước tiến hành cấp Giấy phép theo quy định. Trường hợp không cấp Giấy phép, Ngân hàng Nhà nước có văn bản trả lời Ban trù bị, trong đó nêu rõ lý do không cấp Giấy phép.