12/01/2024 15:39

Hộ kinh doanh có được phép giảm giá hàng hóa sắp hết hạn không?

Hộ kinh doanh có được phép giảm giá hàng hóa sắp hết hạn không?

Cho tôi hỏi: Trường hợp hàng hóa sắp hết hạn sử dụng thì hộ kinh doanh có được phép hạ giá bán không? Thanh Hằng – Yên Bái.

Chào chị, Ban biên tâp xin giải đáp như sau:

1. Hộ kinh doanh là gì?

Tại Điều 79 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về hộ kinh doanh như sau:

- Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.

- Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương.

Như vậy, hộ kinh doanh là hình thức kinh doanh của cá nhân hoặc các thành viên trong một hộ gia đình đăng ký thành lập theo quy định pháp luật, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ.

2. Hộ kinh doanh có được phép giảm giá hàng hóa sắp hết hạn không?

Theo quy định tại khoản 6 Điều 11 Luật giá 2012 về các trường hợp hạ giá bán hàng hóa, dịch vụ mà không bị coi là vi phạm pháp luật về cạnh tranh và pháp luật chống bán phá giá hàng nhập khẩu, đồng thời phải niêm yết công khai tại nơi giao dịch về mức giá cũ, mức giá mới, thời hạn hạ giá bao gồm:

- Hàng tươi sống;

- Hàng hóa tồn kho;

- Hàng hóa, dịch vụ theo mùa vụ;

- Hàng hóa, dịch vụ để khuyến mại theo quy định của pháp luật;

- Hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp doanh nghiệp phá sản, giải thể; thay đổi địa điểm, ngành nghề sản xuất, kinh doanh;

- Hàng hóa, dịch vụ khi thực hiện chính sách bình ổn giá của Nhà nước.

Từ ngày 01/7/2024, Luật giá 2023 chính thức có hiệu lực, theo đó quy định về quyền của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như sau:

Điều 8. Quyền của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ

4. Hạ giá bán hàng hóa, dịch vụ mà không bị coi là vi phạm quy định của pháp luật về cạnh tranh, pháp luật về chống bán phá giá hàng nhập khẩu và phải niêm yết công khai về mức giá cũ, mức giá mới, thời hạn hạ giá đối với các trường hợp sau đây:

a) Hàng tươi sống;

b) Hàng hóa tồn kho;

c) Hàng hóa, dịch vụ theo mùa vụ;

d) Hàng hóa, dịch vụ để khuyến mại theo quy định của pháp luật;

đ) Hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, phá sản, giải thể; thay đổi địa điểm, ngành nghề sản xuất, kinh doanh;

e) Hàng hóa, dịch vụ khi thực hiện chính sách bình ổn giá của Nhà nước.

Như vậy, so với quy định hiện hành, Luật giá 2023 có quy định thêm trường hợp "Hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh".

Có thể thấy, pháp luật không cấm hộ kinh doanh hạ giá bán sản phẩm. Tuy nhiên, hộ kinh doanh giảm giá hàng hóa sắp hết hạn không bị coi là vi phạm pháp luật về cạnh tranh và pháp luật chống bán phá giá thuộc các trường hợp như:

+ Hàng tươi sống;

+ Hàng hóa tồn kho.

3. Nghĩa vụ của hộ kinh doanh theo quy định của Luật giá

Theo quy định tại Điều 12 Luật giá 2012 về nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh như sau:

- Lập phương án giá hàng hoá, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá trình cơ quan có thẩm quyền quyết định.

- Chấp hành quyết định về giá, biện pháp bình ổn giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Đăng ký giá bán hoặc giá mua đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc diện phải đăng ký giá và chịu trách nhiệm về tính chính xác của mức giá đã đăng ký theo quy định của pháp luật.

- Kê khai giá bán hoặc giá mua hàng hóa, dịch vụ và chịu trách nhiệm về tính chính xác của mức giá đã kê khai đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc diện phải kê khai giá theo quy định của Chính phủ.

- Niêm yết giá:

+ Đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thì tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải niêm yết đúng giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và mua, bán đúng giá niêm yết;

+ Đối với hàng hóa, dịch vụ không thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thì niêm yết theo giá do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quyết định và không được mua, bán cao hơn giá niêm yết.

+ Công khai thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền định giá của mình theo quy định của Luật này.

+ Cung cấp kịp thời, chính xác, đầy đủ số liệu, tài liệu có liên quan theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp Nhà nước định giá, áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh.

+ Giải quyết kịp thời mọi khiếu nại về giá hàng hoá, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh. Bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật về giá theo quy định của pháp luật.

Như vậy, theo Luật giá 2012, hộ kinh doanh có một số nghĩa vụ như: chấp hành quy định về giá của Nhà nước, đăng ký/kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin giá, cung cấp thông tin về giá khi Nhà nước yêu cầu, giải quyết khiếu nại và bồi thường thiệt hại liên quan đến giá.

Trân trọng!

Nguyễn Ngọc Trầm
256

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn