24/05/2024 08:36

Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán từ 01/7/2024 gồm những gì?

Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán từ 01/7/2024 gồm những gì?

Cho tôi hỏi, tôi nghe nói Nhà nước vừa mới ban hành Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt, vậy hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán từ khi Nghị định này có hiệu lực gồm những gì? - Câu hỏi từ chị Danh, Tp. HCM.

Chào chị, Ban biên tập xin trả lời như sau:

Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán là tổ chức nào?

Theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Nghị định 52/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/7/2024 thì tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán là tổ chức không phải là ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán gồm những gì?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Nghị định 52/2024/NĐ-CP thì hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán bao gồm như sau:

- Đơn đề nghị cấp Giấy phép theo Mẫu số 07 ban hành kèm theo Nghị định 52/2024/NĐ-CP;

- Nghị quyết của Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Đại hội đồng cổ đông, văn bản của người đại diện có thẩm quyền của chủ sở hữu phù hợp với thẩm quyền quy định tại Điều lệ công ty về việc thông qua Đề án cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và Bản thuyết minh giải pháp kỹ thuật;

- Đề án cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán theo Mẫu số 08 ban hành kèm theo Nghị định 52/2024/NĐ-CP;

- Bản thuyết minh giải pháp kỹ thuật;

- Hồ sơ về nhân sự:

+ Sơ yếu lý lịch theo Mẫu số 09 ban hành kèm theo Nghị định 52/2024/NĐ-CP, bản sao các văn bằng chứng minh năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của người đại diện theo pháp luật, Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc) và các cán bộ chủ chốt thực hiện Đề án cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán;

+ Phiếu lý lịch tư pháp hoặc văn bản có giá trị tương đương của người đại diện theo pháp luật, Tổng Giám đốc (Giám đốc) theo quy định của pháp luật (trước thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép không quá 06 tháng);

+ Văn bản của người đại diện có thẩm quyền của đơn vị nơi người đại diện theo pháp luật, Tổng Giám đốc (Giám đốc) đã hoặc đang làm việc xác nhận chức vụ và thời gian đảm nhận chức vụ hoặc bản sao văn bản chứng minh chức vụ và thời gian đảm nhiệm chức vụ tại đơn vị của người đại diện theo pháp luật, Tổng Giám đốc (Giám đốc);

- Bản sao các tài liệu chứng minh tổ chức đề nghị cấp Giấy phép được thành lập và hoạt động hợp pháp, gồm:

+ Giấy phép thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ có giá trị tương đương;

+ Điều lệ tổ chức và hoạt động của tổ chức;

+ Giấy chứng nhận đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài (nếu có);

- Văn bản cam kết và tài liệu chứng minh của chủ sở hữu, thành viên sáng lập, cổ đông sáng lập của tổ chức về việc đảm bảo duy trì giá trị thực có của vốn điều lệ;

- Đối với dịch vụ chuyển mạch tài chính, dịch vụ bù trừ điện tử:

+ Phương án được một tổ chức thực hiện quyết toán kết quả bù trừ giữa các bên liên quan quy định tại Mẫu số 08 ban hành kèm theo Nghị định 52/2024/NĐ-CP;

+ Văn bản thỏa thuận kết nối với các tổ chức tham gia, có nội dung cam kết không được kết nối quá 02 tổ chức cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính, dịch vụ bù trừ điện tử;

+ Tài liệu chứng minh cơ sở hạ tầng thông tin, hệ thống máy chủ đáp ứng quy định tại điểm g khoản 2 Điều 22 Nghị định 52/2024/NĐ-CP;

- Đối với dịch vụ chuyển mạch tài chính quốc tế:

+ Quy định nội bộ về tiêu chuẩn lựa chọn hệ thống thanh toán quốc tế để kết nối thực hiện chuyển mạch tài chính các giao dịch thanh toán quốc tế;

+ Quy định nội bộ về quy trình nghiệp vụ với các biện pháp quản lý rủi ro đối với dịch vụ chuyển mạch tài chính quốc tế đề nghị cấp phép;

+ Bản sao tài liệu chứng minh tổ chức vận hành hệ thống thanh toán quốc tế được thành lập và hoạt động hợp pháp ở nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia, vùng lãnh thổ nơi tổ chức thành lập hoặc đặt trụ sở chính cấp;

+ Phương án được một tổ chức thực hiện quyết toán kết quả bù trừ giữa các bên liên quan quy định tại Mẫu số 08 ban hành kèm theo Nghị định 52/2024/NĐ-CP.

Quy trình, thủ tục cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán như thế nào?

Theo quy định tại khoản 3 Điều 24 Nghị định 52/2024/NĐ-CP thì quy trình, thủ tục cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán như sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ cấp Giấy phép

Tổ chức đề nghị cấp Giấy phép nộp hồ sơ qua các phương thức sau:

- Qua đường bưu điện (dịch vụ bưu chính);

- Nộp trực tiếp tới Bộ phận Một cửa Ngân hàng Nhà nước.

Theo đó, tổ chức đề nghị cấp Giấy phép gửi 02 bộ hồ sơ và 06 đĩa CD (hoặc 06 USB) lưu trữ bản quét Bộ hồ sơ đầy đủ đề nghị cấp Giấy phép theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Nghị định 52/2024/NĐ-CP.

Bước 2: Kiểm tra, bổ sung hồ sơ

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép, Ngân hàng Nhà nước có văn bản gửi tổ chức xác nhận đã nhận đầy đủ thành phần hồ sơ hợp lệ. Trường hợp thành phần hồ sơ không đầy đủ và hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước có văn bản gửi tổ chức yêu cầu bổ sung, hoàn thiện thành phần hồ sơ. Thời gian bổ sung, hoàn thiện thành phần hồ sơ không tính vào thời gian thẩm định hồ sơ.

Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước có văn bản yêu cầu bổ sung thành phần hồ sơ nhưng tổ chức đề nghị cấp Giấy phép không gửi lại hồ sơ hoặc hồ sơ bổ sung của tổ chức không đáp ứng thành phần thì Ngân hàng Nhà nước có văn bản trả lại hồ sơ cho tổ chức;

Bước 3: Thẩm định hồ sơ và cấp Giấy phép

Trong thời hạn 90 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ thành phần hồ sơ hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước tiến hành thẩm định hồ sơ. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước có văn bản yêu cầu giải trình, hoàn thiện hồ sơ mà tổ chức không gửi lại hồ sơ thì Ngân hàng Nhà nước có văn bản trả lại hồ sơ cho tổ chức.

Trong thời hạn 90 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ bổ sung, hoàn thiện của tổ chức, Ngân hàng Nhà nước tiến hành thẩm định, cấp Giấy phép theo quy định. Trường hợp không cấp Giấy phép, Ngân hàng Nhà nước có văn bản trả lời tổ chức, trong đó nêu rõ lý do;

Kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước nhận đầy đủ thành phần hồ sơ hợp lệ, tổ chức đề nghị cấp Giấy phép được tự gửi bổ sung, hoàn thiện hồ sơ tối đa 02 lần; thời gian nộp hồ sơ tự bổ sung, hoàn thiện của tổ chức tối đa không vượt quá 60 ngày kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước có văn bản gửi tổ chức xác nhận đã nhận đầy đủ thành phần hồ sơ hợp lệ.

Trân trọng!

Nguyễn Thị Ngọc Trâm
313

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]